Danh sư xuất cao đồ, thầy giỏi chắc chắn có trò hay

Người xưa có câu "danh sư xuất cao đồ", ý nói thầy giỏi ắt có học trò giỏi giang, hơn người.

Chi Nguyễn
08:24 25/02/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Người xưa có câu "danh sư xuất cao đồ", ý chỉ một người thầy giỏi, tiếng thơm thì ắt có học trò giỏi giang, hơn người theo học. Học trò nếu thấy mình còn khuyết điểm, thiếu sót thì lên đường tìm bậc danh sư, còn người thầy dù tài giỏi cũng biết nhìn nhận lại người kém hơn để tự hoàn thiện bản thân mình.

danh-su-xuat-cao-do-thay-gioi-chac-chan-co-tro-hay
Khổng Tử (孔子) là một triết gia lỗi lạc của Trung Quốc, là người khai sáng Nho giáo, cũng là nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn tới văn hóa Á Đông.

Khổng Tử (孔子) là một triết gia lỗi lạc của Trung Quốc, là người khai sáng Nho giáo, cũng là nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn tới văn hóa Á Đông. Ông là người thông minh, ôn hòa, dù rất tài năng hơn người nhưng làm gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, khiêm tốn, chân thành. Nếu chưa hiểu rõ câu nói "danh sư xuất cao đồ" trên, có lẽ câu chuyện sau của Khổng Tử sẽ góp phần làm điều đó:

Có một lần, Tử Hạ - một học trò giỏi của Khổng Tử có hỏi thầy rằng: "Thưa thầy, Nhan Hồi là người thế nào?". Khổng Tử liền đáp lại: "Nhan Hồi còn nhân nghĩa hơn cả ta".

Lại nói Tử Hạ thưa rằng: "Còn Tử Cống là người thế nào?", Khổng Tử trả lời: "Tử Cống tài hùng biện còn hơn cả ta".

Tử Hạ lại hỏi: "Còn Tử Lộ thì là người thế nào?", liền nhận được lời đáp rằng: "Tử Lộ dũng cảm hơn ta".

Tử Hạ liền hỏi tiếp: "Vậy thưa Tử Trương là người thế nào?". Khổng Tử trả lời: "Tử Trương trang trọng hơn ta".

danh-su-xuat-cao-do-thay-gioi-chac-chan-co-tro-hay
"Nhân bất thập toàn", không ai là hoàn hảo, hoặc chỉ có mỗi ưu điểm mà không có khuyết điểm và ngược lại.

Nghe thầy nói vậy, Tử Hạ cảm thấy vô cùng rối bời, liền hỏi vì sao tất cả đều hơn thầy vậy mà ai nấy đều nguyện ý bái sư? Bấy giờ, Khổng Tử mới từ tốn đáp rằng: "Nhan Hồi nhân nghĩa nhưng không hiểu biến thông. Tử Cống hùng biện tài nhưng không đủ khiêm tốn. Tử Lộ dũng cảm nhưng không hiểu nhẫn nhường. Tử Trương trang trọng nhưng không hòa hợp được với mọi người. Bốn người ai nấy đều có sở trường sở đoản, họ đều nguyện ý bái ta làm thầy bởi vì sở trường của ta chính là những điều họ còn thiếu".

Khổng Tử từ quan sát tỉ mỉ các học trò mà nhìn rõ ưu điểm, khuyết điểm của họ, nhận ra rằng "nhân bất thập toàn", không ai là hoàn hảo, hoặc chỉ có mỗi ưu điểm mà không có khuyết điểm và ngược lại. Bậc danh sư không hẳn là người mọi mặt đều xuất chúng, mà là người có khả năng đánh giá chính xác và từ đó giúp đỡ mọi người hoàn thiện bản thân.

danh-su-xuat-cao-do-thay-gioi-chac-chan-co-tro-hay
Làm người nếu nhận thấy mình còn khiếm khuyết, còn thua kém tức là đang phát triển, thấy mình thấp thực ra là đang cao, thấy mình "ngu" tức là đang sáng tỏ.

Bậc danh sư cũng nên biết khiêm tốn, dù tài cao cũng đừng nên khinh thường người khác, biết thừa nhận điểm mạnh của học trò, công nhận những điểm mà học trò hơn mình. Vì khiêm tốn mà danh sư càng được học trò tôn trọng, người đời yêu mến.

Còn học trò phải biết tiếp nhận cái tốt, cái sở trường của thầy cô, của bạn bè để bồi dưỡng, bù đắp những thiếu sót, bất cập của mình. Bốn học trò của Khổng Tử ai nấy đều có sở trường riêng vượt trên cả Khổng Tử, nhưng họ tự nhận ra chỉ một chút ưu điểm đó chẳng thấm vào đâu. Vì thế họ chẳng ngần ngại mà bái sư học đạo, sẵn sàng trau dồi nhiều mặt, tu tâm dưỡng tính, chuyên tâm ôn luyện để hoàn thiện bản thân, chẳng vì chút tài năng mà phô trương, phóng đại.

Làm người nếu nhận thấy mình còn khiếm khuyết, còn thua kém tức là đang phát triển, thấy mình thấp thực ra là đang cao, thấy mình "ngu" tức là đang sáng tỏ. Danh sư cũng không mãi giậm chân tại chỗ, mà thấy trò có điểm hay cũng tự lấy đó làm tấm gương soi chiếu bản thân, biết học hỏi, trau dồi để hoàn thiện bản thân, không vì ở vị thế cao hơn mà coi khinh, huênh hoang hơn người. Người hiền năng thì luôn biết cách học hỏi, tìm tòi, phát triển sao cho mình trở thành bản thể hoàn thiện nhất.

Danh sư xuất cao đồ, thầy hay thì ắt có trò giỏi, cả thầy và trò đều biết khiêm tốn học hỏi, không ngừng hoàn thiện mình ấy là điều tốt lành. 

Khổ thân làm việc nghĩa, mình còn vững sao phải chịu suy đồi

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận