Đến hẹn lại lên: Nghề gõ sầu riêng thu tiền triệu mỗi ngày, nghe thì dễ nhưng phải "dân chuyên" mới làm được
Tại Đắk Nông, khi mùa vụ sầu riêng bắt đầu, những người làm nghề gõ sầu riêng đang tất ật làm việc, kiếm bộn tiền mỗi ngày.
Thợ gõ sầu nghe tiếng vỗ đoán tuổi quả
Làm nghề được hơn 10 năm nên chỉ cần một cây dao nhỏ, gõ vào quả sầu riêng là anh Trần Văn Trường (trú tại tỉnh Bình phước) có thể phân biệt được đâu là quả đã đến tuổi thu hoạch, quả nào còn non, chất lượng không tốt.
Theo anh Trường, thông thường với sầu riêng, chỉ cần ngửi mùi, nhận biết qua gai và màu vỏ là biết quả đã chín. Tuy nhiên, thợ gõ sầu thì có thêm kỹ năng phân biệt quả non, già khi trái còn đang ở trên cây.
Trước khi trở thành thợ gõ chuyên nghiệp, có mức thu nhập 1,5 triệu đồng/ngày, anh Trường phải trải qua quá trình học hỏi kinh nghiệm.
Học từ nhiều người đi trước, rong ruổi khắp các địa phương trồng sầu riêng và thậm chí phải "trả giá đắt" cho những lần... gõ nhầm, sau vài năm, anh Trường mới tự tin hành nghề.
"Làm nghề này quan trọng nhất là tai thính, kinh nghiệm để đánh giá được độ tuổi của quả qua âm thanh. Các đầu mối thu mua sầu riêng thường mua gom cả vườn, cả cây. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải kiểm tra xem quả nào đến thời điểm thu hoạch để cắt, hái", anh Trường chia sẻ về công việc của mình.
Dụng cụ hành nghề gõ sầu rất đơn giản, chỉ là một con dao cán cứng, có lưỡi dao đủ sắc để cắt quả. Người thợ trèo lên cây sầu riêng, lần lượt kiểm tra từng quả bằng cách dùng cán dao gõ vào phần vỏ cứng. Mỗi quả sẽ cho một âm thanh khác nhau, giúp người thợ đánh giá được độ tuổi và chất lượng quả.
"Khi sầu riêng chín, vỏ trái thường teo lại và phần cơm tách hẳn phần vỏ nên gõ sẽ nghe tiếng bộp bộp, quả cầm trên tay cũng nhẹ hơn. Trái nào khi gõ nghe tiếng boong boong nghĩa là chưa chín. Quả đủ tuổi, khi hái xuống để tự nhiên vẫn chín, hàng chưa đủ già phải dùng thuốc chuyên dụng để ủ", thợ gõ sầu riêng chia sẻ kinh nghiệm.
"Những người làm nghề này chỉ gõ để quyết định việc thu hoạch, còn hái nhầm quả non sẽ mất uy tín với thương lái, thậm chí khiến thương lái lỗ nặng. Vì vậy, tiền công cao cũng đòi hỏi ràng buộc trách nhiệm. Không phải cứ đi làm là đã thành thạo nghề, mỗi người thợ vẫn phải cố gắng học hỏi kinh nghiệm để gõ, hái chuẩn những quả già, đủ độ tuổi, bảo đảm chất lượng hàng", anh Trường nói.
Tai thính, mắt tinh và sức khỏe tốt
Vào nghề gõ, hái sầu riêng hơn 5 năm, anh Trần Văn Duy (trú tại Gia Lai) cho rằng, công việc này, tiền công cao hơn các nghề khác nhưng cũng rất gian nan, nhiều khi công việc kết thúc cũng là lúc đồng hồ điểm 3h sáng.
Cũng theo thợ gõ sầu 40 tuổi, nghề này lương cao nhưng đổi lại phải có sức khỏe để leo cây. Cùng với sức khỏe, để bám trụ với nghề, người thợ phải thực chịu khó và tinh ý thì mới có thể thành thạo và gắn bó lâu dài.
Anh Duy cho biết: "Mỗi cây sầu riêng có độ cao khác nhau nhưng thông thường mỗi lần thu hoạch là phải trèo lên cây. Mùa thu hoạch sầu riêng rơi vào thời điểm mùa mưa nên thợ gõ sầu cũng rất thận trọng khi leo trèo, phải đặt yếu tố an toàn lên trên hết".
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có hơn 50 vựa thu mua sầu riêng lớn, nhỏ. Mỗi vựa đều thuê 1-2 thợ chuyên nghiệp để gõ sầu.
Giá nhân công gõ sầu riêng khoảng 500 đồng/kg (đối với những vựa thu mua nhiều) và khoảng 1.000 đồng/kg (đối với vựa thu mua ít). Sau khi cắt sầu riêng, thợ gõ sầu sẽ gom trái, cân khối lượng và tính tiền với các chủ vựa.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng, chủ vựa sầu riêng ở phường Nghĩa Đức (thành phố Gia Nghĩa) hiện thuê 7 người đi gõ, hái sầu riêng tại các vườn và lựa trái tại vựa. "Công thợ thông thường được trả theo khối lượng quả. Tuy nhiên với những thợ có uy tín, thợ lành nghề, đặc biệt là thợ từ các tỉnh miền Tây lên, công được trả theo ngày. Trung bình mỗi người thợ gõ sầu có thể kiếm được 1,7-2 triệu đồng/ngày nhờ nghề này", chị Hạnh nói.
Theo Dân trí
Xem thêm: Lão nông xứ Nghệ mày mò nuôi ốc bươu đen thoát nghèo, nay kiếm bộn cả trăm triệu/năm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận