Vị giáo sư trẻ nhất nhì Việt Nam Nguyễn Đức Toàn: 23 tuổi bắt đầu đi dạy, 40 tuổi được phong hàm Giáo sư

Ở tuổi 40, thầy Nguyễn Đức Toàn (Viện Cơ Khí, ĐH Bách Khoa) đã được phong hàm Giáo sư, trở thành Giáo sư trẻ nhất liên ngành Cơ khí - Động lực. 

Chi Nguyễn
10:48 25/11/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Giáo sư Nguyễn Đức Toàn (SN 1980, quê Hải Dương), là cựu sinh viên Đại học Bách Khoa (Hà Nội). Vào cuối năm 2020, anh là 1 trong 3 người trẻ nhất được phong học hàm giáo sư, và là giáo sư trẻ nhất của liên ngành Cơ khí – Động lực.

Cơ khí là đam mê từ nhỏ

nguyen-duc-toan-thay-giao-dh-bach-khoa-nhan-ham-giao-su-nam-40-tuoi
Thầy giáo Nguyễn Đức Toàn (phải) nhận quyết định công nhận học hàm giáo sư năm 2020

Giáo sư cho biết, trong những năm đầu cấp 1, cấp 2, anh có thành tích không quả nổi trội. Mọi chuyện thay đổi khi anh thi đậu vào lớp chuyên Toán ở trường THPT Lê Hồng Quang. Cậu học sinh trường làng bỗng chốc phải chuyển sang môi trường mới đầy tính cạnh tranh, khiến anh khi đó cảm thấy tự ti và hụt hơi so với các bạn. 8x Hải Dương cho biết: "Các bạn trong lớp tôi khi ấy đều đến từ trường năng khiếu, trường THCS chuyên của huyện, sức học mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng chính áp lực đó giúp tôi khi ấy quyết tâm rèn luyện, bứt phá vươn lên bắt kịp bạn bè trong lớp".

Nhờ vậy, anh đã thi đỗ vào ĐH Bách Khoa Hà Nội, chọn ngành Cơ khí, chuyên ngành Công nghệ chế tạo máy. Được theo đuổi đam mê của bản thân, Đức Toàn luôn đọc sách và làm nghiên cứu mỗi ngày, nhờ đó dẫn đầu lớp về kết quả học tập. Năm 2003, anh tốt nghiệp loại Giỏi, rồi được trường giữ lại để giảng dạy, đồng thời tạo điều kiện để nghiên cứu khoa học. 

nguyen-duc-toan-thay-giao-dh-bach-khoa-nhan-ham-giao-su-nam-40-tuoi
Anh tốt nghiệp loại Giỏi, rồi được trường giữ lại để giảng dạy, đồng thời tạo điều kiện để nghiên cứu khoa học

Khi ấy, Thầy trưởng bộ môn, GS. Bành Tiến Long - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã mời anh lên Bộ nói chuyện, chia sẻ và động viên. Đức Toàn nhớ lại: "Tôi xúc động lắm vì khi ấy mình còn chưa là thành viên chính thức của bộ môn mà đã được quan tâm như vậy. Dù đang bận bịu ở một vị trí cao nhưng Thầy vẫn nhiệt tình với các thế hệ đi sau".

Với vị giáo sư này, Bách Khoa Hà Nội là nguồn năng lượng sáng tạo bất tận. Trường luôn có chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu và sẵn sàng giao nhiệm vụ quan trọng cho các nhà khoa học của trường. Những nhà khoa học trẻ khi mới về trường đều được động viên, khuyến khích thực hiện đề tài nghiên cứu mới, còn nếu là nhà nghiên cứu đã có thành tót cao, trường lại giao những đề tài có "chuẩn đầu ra" cao hơn. 

nguyen-duc-toan-thay-giao-dh-bach-khoa-nhan-ham-giao-su-nam-40-tuoi
GS. Nguyễn Đức Toàn (bìa trái ảnh) cùng 2 GS trẻ Hàn Quốc từ Đại học Kyungpook tại Hội nghị

Giáo sư cho biết thêm: "Năm 2011, tôi được nghiên cứu chuyên sâu và tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại Học Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc, chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí. Tại đây, tôi công bố nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng. Nhờ những kết quả đó, khi về nước làm việc, tôi thường đệ trình lên các quỹ nghiên cứu phát triển để tìm kiếm nguồn tài trợ cho các nghiên cứu của mình. Thật may mắn, nhờ vào uy tín và kết quả nghiên cứu trước đó của tôi, họ đều chấp nhận tài trợ tiền để mua sắm trang thiết bị, thậm chí họ trả thêm lương cho việc nghiên cứu của chính tôi".

Được biết, sau gần 20 năm công tác ở Bách Khoa, vị giáo sư trẻ này đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Chưa kể, anh còn công bố 110 bài báo khoa học, trong đó 50 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Ngoài ra, vị giáo sư này còn tham gia biên soạn 2 giáo trình, 2 sách chuyên khảo và 6 chương sách quốc tế có giá trị trích dẫn cao.

Vị giảng viên luôn sẵn sàng đi cùng học trò đến bất kỳ đâu 

Vị giáo sư trẻ tâm sự, bài toán tạo động lực nghiên cứu là bài toán khó nhất. Ngay cả anh khi mới sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh cũng gặp vô số thử thách, khó khăn. Anh nhớ lại: "Thất bại sẽ đến một cách rất tự nhiên trong giai đoạn này, và nó thường ăn sâu vào trong tiềm thức của người làm khoa học".

nguyen-duc-toan-thay-giao-dh-bach-khoa-nhan-ham-giao-su-nam-40-tuoi
Tôi sẵn sàng đi cùng học trò đến bất kỳ nơi nào để có thể giải quyết trọn vẹn công việc

Ban đầu, Đức Toàn cũng cảm thấy vô cùng e ngại giáo sư của mình, nhất là khi chênh lệch học hàm rõ rệt. Cuối cùng, sau nhiều đêm cân nhắc, anh đã chia sẻ suy nghĩ với thầy. Không ngờ, nhờ sự chân thành của anh, giáo sư đã mở lòng, đưa ra định hướng cụ thể và tạo điều kiện cho nhóm nghiên cứu tới cơ sở nhà máy để học hỏi, nghiên cứu cụ thể. 

Thầy giáo 8x nhận định: "Mình phải thử nghiệm, phải thất bại, phải làm lại và trình bày rõ ràng, sau đó mới đón nhận được những lời nhận xét có giá trị của những người đi trước". Từng nếm trải nhiều thất bại, nên khi đứng trên cương vị của người thầy, Đức Toàn không hề đặt nặng khoảng cách về học hàm, học vị. Thay vào đó, anh chú trọng vào sự chia sẻ công việc với sinh viên, nghiên cứu sinh và đồng nghiệp để trả lời được câu hỏi nghiên cứu.

Cũng vì thế, thầy Toàn không hề câu nệ việc khó hay vất vả. Anh khẳng định: "Tôi sẵn sàng đi cùng học trò đến bất kỳ nơi nào để có thể giải quyết trọn vẹn công việc".

Không ngủ quên trên chiến thắng

nguyen-duc-toan-thay-giao-dh-bach-khoa-nhan-ham-giao-su-nam-40-tuoi
Tính ứng dụng và phổ biến từ các kết quả, công bố khoa học và đề tài nghiên cứu vào thực tế chính là điều tôi thấy tâm đắc

Giáo sư Toàn nhớ lại, đề tài nghiên cứu đầu tiên của anh có nguồn kinh phí chỉ 6-7 triệu đồng. Thế nhưng, với anh đó là một cơ hội hiếm có. Từ những đề tài nhỏ, các nhà khoa học trẻ mới có động lực để tiếp tục phát triển nghiên cứu, công trình của mình. Từ đó tạo tiền đề cho những đề tài lớn hơn, cấp cao hơn hay có nguồn kinh phí tốt hơn.

Khi mới về trường làm việc, kỷ niệm của anh là những ngày tháng không ngủ cùng tập thể sinh viên, giảng viên trẻ thức đêm làm thí nghiệm ở C8. Anh nhớ lại: 'Hồi đó, bộ môn có nhiều nhóm nghiên cứu nhỏ. Hệ thống máy mới được đưa vào sử dụng có rất nhiều thứ để nghiên cứu, nên mình mải mê lập trình, chạy thử...". 

Tất cả các đề tài nghiên cứu của anh đều được biên tập và công bố kết quả trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Giáo sư chia sẻ, các kết quả khoa học được công bố chính là đứa con tinh thần của nhà khoa học. Anh nói: "Tính ứng dụng và phổ biến từ các kết quả, công bố khoa học và đề tài nghiên cứu vào thực tế chính là điều tôi thấy tâm đắc".

nguyen-duc-toan-thay-giao-dh-bach-khoa-nhan-ham-giao-su-nam-40-tuoi

Chia sẻ về việc được phong hàm Giáo sự, anh cho biết: "Tôi rất vinh dự và tự hào vì được vinh danh học hàm Giáo sư ở tuổi 40. Sự tự hào đó là một quá trình phấn đầu không ngừng nghỉ, giảng dạy và làm nghiên cứu khoa học nghiêm túc, sáng tạo trong gần 20 năm qua".

Dù đã lên tới học hàm Giáo sư, Nguyễn Đức Toàn vẫn miệt mài nghiên cứu, làm việc đêm đến khuya. Anh chia sẻ: "Nếu không còn áp lực làm việc, tôi sẽ cảm thấy mọi việc hàng ngày thật nhàm chán".

Xem thêm: Nguyễn Quốc Huy và hành trình chinh phục giải Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận