Bỏ việc để lấn sân sang làm môi giới, người trẻ "vỡ mộng" phải cầm cố xe để trang trải
Kì vọng có thể kiếm lời, không ít người trẻ cắn răng bỏ việc để làm môi giới bất động sản. Nào ngờ, họ bị vỡ mộng vì thực tế không như tưởng tượng.
Nhắc tới những ngày đầu làm nghề môi giới bất động sản, anh Hoàng Nam (quê gốc Thái Bình) lại trầm ngâm suy nghĩ. Trước kia anh chỉ là nhân viên văn phòng bình thường, lương 10 triệu/tháng vừa đủ chi tiêu. Thế nhưng, anh hiểu rằng nếu muốn bám trụ lại ở Hà Nội thì nhiêu đó chưa đủ, chí ít phải mua được nhà. Dù vậy, giá nhà ở Hà Nội tăng chóng mặt nhiều năm qua, chung cư bình dân cũng đã có giá tiền tỷ.
Chưa hết, mỗi khi họp mặt với bạn cũ, anh Nam lại cảm thấy bị "lép vế". Bởi có không ít bạn học năm xưa, dù học lực chỉ ngang ngửa nhưng cuộc sống của họ lại tốt hơn anh nhiều. Có những người đang làm nghề môi giới bất động sản, thu nhập khủng lên tới cả trăm triệu. Chúng bạn "hai lúa" của anh ngày nào đã thay đổi, tác phong chững chạc, giao tiếp lưu loát và hiểu biết rộng.
Chính những điều đó càng làm anh Nam chán nản với công việc hiện tại, chăm chỉ 8 tiếng/ngày mà vẫn giậm chân tại chỗ. Năm 2021, anh quyết định nghỉ việc, đầu quân cho một môi giới bất động sản. Như nhiều người trẻ khác, anh Nam ôm mộng đổi đời nhờ nghề "cò đất". Nào ngờ, đợt dịch COVID-19 lầ thứ 4 bất ngờ ập đến, khiến anh quay cuồng xoay xở.
Anh kể: "Mới vào nghề, được sự giúp đỡ của đồng nghiệp tôi đã có ngay những giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, khi đó tôi mới vào nên làm cùng người khác tiền hoa hồng sẽ phải chia 2. Tưởng rằng từ đó thu nhập của tôi sẽ tốt hơn. Chưa vui mừng được bao lâu thì liên tiếp là các đợt dịch bệnh, môi giới phải nghỉ làm, không có thu nhập nhưng tiền chi phí thuê nhà và sinh hoạt thì vẫn nhiều như thế".
Đến lúc cạn kiệt tiền bạc, anh cắn răng cầm cố tài sản cuối cùng là chiếc xe máy bố mẹ mua cho từ hồi còn học đại học. Dịch bệnh tất cả đều khó khăn như nhau, anh Nam không dám chia sẻ cho gia đình. Biết bạn cùng phòng trọ được làm việc tại gia dài ngày, mỗi khi cần anh lại mượn tạm để đi. Dù là mùa dịch, nghề môi giới vẫn bận rộn, anh phải dồn tiền chạy quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bất động sản trên mạng xã hội.
Anh kể: "Đến khi dịch bệnh tạm thời ổn định, có thể đi làm trở lại, tôi đã phải nhờ bố mẹ vay mượn tiền hàng xóm, với lý do cần tiền góp vốn làm ăn chung. Việc đầu tiên là phải lấy lại chiếc xe máy. Sau đó, tôi tiếp tục đầu tư tiền vào quảng cáo bán hàng. Mỗi lần để mất khách tôi lại xem lại quá trình tư vấn có gặp lỗi ở đâu rồi chỉnh sửa".
Rất may, khi dịch bệnh được kiểm soát, lệnh giãn cách được gỡ bỏ, anh có thể đi làm trở lại. Cuối cùng, đến năm nay anh đã kiếm được kha khá, tuy không quá lớn nhưng vẫn hơn hồi làm văn phòng trước kia. Anh tâm sự: "Bây giờ cứ dần dần tôi nghĩ cũng sẽ tốt lên".
Theo anh, những người mới "chân ướt chân ráo" vào nghề rất dễ bị ảnh hưởng, bởi họ không có thu nhập ổn định và cũng không có khoản tiết kiệm lớn. Tuy tiềm ẩn nhiều rủi ro, anh Nam vẫn quyết tâm gắn bó với nghề môi giới bởi với anh công việc giúp anh được tiếp xúc với những người có tiền, làm thay đổi tư duy và nhìn nhận về thị trường.
Nhà môi giới này khẳng định: "Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm nghề môi giới bất động sản, bởi theo dự đoán trong năm tới đầu tư công được đẩy mạnh, nhu cầu đầu tư ngày càng cao thì thời gian tới sẽ còn nhiều cơ hội để nghề này phát triển".
Theo Minh Tâm/Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: Chuyên gia bất động sản chỉ ra 3 kiểu nhà ở có thể "hết thời", thành gánh nặng trong 5 năm tới
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận