Đu đỉnh mua đất, nhiều nhà đầu tư tay ngang "sống dở chết dở" khi thị trường hạ nhiệt
Không ít nhà đầu tư tay ngang từng chạy theo tâm lý đám đông, đu đỉnh mua đất đang phải chịu cảnh "sống dở chết dở" khi thị trường hạ nhiệt.
Hiện tại, thị trường bất động sản vẫn đang âm ỉ sốt đất, giá nhà đất ở nhiều địa phương tăng chóng mặt. Trong đó, hầu hết là sự tham gia của các nhà đầu tư tay ngang hi vọng lướt sóng kiếm lời nhanh, nhưng thực tế thì không hề như mơ.
Số liệu của Batdongsan.com.vn chỉ ra, trong quý I/2022, thị trường liên tục ghi nhận giá đất nền thổ cư tăng mạnh tại nhiều địa phương kèm theo nhu cầu giao dịch gia tăng. Điển hình là tại thị trường miền Bắc, giá đất liền thổ của các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai của Hà Nội, ghi nhận tăng 20-26%. Trong khi ở Bắc Giang, giá đất thổ cư tăng 35%, Bắc Ninh, Quảng Ninh lần lượt ghi nhận giá đất tăng từ 16-20%, còn Hải Phòng tăng 29%.
Không chỉ ở miền Bắc, các khu vực khác trên cả nước cũng ghi nhận sốt đất, bất động sản liên tục đội giá. Đáng chú ý, dù giá đất tăng vọt, số lượng tìm kiếm và giao dịch vẫn không hề sụt giảm. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có động thái "siết" hoạt động cho vay để kinh doanh bất động sản, thuế áp giá cao theo thị trường. Không chỉ vậy, nhiều địa phương cũng ra văn bản chỉ đạo, tạm dừng cấp quyền sử dụng đất để chặn phân lô, bán nền cũng như thanh tra, kiểm tra thị trường.
Loạt động thái này khiến thị trường bất động sản hạ nhiệt, dần ổn định trở lại. Thế nhưng, khi sốt đất qua đi, những nhà đầu tư tay ngang đang chật vật với tình trạng "sống dở chết dở". Không ít người thừa nhận họ phải bán tháo, thoát hàng nhanh giữa vòng xoáy giảm nhiệt của thị trường nhà, đất.
Theo chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, khi sốt đất xảy ra thì thực tế chỉ có khoảng 20% là nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn. Còn lại 80% là các nhà đầu cơ với mong muốn thu lời nhanh chóng, hoặc lướt sóng trong các đợt sốt đất. Theo ông, xu hướng lướt sóng hay bắt đáy chỉ hiệu quả với dân chuyên có tiềm lực kinh tế, tầm nhìn và chiến lược.
Với những nhà đầu tư F0 mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường, thua lỗ là điều khó tránh khi sốt đất qua đi. Nguyên do là vì họ đầu tư chạy theo tâm lý đám đông, nắm thông tin chậm, ít kiến thức và non kinh nghiệm thị trường. Chuyên gia Trang Bùi cho hay, việc đầu cơ hay đầu tư kiếm lợi nhuận nhanh chóng có thể đã mang lại lợi nhuận cao thực sự cho một số nhà đầu tư F0, nhưng đó chỉ là thiểu số.
Trong trường hợp này, các F0 cần phải tỉnh táo khi mua đất, mua nhà, nhất là với phân khúc đất vùng ven. Có không ít lô đất rao bán với giá 600 - 800 triệu đồng vô cùng hấp dẫn, nhưng thực tế đó là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm rất khó chuyển đổi và làm sổ đỏ. Chưa kể, trước kia mua đất, người mua cần so sánh, nghiên cứu và phân tích mặt bằng giá qua từng thời kì để nhận biết sốt đất thật - ảo.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho hay, hiện có các đầu nậu, cò đất, hay các doanh nghiệp bất lương lợi dụng thông tin từ các cuộc họp về quy hoạch đất đai để trục lợi, loan tin "vịt" để tạo sốt đất ảo. Ông nhấn mạnh: "HoREA đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn liều, nhắm mắt mua đất giá cao rồi không bán được. Trước đây, đã có nhiều doanh nghiệp làm “đầu nậu”, thổi giá đất bị xử lý, người mua chịu thiệt hại. Vì thế, những người có ý định mua đất lúc này phải tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ, đừng để tiền mất tật mang".
Theo Lập Đông/Tiền Phong
Xem thêm: Sinh viên ra trường đi làm môi giới, sau 2-3 năm có thu nhập 3 tỷ đồng/tháng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận