Cô giáo mầm non tay khuyết vượt khó, mở lớp dạy học miễn phí ở quê nhà Nghệ An

Dù mất đi bàn tay phải sau tai nạn, Lê Thị Sen vẫn nỗ lực vượt khó tập viết, rồi thi vào Sư phạm để theo đuổi ước mơ làm cô giáo mầm non.

Chi Nguyễn
08:00 16/09/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bà con ở xóm Đồng Cạn, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An không ai là không biết tới cô giáo mầm non Lê Thị Sen (SN 1994) vừa đẹp người, vừa đẹp nết. Cô sinh ra với cơ thể khỏe mạnh, nhưng một tai nạn bất ngờ đã khiến cô bị thương nặng, gắn liền với một bàn tay khuyết.

Sen cho biết, cô sinh ra trong gia đình có 4 chị em là dân tộc Thái, mẹ một tay gồng gánh nuôi cả nhà vì bố ốm nặng. Thương mẹ, hết năm lớp 9, cô xin mẹ đi làm thêm. Sen theo bạn bè ra Hà Nội, xin làm việc tại một công ty tư nhân chuyên sản xuất đồ nhựa tái chế.

Cô giáo mầm non nhớ lại: "Trong lòng tôi khi ấy đang nghĩ đến viễn cảnh sắp được về quê, khoe thành quả với mẹ: Năm học tới, mẹ sẽ không phải lo tiền mua sách vở cho con. Con sẽ tự sắm cho mình xe đạp mới - chiếc xe màu bạc mà con hằng mơ ước, để chở em đến trường...". Nào ngờ, ngay trong ngày cuối đi làm, cô gặp một tai nạn nghiệt ngã. Bàn tay phải của Sen bị kẹt trong máy, nghiền nát hết 4 ngón.

co-giao-mam-non-tay-khuyet-mo-lop-day-hoc-mien-phi-o-nghe-an
Để có thể theo đuổi nghề giáo, Sen tập viết và luyện chữ đẹp bằng tay trái

Dù được đưa đến bệnh viện điều trị, nhưng bàn tay ấy không còn lành lặn nữa. Sen tâm sự: "Nhìn từng ngón tay hoại tử bị cắt bỏ, lòng tôi đau như cắt. Tôi sợ mình sẽ không thể đến trường, không thể cầm bút như các bạn. Nghĩ đến nỗi vất vả của bố mẹ, tôi không cho phép mình gục ngã. Thế là tôi bắt đầu chuỗi ngày luyện viết bằng tay trái ngay trong những ngày còn đang nằm viện, để tiếp tục con đường học vấn đang dang dở".

9x dân tộc Thái nỗ lực học hành, nwhng phải đối mặt với những lời xì xào, bàn tán không hay về bàn tay khuyết. Cô từng tự ti với bản thân, đeo găng tay suốt 4 năm liền để che đi khuyết điểm. Sen nhớ lại, bản thân đã buồn rầu, việc học còn sa sút, đường đến trường hơn 10km khiến cô chỉ muốn thời gian qua mau.

Ngày tốt nghiệp trung học phổ thông cũng đã đến, gia cảnh ngày càng nghèo đi. Biết rằng ước mơ học đại học vô cùng xa xỉ, Sen lại lên đường ra Bắc tìm việc. Cô làm đủ thứ nghề để kiếm tiền, từ bán hàng, trông em bé đến bưng bê quán ăn...

co-giao-mam-non-tay-khuyet-mo-lop-day-hoc-mien-phi-o-nghe-an
Cô Sen cùng học sinh tại trường mầm non ở Nghệ An

Lê Thị Sen nhớ lại: "Trong một lần bán hàng ở chùa Hương Tích, có người đã nói sau lưng tôi rằng: 'Một tay thì làm được gì cho đời'... Câu nói đầy định kiến ấy đã khiến tôi ám ảnh đến tận bây giờ, nhưng cũng chính điều đó đã thôi thúc tôi nhận ra, mình muốn làm nghề gì. Tôi chợt nghĩ, mình phải bỏ qua những lời lẽ không hay ấy để tự tạo nên tương lai cho bản thân và góp phần mang đến những điều tích cực cho đời.

Ở chùa Hương Tích, hình ảnh những em bé theo mẹ bán hàng rong, hay phải đi xin từng bữa cơm qua ngày cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí... Tôi tự nhủ, mình còn may mắn hơn nhiều người. Nhìn những đứa trẻ mà đáng ra chúng phải được ngồi trên ghế nhà trường, tôi thương lắm. Tôi biết mình muốn làm một giáo viên mầm non để yêu thương, chăm sóc các bạn nhỏ".

Có động lực, 9x Nghệ An lao vào học ngày học đêm. Cuối cùng, cô cũng thi đỗ trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, bước đầu hiện thực hóa ước mơ. Sen nói: "Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, tôi như vỡ òa. Tôi mừng vì mình có thể theo đuổi ước mơ... Những năm tháng ấy đã rèn cho tôi tính tự lập, tuy vất vả. Tôi làm thêm để tự trang trải cuộc sống".

co-giao-mam-non-tay-khuyet-mo-lop-day-hoc-mien-phi-o-nghe-an
Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Sen còn được học sinh yêu quý vì luôn hết lòng giúp đỡ các em

Cũng từ đó, cô có thêm sở đam mê mới, đó là luyện viết chữ đẹp. Mê mẩn những nét chữ đều tăm tắp của bạn cùng phòng được đi luyện chữ ở trung tâm, lại không có tiền để đi học ở bên ngoài, cô mượn vở của bạn để nhìn từng nét chữ và viết theo. Sau nhiều ngày tháng nỗ lực, nét bút của cô giáo trẻ ngày càng điêu luyện, bay bướm.

Dù vậy, thử thách vẫn không ngừng bủa vây cô giáo trẻ. Ban đầu, cô gửi hồ sơ tới nhiều trường, cơ sở mầm non mà không được hồi âm. Có trường ở Hà Nội gọi đến phỏng vấn, nhưng vừa gặp, họ đã từ chối, chỉ vì cô có bàn tay khiếm khuyết.

Sen cảm thấy tuyệt vọng, nhưng quyết không bỏ cuộc. Cô nộp hồ sơ vào một trường khác và mạnh dạn chia sẻ về điểm mạnh cũng như thẳng thắn đề cập đến khiếm khuyết của mình. Lần này, cô được nhận, và thế là ước mơ làm giáo viên đã thành hiện thực.

Gắn bó với Hà Nội một thời gian, cô giáo trẻ quyết định quay về quê hương. Ở đây, cô được phân công dạy các bé 5 tuổi luyện viết, làm quen với con chữ. Để trau dồi kinh nghiệm, Sen lại lặn lội đi học lớp luyện chữ, mỗi ngày đi 15km.

co-giao-mam-non-tay-khuyet-mo-lop-day-hoc-mien-phi-o-nghe-an
Để trau dồi kinh nghiệm, Sen lại lặn lội đi học lớp luyện chữ, mỗi ngày đi 15km

Đến khi dịch COVID-19 bùng phát, Sen đành phải tạm nghỉ dạy. Nhìn nhiều em nhỏ đang chuẩn bị vào lớp 1 lại không thể đến trường, 9x không khỏi xót xa.Sen tâm sự: "Dịch bệnh đã khiến các con phải nghỉ ở nhà. Nhất là khi, ở nơi tôi sinh sống, phần nhiều là học sinh dân tộc thiểu số, có trẻ thậm chí còn chưa sõi tiếng phổ thông, chứ đừng nói đến chuyện biết cầm bút viết... thế nên, tôi nảy ra ý định, mở một lớp 'tiền lớp 1', hỗ trợ các con những kỹ năng cơ bản nhất".

NGay sau khi dịch dần được kiểm soát, cô giáo mầm non bắt tay vào mở lớp. Học sinh đa phần là người dân tộc thiểu số, không phải bé nào cũng hứng thú học. Nhất là khi chuyển sang phần tập viết, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, không ít trẻ bắt đầu nản chí, xao nhãng dần rồi đi học “buổi đực buổi cái".

co-giao-mam-non-tay-khuyet-mo-lop-day-hoc-mien-phi-o-nghe-an
Lớp học “tiền lớp 1” tại nhà của cô giáo người Thái

Không bỏ cuộc, Sen tìm gặp thầy cũ để xin lời khuyên và kinh nghiệm. Vỡ ra nhiều thứ, cô giáo trẻ lại quyết tâm mở lại lớp học. Cô vận động học sinh tới lớp trở lại, kết hợp cách dạy vừa học vừa chơi. Cô hiểu rằng, với học sinh lứa tuổi này, nếu mình tập trung dạy liên tục thì sẽ gây áp lực khiến các con cảm thấy nhàm chán.

Sen tâm sự: "Người ta vẫn thường ví nghề giáo viên mầm non của tôi giống như 'làm dâu trăm họ', khó khăn rất nhiều. Đặc biệt, khi đôi tay của tôi còn mang khiếm khuyết, cũng có những phụ huynh, hay thậm chí cả đồng nghiệp cũng e ngại, không muốn trao cho tôi đứng lớp.

Thế nhưng, cho dù được chọn lại, tôi vẫn lựa chọn nghề này. Được chăm sóc cho các con, tôi như thấy mình được trẻ lại, vậy nên, tôi vẫn đang ngày ngày dùng nỗ lực của mình để chứng minh, bản thân dù có bàn tay phải không toàn vẹn, tôi vẫn có thể viết và uốn nắn từng nét chữ cho các mầm xanh".

Theo Ngân Chi/Giáo dục Việt Nam

Xem thêm: Tình người ấm áp trong lớp học xóa mù chữ nơi biến giới Quảng Ninh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận