Nhà đầu tư bất động sản nên cắn răng cắt lỗ năm 2022 hay ôm hàng đợi sang năm?
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư bất động sản không khỏi hoang mang khi thấy có nhiều tin tức bất lợi và băn khoăn giữa việc cắt lỗ hay ôm hàng.
Tổng giám đốc MLAND Pro, ông Cao Minh Thành nhận định, thị trường bất động sản 2022 sẽ còn tăng trưởng tốt. Nhìn chung, đây sẽ là năm giá nhà đất tiếp tục tăng nhưng nguồn cung ít. Thế nhưng, vị chuyên gia này cho rằng, đây là thời điểm mà nhà đầu tư nên đẩy mạnh việc thoát hàng, muộn nhất là nửa đầu năm 2023. Nguyên do là thị trường sẽ có xu hướng đi xuống, giá bất động sản sẽ giảm.
Ông Thành cho biết: "Một chu kỳ dài nhất của bất động sản là 5 năm và chu kỳ tốt chỉ khoảng 5-7 năm. Nhưng tính từ năm 2013 đến nay, chúng ta đã có tới 9 năm thị trường tăng trưởng. Thế nên, tôi dự đoán tới năm 2023, thị trường bất động sản sẽ dần trở nên khó khăn".
Vị chuyên gia này cũng nêu ra 2 yếu tố khác tác động tới thị trường bất động sản. Trước hết là công cụ quản lý kinh tế vĩ mô hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản sau thời gian tăng trưởng mạnh nhờ gói hỗ trợ kinh tế, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi Nhà nước siết chặt dòng vốn vào bất động sản, thị trường sẽ trở nên "khát" vốn. Thứ hai là sau khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng tiền sẽ trải đều vào ngành sản xuất, khi ấy lĩnh vực bất động sản sẽ bị hạn chế.
Theo ông Thành, hầu hết các nhà đầu tư lâu năm đều đã phán đoán được tình hình, biết thoát hàng nhịp nhàng nếu có "biến". Khi thoát hàng chậm, việc cắt lỗ là điều không thể tránh khỏi. Gần đây, giá bất động sản đã lên cao nhưng các nhà đầu tư vẫn nhận thấy khả năng sinh lời của kênh này. Vì vậy, bất chấp mạo hiểm, không ít nhà đầu tư vẫn chấp nhận.
Ông Phương Ngô, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng cũng cho rằng, trong thời gian 2021 đến hết 2022, Nhà nước vẫn phải cung tiền hỗ trợ chống dịch và nguồn tiền trong lưu thông còn tăng. Tuy nhiên, giai đoạn 2022-2023, khi chương trình tiêm chủng gần như hoàn thiện, Nhà nước và ngân hàng sẽ đưa ra những kế hoạch kích thích kinh tế mới, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất trở lại. Theo đó, việc cho vay sẽ dễ hơn, lãi suất cũng giảm đi, thị trường bất động sản sẽ giao dịch sôi động trở lại. Với lượng tiền lớn từ quá trình chống dịch và kích thích kinh tế, đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư "thoát hàng".
Còn giai đoạn 2024-2025, nhiều khả năng sẽ tiếp tục khôi phục sản xuất, nhưng lạm phát có nguy cơ tăng cao. Khi đó, ngân hàng sẽ hút dòng tiền lưu thông bằng cách cắt giảm các gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất. Theo vị chuyên gia này, đây là thời điểm đen tối nhất của thị trường bất động sản, dễ rơi vào tình trạng giảm sâu.
GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, quy luật của thị trường bất động sản khi xuống thì sẽ lên. Từ những đợt "sốt đất" vừa qua, cứ khoảng 4-5 là kết thúc một chu kỳ tăng trưởng của thị trường. Do đó, để nhìn triển vọng của bất động sản, chúng ta cần nhìn dài hạn trong vòng 3 - 5 năm tới tương đối ổn định và phát triển.
Theo Triệu Vương/Nhịp sống kinh tế
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận