Chán nản công việc hiện tại, học ngay mẹo xin nghỉ việc một cách khôn ngoan nhất
Xin nghỉ việc không đơn giản chỉ là viết đơn gửi cấp trên rồi dứt áo ra đi, mà đòi hỏi ta phải nắm chắc nghệ thuật giao tiếp để giữ ấn tượng tốt đẹp.
Nhiều người nghĩ rằng, xin nghỉ việc thì chỉ cần viết đơn gửi sếp, đến ngày hẹn thì dứt áo ra đi là được. Về lý thì điều này không sai, nhưng về tình thì không hay chút nào. Dù có chán nản hay bức xúc chỗ làm cũ thế nào, tốt hơn hết ta vẫn nên giữ lại ấn tượng đẹp cho đến phút cuối cùng.
Xin nghỉ việc một cách khôn khéo
Lý do khiến ta muốn nghỉ việc có thể nhiều vô kể, đó có thể là do lương thấp, cảm thấy bị bóc lột sức lao động hay đơn giản là muốn tìm lối đi riêng. Việc ta chọn "dứt áo ra đi" là điều bình thường, nên không cần phải cảm thấy quá tội lỗi. Tuy nhiên, không tránh khỏi những trường hợp gặp khó khăn khi muốn rời đi, dễ bị gây khó dễ hay níu kéo. Trong trường hợp đó, hãy thử áp dụng các bước sau:
Chọn lý do nghỉ việc hợp lý
Nhiều người cho rằng việc xin nghỉ thì không cần quan tâm tới thái độ người khác, nhưng điều đó sẽ khiến ta gặp phải tình huống "dở khóc dở cười". Bởi vì khi ta rời đi, doanh nghiệp nào cũng sẽ phải tìm người thế chỗ, điều này tốn chi phí, thời gian và cả công sức. Vì thế, ít cấp trên nào cảm thấy vui vẻ khi nhân viên nghỉ việc.
Hãy chọn một lý do thuyết phục để sếp không thể chối từ. Ta có nhiều lý do chính đáng để nghỉ việc như di chuyển nơi ở, đăng ký học nâng cao, sức khỏe giảm sút,... Nói rằng, nếu ta ở lại thì không thể hoàn thành tốt công việc, và việc lựa chọn ra đi sẽ rất tốt cho ta và doanh nghiệp.
Chọn thời điểm phù hợp
Việc chọn thời điểm phù hợp để nghỉ việc cũng là điều ta nên cân nhắc. Chẳng hạn, ta không nên lựa chọn thời điểm đầu năm - cuối năm bởi khi đó công ty thường rất bận rộn. Khi hết năm, các bộ phận sẽ phải đối mặt với vô vàn báo cáo, tổng kết "chốt sổ" năm cũ. Còn vào đầu năm, kế toán thường bận rộn hoàn thành báo cáo tài chính. Đây là những khoản thời gian nhạy cảm, khiến ta gặp khó khăn trong quá trình phê duyệt hoặc đối mặt với sự ghét bỏ từ đồng nghiệp xung quanh.
Thông báo trước cho cấp trên
Nếu định nghỉ việc, hãy giữ kín bí mật và chỉ thông báo cho cấp trên trước tiên. Việc báo cho sếp của mình trước khi "buôn" với đồng nghiệp thể hiện rằng ta là người tôn trọng quản lý trực tiếp. Với một số vị lãnh đạo, việc biết thông tin nghỉ việc qua đồng nghiệp có thể khiến họ nghĩ rằng ta không biết cách ứng xử, tệ hơn là xem thường cấp trên.
Soạn đơn xin nghỉ chuyên nghiệp
Viết đơn là việc ta cho rằng quá dễ dàng, nhưng thực tế thì không hẳn. Hãy trình bày đúng quy định, nêu rõ nội dung nghỉ việc và cẩn thận điền đầy đủ thông tin. Đừng biến đơn xin nghỉ việc thành "bức tâm thư", cũng đừng gạch xóa mà khiến nó thành "miếng giấy lộn".
Những việc cần làm trước khi thực sự rời đi
Sau khi đánh tiếng với sếp và gửi đơn xong, thông thường ta sẽ phải làm thêm một khoảng thời gian nữa. Với nhiều người, đây là khoảng thời gian "ác mộng", bởi họ có thể bị cho ra rìa trong các cuộc trò chuyện hay bị đồng nghiệp soi mói. Để tránh những tình huống đó, hãy lưu ý làm những việc này:
Làm tốt công việc đang dang dở
Tâm trạng chung của nhiều người sau khi gửi đơn xin nghỉ là thờ ơ với công việc. Họ cho rằng mình sắp nghỉ rồi thì không cần cố gắng nữa, chưa kể công ty cũ cũng chẳng có sức ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm. Dù đôi bên không còn muốn ở bên nhau, nhưng đừng vì thế mà biến mình thành "cái gai" trong mắt những người ở lại.
Hãy xử lý xong xuôi những công việc còn dang dở, như thế đồng nghiệp hay nhân viên mới sẽ không phải vất vả. Điều này sẽ giúp những người xung quanh và sếp đánh giá cao sự chuyên nghiệp của bạn. Biết đâu, họ cũng chính là người sẽ giúp đỡ ta khi tìm việc ở môi trường khác.
Không tự ý nghỉ ngang
Theo luật, ta phải thông báo nghỉ việc trước 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn và trước 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn. Ta chỉ có thể nghỉ không cần báo trước khi ta đang trong thời gian thử việc và cảm thấy công việc không phù hợp. Ngoài ra, tuyệt đối không nên nghỉ ngang khi chưa được sếp phê duyệt, bởi đó là hành động thiếu chuyên nghiệp.
Trường hợp nộp đơn nhưng không thấy phản hồi từ sếp, hãy thử trực tiếp gặp mặt sếp để tìm ra nguyên nhân để giải quyết. Nếu lý do không duyệt đơn công ty vô lý, ta có thể áp dụng quy định trong luật lao động để đối chất với sếp. Dù sao đây nữa, hãy tìm mọi cách giải quyết ổn thỏa trước khi đưa ra quyết định cực đoan này.
Bàn giao công việc
Khi nhân viên nghỉ việc, doanh nghiệp sẽ phải tìm người tạm thay thế trước khi tuyển được nhân viên mới. Hãy hỏi xem ai là người nhận phần việc của mình sau khi nghỉ, trò chuyện và đào tạo cho họ quen việc. Có thể ta không hài lòng ở công ty cũ, cũng đừng vì thế xao lãng việc bàn giao. Bởi "người thừa kế" học việc nhanh sẽ giúp đơn nghỉ việc của ta được giải quyết sớm hơn.
Theo HR Insider/VietnamWorks
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận