Nhờ công mẹ đan chổi mưu sinh nhiều năm ròng rã, cậu học trò khiếm thị xuất sắc giành học bổng 2,2 tỷ đồng

Nhờ công lao trời bể của mẹ và nỗ lực bản thân, chàng trai khiếm thị Trần Việt Hoàng (Hà Tĩnh) đã xuất sắc đạt học bổng 2,2 tỷ từ Fulbright Việt Nam.

Chi Nguyễn
16:35 28/10/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vào năm 2019, cư dân mạng không khỏi xôn xao khi biết tin cậu học trò khiếm thị tại Hà Tĩnh xuất sắc giành học bổng trị giá 2,2 tỷ của ĐH Fulbright Việt Nam. Đó là em Trần Việt Hoàng (SN 2000, trú xã Thượng Lộc, Can Lộc), chàng trai không may mất đi ánh sáng khi đang học cấp 1.

Hoàn cảnh ngặt nghèo của cậu học trò khiếm thị 

Được biết, vào năm em 4 tuổi, đôi mắt của Hoàng tự nhiên mờ dần do bị viêm võng mạc. Dù đã vay mượn nhiều nơi để đi chữa trị, bệnh của em vẫn không hề thuyên giảm, cuối cùng đôi mắt em dần mất đi ánh sáng. Từ đấy, 10x Hà Tĩnh cảm thấy tự ti, mặc cảm với bạn bè. Nhận được sự động viên của mẹ và mọi người, Hoàng tham gia Hội người mù huyện Can Lộc và theo học chữ nổi Braille. 

me-dan-choi-nuoi-con-trai-khiem-thi-thanh-tai-dat-hoc-bong-2-2-ty
Trần Việt Hoàng không may bị mù do viêm võng mạc từ năm 7 tuổi

Dù vậy, ngay cả khi đã học xong, cậu vẫn không thể xin đi học tiếp vì các trường từ chối tiếp nhận học sinh mù. Cuối cùng, người nhà Hoàng đã làm đơn trình bày nguyện vọng được đi học, gửi tới phòng GD&ĐT huyện Can Lộc. Rất may, em được đồng ý đi học ở tiểu học Đồng Lộc, bắt đầu lại hành trình đến trường.

Trần Việt Hoàng cho biết, ban đầu em rất tủi thân khi phải mò mẫm từng chữ cái. Mỗi ngày, em dành ra tận 3 tiếng để học chữ Braille bởi hệ thống chữ này nhiều ký tự, khó nhớ. Em nhớ lại: "Trong tiết học, nếu không theo kịp thì giờ ra chơi, em lên nhờ cô giáo đọc lại để ghi. Về nhà, em được một vài bạn học giúp đỡ để không bỏ sót bài". Quyết vượt lên số phận, 10x luôn cố gắng học tập, là học sinh giỏi toàn diện. Thậm chí, năm lớp 9 em còn được giành giải 3 học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử. 

Nỗ lực đan chổi kiếm tiền nuôi con của người mẹ

Chị Trần Thị Sen (SN 1976, mẹ của Hoàng) cho biết, suốt nhiều năm qua chị gồng gánh làm đủ nghề để nuôi 2 đứa con. Trước Hoàng còn có một người chị sinh năm 1993, nay đã có công việc ổn định. Chị Sen kể, thương con số khổ nhưng vẫn quyết chí đi học, chị cố gắng làm nhiều việc để kiếm tiền. Ngoài mấy sào ruộng, chị còn học thêm nghề đan chổi đót rồi đem ra chợ bán. Bà mẹ 2 con tằn tiện, tích cóp để có thể nuôi sống cả gia đình cũng như để hai chị em Hoàng đến trường như bạn bè. 

me-dan-choi-nuoi-con-trai-khiem-thi-thanh-tai-dat-hoc-bong-2-2-ty
Chị Trần Thị Sen ( mẹ của Hoàng) cho biết, suốt nhiều năm qua chị gồng gánh làm đủ nghề để nuôi 2 đứa con

Biết được nỗi nhọc nhằn của mẹ, nên Hoàng càng nỗ lực học hành. Mỗi khi cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, em lại nghĩ tới me, quyết tâm không bỏ cuộc mà lại cắm đầu vào học. Khi hết vụ mùa, chị Sen phải đi làm bất kỳ công việc gì mà người ta thuê để kiếm thêm thu nhập. Vì thế, hằng ngày, ngoài đi học, Hoàng còn phải chăm sóc bà bị bệnh thận nằm một chỗ.

me-dan-choi-nuoi-con-trai-khiem-thi-thanh-tai-dat-hoc-bong-2-2-ty
Mỗi khi cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, em lại nghĩ tới me, quyết tâm không bỏ cuộc mà lại cắm đầu vào học

Bên cạnh được mẹ chăm sóc, Hoàng còn nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ thầy cô và bạn bè. Được biết, khi mẹ em quá bận rộn việc đồng áng, cô bạn cùng lớp gần nhà là Nguyễn Thị Phương Anh nhận nhiệm vụ qua đón Hoàng đi học. Cô học trò nhỏ cười nói: "Hoàng học rất giỏi, em thấy khâm phục khả năng và nghị lực phi thường của bạn ấy. Sách vở bằng chữ nổi rất nặng, hôm nào cũng một cặp dày cộp, nhưng bạn ấy đều không kêu ca và than vãn một câu. Nhiều hôm đi học về xe bị thủng săm, mồ hôi nhễ nhại, em đẩy xe, bạn ấy níu đằng sau cùng theo về. Bọn em tự nhủ phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn để học thật tốt, mơ ước của em chính là trở thành một bác sĩ để cứu giúp người, trong đó có bạn em".

Ước mơ trở thành thầy giáo, nhà tâm lý học giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn

Trần Việt Hoàng tâm sự, ở mỗi thời điểm, tầm nhìn và ước mơ của con người sẽ khác, nhất là trong hoàn cảnh của em thì ước mơ đó càng trở nên thực tiễn hơn. Khi còn nhỏ, Hoàng mơ ước có thể trở thành phi công để bay lượn trên bầu trời. Khi mắt em mờ dần, 10x lại hi vọng có thể trở thành giáo viên dạy chữ Braille để giúp những người đồng cảnh ngộ. 

me-dan-choi-nuoi-con-trai-khiem-thi-thanh-tai-dat-hoc-bong-2-2-ty
Sau 4 lần phẫu thuật mắt và hàng chục lần thăm khám tại bệnh viện, Hoàng nhận thấy bản thân lại ấp ủ ước mơ cháy bỏng trở thành nhà tâm lý học

Tuy nhiên, sau 4 lần phẫu thuật mắt và hàng chục lần thăm khám tại bệnh viện, Hoàng nhận thấy bản thân lại ấp ủ ước mơ cháy bỏng trở thành nhà tâm lý học. Em tình cờ biết tới ĐH Fulbright qua sự giới thiệu của người quen, vốn là nhà sáng lập Quỹ Khát vọng - một quỹ hỗ trợ cho trẻ em mồ côi. Từ đó, em nuôi ước mơ được đi học ở Fulbright, theo đuổi ngành Tâm lý học.

Tháng 11/2018, Hoàng bắt đầu tìm hiểu, làm hồ sơ xét tuyển trực tuyến qua mạng. Em dành tới 1 tháng để tìm hiểu và gửi văn bản làm trên máy tính, thông qua phần mềm hỗ trợ cho người khiếm thị. Cuối cùng, sau 5 tháng chờ đợi kể từ ngày nộp hồ sơ xét học bổng, em đã vượt qua những vòng đánh giá ban đầu với kết quả xuất sắc.

Đầu tiên, Trần Việt Hoàng phải trải qua vòng hồ sơ và bài luận dự thi. Em trình bày những trải nghiệm hay bài học rồi từ đó rút ra bài học nhận được; lý do muốn trở thành sinh viên Đại học Fulbright; bài học thành công của Fulbright; trình bày một tác phẩm hoặc sản phẩm mà cậu sáng tạo ra. 

me-dan-choi-nuoi-con-trai-khiem-thi-thanh-tai-dat-hoc-bong-2-2-ty
Với bài luận, em liên hệ tới chính bản thân mình, viết về tình cảnh của những người yếu thế

Với bài luận, em liên hệ tới chính bản thân mình, viết về tình cảnh của những người yếu thế. Hoàng nhớ lại, em nhận thấy những người khuyết tật, khiếm thị, trẻ em mồ côi chưa nhận được sự quan tâm, tạo sự phát triển và nhìn nhận đúng về khả năng. Hoàng khẳng định, nếu người yếu thế được tạo cơ hội, họ cũng có thể làm nên điều kỳ diệu.

Đến vòng 2, 10x phải vượt qua 2 phần thi là Toán logic và Văn, sau đó còn có bài kiểm tra kỹ năng qua phỏng vấn nhóm. Sau đó, em đã lọt tới vòng phỏng vấn quá nhân. Tháng 3/2019, Hoàng được đại diện trường Fulbright thông báo đã vượt qua vòng hồ sơ, yêu cầu vào TP.HCM để phỏng vấn dưới sự quan sát trực tiếp của các giảng viên. 

Hoàng kể lại, em không thể quên được ngày 15/4 định mệnh. Khi ấy, cả nhà em cùng thức khuya, hồi hộp chờ thông tin từ trường. Đúng 3h sáng, ĐH Fulbright gửi email xác nhận cậu học trò khiếm thị đã trúng tuyển và sẽ nhập học vào mùa thu năm 2020. Chưa hết, Hoàng còn nhận học bổng toàn phần trị giá 2,2 tỷ đồng suốt 4 năm học, được hỗ trợ 100% học phí và sinh hoạt phí. Bức thư của Fulbright gửi tới Hoàng có ghi: "Giữa hàng trăm học sinh nộp đơn, em đã chứng tỏ mình thật sự khao khát học hỏi, có tinh thần tiên phong, thiện tâm hướng tới cộng đồng. Em trung thực, luôn giữ vững các giá trị đạo đức, đó là những gì chúng tôi cần...".  

me-dan-choi-nuoi-con-trai-khiem-thi-thanh-tai-dat-hoc-bong-2-2-ty
Em hy vọng 4 năm học ở trường Fulbright sẽ phát huy sẽ được học kiến thức, những kỹ cần thiết để trở thành một người có ích cho xã hội

Nhận được tin, Hoàng cùng mẹ bật khóc trong hạnh phúc. 10x tâm sự: "Lúc đầu mới làm hồ sơ em rất lo lắng, khi bước vào các vòng thi đầu em tự tin đưa ra những ý tưởng để làm bài luận khá tốt, vòng thi sau em nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của thầy cô, bạn bè nên đã vượt qua được các vòng thi".

Giờ đây, ước mơ của cậu học trò khiếm thị quê Hà Tĩnh là trở thành nhà tâm lý học. Em hi vọng có thể góp sức để giúp đỡ những trẻ em nghèo, khuyết tật và trẻ em mồ côi. Trần Việt Hoàng tâm sự: "Em hy vọng 4 năm học ở trường Fulbright sẽ phát huy sẽ được học kiến thức, những kỹ cần thiết để trở thành một người có ích cho xã hội".

Xem thêm: Người đàn ông "không chân" Nguyễn Việt Hoài: "Khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không phải bất hạnh"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận