Thương mẹ khiếm thị, con trai nấu cơm từ thiện rồi đi khắp TP.HCM tặng người khuyết tật mùa dịch

Thương mẹ khiếm thị và cả những người khuyết tật giống mẹ, anh Chu Văn Huân đã nấu cơm từ thiện, đi khắp TP.HCM tặng bà con giữa mùa dịch.

Chi Nguyễn
13:26 22/07/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Do tình hình dịch phức tạp, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Không ít người đã lâm vào tình cảnh khó khăn, tiền bạc dần cạn kiệt, lo bữa no bữa đói, nhất là những người khuyết tật.

Thương mẹ, lại càng thấu hiểu nỗi khó khăn của những người khuyết tật giống mẹ mình, anh Chu Văn Huân (32 tuổi, trú quận Gò Vấp) đã cùng gia đình dì ruột bắt tay vào một việc vô cùng tử tế.

Bếp cơm gia đình đỏ lửa góp tình thương

chang-trai-nau-com-tu-thien-di-khap-tp-hcm-tang-cho-nguoi-khuyet-tat
Hơn 10 ngày nay, cứ 4h sáng là tiếng nói cười lại rộn rã vang lên ở căn bếp nhà cô Trần Thị Mai Hân, dì ruột của anh Huân

Hơn 10 ngày nay, cứ 4h sáng là tiếng nói cười lại rộn rã vang lên ở căn bếp nhà cô Trần Thị Mai Hân, dì ruột của anh Huân. Họ dậy sớm cùng nhau chuẩn bị, tất bật nấu nướng hàng trăm suất ăn từ thiện rồi chia nhau đi khắp các quận, huyện để tặng người khuyết tật và người lao động nghèo.

Anh Huân tâm sự: "Ban đầu anh chỉ nghĩ cố gắng nghe theo chỉ thị, hạn chế ra đường, ở nhà phụ chăm sóc mẹ. Khi nhìn lại, thấy mẹ mình dù có gia đình hỗ trợ nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, còn các cô chú, anh chị ngoài kia, họ có một mình, chẳng biết sẽ xoay xở ra sao nên gia đình anh muốn nấu cơm để giúp mọi người".

Cô Trần Thị Lệ (53 tuổi) nghe con trai nói, rưng rưng nước mắt khi nghĩ tới những người khuyết tật đang chật vật ngày giãn cách. Bị khiếm thị từ nhỏ, lại không được đi học, không biết chữ, cô Lệ cảm nhận rất rõ sự khó khăn mà những người khuyết tật như cô đang phải đối mặt mỗi ngày.

chang-trai-nau-com-tu-thien-di-khap-tp-hcm-tang-cho-nguoi-khuyet-tat
Thấy mẹ mình được hỗ trợ còn gặp khó khăn, các những người khuyết tật ngoài kia chỉ có một mình, gia đình anh Huân muốn nấu cơm để giúp mọi người

Cô Lê nghẹn ngào kể: "Trước cô làm massage người mù, cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn sống được vì còn có gia đình, có con trai. Nhưng cô biết ở ngoài kia, có nhiều người giống như cô nhưng không con cái, người thân, họ khổ lắm. Bị mù mà, đâu có nấu ăn được đâu, thành phố thì đang giãn cách, hàng quán đóng cửa hết..., cô mới bàn với con trai, gia đình nghĩ cách giúp đỡ mọi người".

Từ đó, anh Huân nảy ra ý tưởng nấu cơm từ thiện tặng miễn phí cho người khuyết tật trong thành phố. Ý tưởng của anh nhanh chóng được gia đình dì ruột ủng hộ, cứ thế họ đã nấu khoảng 300 phần cơm mỗi ngày để gửi tặng bà con. Số lượng cơm từ thiện cứ thế tăng lên theo ngày, có hôm được 400 phần, có ngày được tận 500.

chang-trai-nau-com-tu-thien-di-khap-tp-hcm-tang-cho-nguoi-khuyet-tat
Số lượng cơm từ thiện cứ thế tăng lên theo ngày, có hôm được 400 phần, có ngày được tận 500

Cô Hân, dì ruột anh Huân cho biết, mặc dù phải dậy sớm, tất bật chuẩn bị nấu nướng cả ngày mà không có tiền vào, cô vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Cô nói, bình thường cô bán cháo, bán bánh đúc, nhưng vì dịch bệnh nên phải tạm đóng cửa, mà ngồi không mãi cũng thấy buồn. Cô Hân tâm sự: "Quần quật cả ngày nhưng mà vui, xíu nữa 10h xong thì mọi người đưa đến khu phong tỏa, cho mấy người lang thang, người nghèo và đặc biệt dành cho người khuyết tật".

Trăn trở lo lắng nghĩ tới người nghèo, người khuyết tật

Anh Huân tâm sự, từ ngày anh bắt đầu nấu các suất ăn từ thiện, anh đã gặp không ít hoàn cảnh đáng thương khiến anh trăn trở. Anh kể, có gia đình khiếm thị đang nuôi con nhỏ, nhà hết tiền chẳng còn sữa, đành phải nấu cơm lấy nước làm sữa. Có gia đình 7 người thì ai nấy đều bệnh tật, mù lòa, cả tháng qua đều ăn mì gói cầm chừng thay cơm...

chang-trai-nau-com-tu-thien-di-khap-tp-hcm-tang-cho-nguoi-khuyet-tat
Anh Huân tâm sự, từ ngày anh bắt đầu nấu các suất ăn từ thiện, anh đã gặp không ít hoàn cảnh đáng thương khiến anh trăn trở

Anh áy náy tâm sự: "Lúc trước anh làm dancer cho một số nhóm nhảy nhưng sau khi gặp tai nạn, anh trở về phụ giúp gia đình bán cháo, lâu lâu mới tham gia nhảy. Dù hiện tại cuộc sống của anh không dư dả nhưng anh nghĩ anh vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, nên làm được gì giúp đỡ người khác thì anh cứ làm. Anh nghĩ đơn giản, mình nấu được thêm phần cơm để đem tới cho người ta no bữa, vậy là đã vui lắm rồi".

Vốn dĩ là bếp ăn gia đình, mọi người thấy việc ý nghĩa thì làm nên ban đầu kinh phí đều do gia đình anh Huân chi trả. Sau này, bạn bè và người quen biết chuyện thì lập tức hỗ trợ, có người cho tiền, người cho thêm cá thịt, rau củ nên bếp ăn vẫn duy trì. Anh Huân nói, giờ gia đình anh cứ làm được đến đâu thì hay đến đó, miễn còn kham nổi, họ vẫn sẽ nấu. 

chang-trai-nau-com-tu-thien-di-khap-tp-hcm-tang-cho-nguoi-khuyet-tat
Anh Huân nói, giờ gia đình anh cứ làm được đến đâu thì hay đến đó, miễn còn kham nổi, họ vẫn sẽ nấu

Mỗi ngày, cứ chuẩn bị xong khoảng 300-500 suất ăn, anh Huân cùng anh chị em trong nhà lại đeo khẩu trang, sát khuẩn rồi chia nhau đi khắp phố phường để phát cho dân lao động nghèo, người khuyết tật. Mặc dù việc đi tặng phần thức ăn cho người khuyết tật, khiếm thị gặp khó khăn và tốn thời gian, nhưng họ vẫn nhẫn nại và cố gắng hỗ trợ tốt nhất. Bởi họ biết, dịch bệnh khiến cuộc sống của những người nghèo, vô gia cư,... ngày càng khó khăn, khổ sở.

chang-trai-nau-com-tu-thien-di-khap-tp-hcm-tang-cho-nguoi-khuyet-tat
chang-trai-nau-com-tu-thien-di-khap-tp-hcm-tang-cho-nguoi-khuyet-tat
Chú Quách Văn Phụng (58 tuổi, khiếm thị, khuyết tật 2 tay) cầm phần thức ăn anh Huân mang đến, nghẹn ngào nước mắt

Chú Quách Văn Phụng (58 tuổi, khiếm thị, khuyết tật 2 tay) cầm phần thức ăn anh Huân mang đến, nghẹn ngào không cầm được nước mắt. Chú rưng rưng nói: "Mừng lắm con ơi, trước kia chú đi bán vé số, giờ dịch nghỉ ngồi ở nhà, có kiếm tiền được đâu. Mấy phần ăn này xíu nữa chú đem lại cho mấy người nữa, ai cũng khổ hết trơn. Chỉ trông mong hết dịch để cuộc sống được bình thường trở lại".

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Nhóm tình nguyện “Bánh mì Sài Gòn 0 đồng 1 ổ” và hành trình cùng Sài Gòn vượt dịch

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận