Khổ thân làm việc nghĩa, mình còn vững sao phải chịu suy đồi
Dù cho thế gian thiên hạ suy đồi, nhũng nhiễu, nếu bản thân mình còn vững, tâm vẫn thanh tịnh, vẫn khổ thân làm việc nghĩa, cớ sao phải chịu suy đồi giống họ?
Trong Cổ học tinh hoa (Nguyễn Văn Ngọc & Trần Lê Nhân, 1926) có câu truyện tên "Khổ thân làm việc nghĩa", kể rằng:
Mặc Tử người nước Lỗ sang nước Tề, có tiện qua nhà người bạn cũ và ghé vào chơi. Nói chuyện một hồi, người này nói với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa", một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?"
Thấy vậy, Mặc Tử liền đáp lại: "Bây giờ có người ở đây, nhà đẻ mười đứa, nhưng một đứa cày còn chín đứa ngồi ăn không, thì chẳng phải đứa cày càng nên chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Giờ thiên hạ chẳng ai làm việc nghĩa, chính ra ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, cớ sao lại ngăn tôi như thế?".
Quả thực, dù cho nhân tâm thế đạo có suy đồi nhũng nhiễu, miễn là mình còn vững được, tâm còn thanh tịnh, sức còn khỏe mạnh, cớ sao phải chịu suy đồi cùng kẻ khác? Việc nghĩa tức là những việc phải, việc hay mà con người nên làm, mà đã là việc phải thì sao phải dừng lại? Nếu như ai cũng buông xuôi như thế cả, lấy đâu là kẻ làm gương, lấy đâu là người cảnh tỉnh những kẻ u mê mê muội mà duy trì, phát triển nhân tâm thế đạo nữa?
Những người thức thời, có ý chí, có lý tưởng, dù cho cuộc đời thăng trầm bão tố, dù cho biến loạn hỗn mang đến đâu, vẫn không đắm đuối, mê muội cái bất nghĩa, ấy là người tốt. Tựa như cây bách, cây tòng mặc kệ mùa đông sương tuyết, lạnh giá vẫn xanh mơn mởn, tựa con gà trống dù sáng tờ mờ vẫn cứ dậy mà gáy.
Lại phàm những vị ấy chẳng hề nao núng mà thôi, còn quyết đem hết tinh lực tâm trí của mình, muốn giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, dẫn đường những kẻ mê mù tăm tối. Như Mặc Tử vậy, thấy đời là suy biến, tức là vô thường, coi cái việc làm chuyện "nghĩa" là việc phải làm, còn việc cổ động việc nghĩa cũng là chức vụ mình nên làm, thực là người có công với nhân loại vậy.
Ta đi trên đường thấy rác bẩn, cúi xuống nhặt vì muốn môi trường sạch đẹp, hà cớ phải lo kẻ cười chê ta cúi người? Ta đi học thấy kẻ quay cóp sao chép thì tố cáo, ngăn cản, ấy là vì không muốn họ cả đời qua cóp, dùng tiểu xảo mà qua mặt người khác. Miễn thấy việc nghĩa nên làm thì ta làm, đừng vì chùn chân, rụt rè sợ làm mích lòng kẻ lạ mà không làm nữa.
Sống trên đời, mỗi người hãy học cách kiên định, nếu biết việc mình đang làm là điều hay, là lẽ phải, là đi đúng với đạo đức của mình và cuộc đời, thì có gì mà không thể làm? Sao phải lo mình khổ thân, nhọc nhằn vất vả, trong khi cách đích đến mới là thứ quả ngọt, giúp ích được cho ta, cho người, cho đời quả thực là điều có ích, đáng trân quý trên cuộc đời này.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận