Học đòi mua bán bất động sản, dân đầu tư F0 ngắc ngoải khi sốt đất qua đi

Không ít nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường bất động sản vì nghe ngóng những câu chuyện làm giàu nhanh chóng, nhưng thực tế quả thực khắc nghiệt.

Chi Nguyễn
15:15 28/07/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mắc kẹt hậu sốt đất

Nếu là thị trường bất động sản cách đây 1-2 năm, thì quả thực có không ít người giàu lên nhờ lướt sóng. Khi đó, khắp nơi xuất hiện "sốt đất", người người người nhà nhà đổ xô đi buôn.

Tuy nhiên, hiện giờ thị trường bắt đầu hạ nhiệt, thanh khoản thấp. Nếu là những nhà đầu tư lâu năm thì không đáng lo, vì hầu hết đã nhìn ra dấu hiệu từ trước và thoát hàng. Hiện giờ, chủ yếu là những nhà đầu tư F0 kẹt lại, hoặc đu đỉnh nên không dám bán.

Anh Nguyễn Sáng, nhà đầu tư tay ngang ở Hà Nội cho hay, hồi cuối năm 2021, nghe tin sốt đất nên anh tìm hiểu để mua. Lúc đó, có thông tin quy hoạch đô thị ven sông Hồng, thị trường bất động sản Đông Anh "nóng" trở lại. 

hoc-doi-mua-ban-bat-dong-san-f0-ngac-ngoai-khi-sot-dat-qua-di
Sang năm nay, vì cần tiền nên anh muốn rao bán lô đất đang giữ. Ngờ đâu, thị trường hạ nhiệt, suốt 4 tháng qua chẳng ai ngó tới

Anh tâm sự: "Từ đầu năm 2021, thấy bạn bè tôi kéo nhau về Đông Anh mua đất, nghe nói thời điểm đó thị trường không có hàng để bán, cứ có lô nào là hết ngay lô đấy. Đến cuối năm, thông tin quy hoạch tiếp tục quay trở lại, thấy vậy chỉ trong vài ngày tôi đã chốt mua lô đất rộng 90m2, với giá 45 triệu đồng/m2, tổng hơn 4 tỷ đồng, trong đó, khoảng 2 tỷ đồng là tôi đi vay".

Sang năm nay, vì cần tiền nên anh muốn rao bán lô đất đang giữ. Ngờ đâu, thị trường hạ nhiệt, suốt 4 tháng qua chẳng ai ngó tới. Anh than thở: "Trước khi rao bán tôi có tham khảo người môi giới bán mảnh đất này, họ định giá mảnh đất của tôi phải được gần 50 triệu đồng/m2, còn nói thêm nên giữ lại vì sẽ tăng giá tiếp. Nhưng dù rao bán bằng giá mua nhưng mãi không thấy ai mua mà tôi đang cần tiền nếu bán thì phải chấp nhận cắt lỗ vì ai cũng chê giá cao. Còn giữ lại, tôi lo khi thị trường vẫn trầm lắng thế này giá có thể tiếp tục đi xuống, thậm chí chôn vốn.

Anh Trường (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang kẹt lô đất 87m2 ở Thanh Oai, giá 2,2 tỷ. Anh kể: "Trước đó bạn bè tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ đất tại khu vực này. Trong nhà đang có sẵn gần 1 tỷ đồng nên tôi quyết định xuống tiền. Nghĩ sẽ lướt sóng kiếm lời thành công nên chỗ còn thiếu tôi đi vay. Nhưng đến nay, lãi chưa thấy, mỗi tháng xoay xở trả đến hơn 40 triệu đồng cả gốc và lãi".

Cắt lỗ vẫn ế chỏng chơ

Vì cần tiền, nhiều nhà đầu tư F0 bị kẹt hàng đành bấm bụng bán cắt lỗ. Thế nhưng, ngay cả khi giá đã hạ gần về lúc mua, thanh khoản vẫn gần như không có. Anh Nguyễn Văn Hải, một nhà đầu tư lâu năm cho hay, trước đó quả thực thị trường bất động sản có nhiều cơn sốt, ai xuống tiền cũng thắng. Ngay cả khi sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiêt, nhiều người vẫn liều lĩnh tham gia.

Anh nhận định: "Nhiều nhà đầu tư non kinh nghiệm tham gia thị trường lúc đang sốt nóng, họ chỉ chứng kiến được câu chuyện lướt sóng kiếm lời. Đến khi thị trường bất động sản chững lại, họ là những người bán đầu tiên. Nhưng không phải ai rao bán cũng được, bởi, khi thị trường trầm lắng đa phần những người có tiền trong tay đều đứng ngoài quan sát, dù cắt lỗ họ cũng không mua".

hoc-doi-mua-ban-bat-dong-san-f0-ngac-ngoai-khi-sot-dat-qua-di
Những nhà đầu tư chuyên nghiệp thường chỉ đầu tư ngắn hạn ở đầu sóng, còn đa phần là đầu tư lâu dài

Những nhà đầu tư chuyên nghiệp thường chỉ đầu tư ngắn hạn ở đầu sóng, còn đa phần là đầu tư lâu dài. Giờ thị trường chững lại, họ sẽ trở lại mua nữa, vì chắc chắn sẽ có người bán cắt lỗ. Anh Hải giải thích: "Nếu trong lúc sốt đất để mua mảnh đất có vị trí đẹp, giao thông thuận tiện, giá tốt thì chắc chắn rất khó vì không ai muốn bán. 

Nhưng đến khi thị trường chững lại, nhiều người mua đất mà dùng đòn bẩy tài chính lại muốn thoát hàng để giảm gánh nặng. Lúc này là cơ hội dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, có tiền thật. Đặc biệt, khi mua đất trong giai đoạn như hiện nay xác định sẽ để lâu dài. Đối với những mảnh đất có vị trí không thuận lợi sẽ khó bán vì nhóm này sẽ không mua".

Theo chuyên gia Trần Khánh Quang, hiện tượng bán cắt lỗ, thoát hàng chỉ diễn ra âm thầm, cục bộ chứ chưa thành làn sóng. Ông phân tích: "Trong lúc này, nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ để cơ cấu lại tài sản. Nếu người bán giảm đến 10-15% so với thị trường thì nên mua ngay. Cơ hội lúc này dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư dài hạn".

Theo Thanh Phong/Nhịp sống kinh tế

Xem thêm: Chưa kịp thoát ế hậu sốt đất, môi giới bất động sản lại thấp thỏm vì sắp "tháng cô hồn"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận