Cây viết tài chính hé lộ 3 bài học đắt giá cô học từ cha mẹ "ki bo": Sống tiết kiệm, đừng hà tiện
Lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, cha me sống tiết kiệm, cây viết tài chính này đã học hỏi nhiều bài học đắt giá giúp cô tích lũy tài sản.
Jackie Lam là cây viết về tài chính cá nhân có tiếng, là ứng cử viên cho chứng chỉ huấn luyện tài chính ACFPE, hiện đang làm việc cho Buzzfeed và Business Insider. Cây viết này đam mê giúp đỡ mọi người làm hợp đồng kinh tế để quản lý tài chính, có kinh nghiệm viết chuyên sâu về lập ngân sách, đầu tư, tiết kiệm,... Hiện tại, cô đang điều hành trang web HeyFreelancer, thích tìm hiểu và chia sẻ những câu chuyện thú vị xoay quanh tiền bạc.
Được biết, những kinh nghiệm đầu đời về quản lý tài chính được Jackie Lam học hỏi từ cha mẹ của mình. Cô tâm sự: "Cha mẹ tôi đều sống rất tiết kiệm. Tôi đã học được từ cha mẹ mình rằng tiết kiệm có mục đích là một trong những điều thông minh nhất về tài chính. Người ta thường nói rằng cha mẹ nào, con nấy và tôi chính là ví dụ điển hình khi nói đến thói quen tiền bạc". Dưới đây là 3 bài học đắt giá mà cô học được từ họ:
Đừng mua thứ gì đó chỉ vì nó đang giảm giá
Jackie Lam cho biết, mẹ cô là người vô cùng thích săn hàng giảm giá. Tuy nhiên, bà đôi khi cũng mua đồ chỉ vì nó giảm giá dù không thực sự cần đến, hay mua vượt quá nhu cầu của gia đình. Một lần nọ, bà đã mua tới hàng chục kg cam vì được giảm giá sâu. Thế nhưng, sau đó họ phải đem đi cho bớt vì gia đình không thể ăn hết chỗ cam đó trước khi chúng hỏng.
Cây bút tài chính này cho biết: "Rút kinh nghiệm từ mẹ, tôi chỉ mua những thứ mình thực sự cần với số lượng vừa phải". Ngoài ra, ta không nên mua sắm tùy hứng mà chỉ mua những gì mình thực sự cần.
Luôn xem lại các hóa đơn
Mẹ tôi là người có tính cẩn thận, bà luôn xem lại hóa đơn để đảm bảo rằng không có khoản nào bị tính nhầm. Thỉnh thoảng, bà phát hiện ra lỗi và được hoàn lại dù đó không phải là số tiền lớn. Jackie đã học được thói quen này từ mẹ và áp dụng vào việc xem kỹ các giao dịch ngân hàng và sao kê thẻ tín dụng để phản ánh kịp thời khi có lỗi.
Sống tiết kiệm khác với hà tiện
Cây viết thừa nhận, cha mẹ cô sống rất tiết kiệm, nhưng họ không hề hà tiện. Họ thường tìm cách tái sử dụng đồ đạc trong nhà, thích sửa hơn là mua mới. Họ hay nấu ăn tại nhà, tiết kiệm tiền và bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, họ cũng rất thoải mái với lối sống này chứ không hề hà tiện, khắc khổ. Với những thứ rất cần thiết, họ không ngần ngại chi tiền mạnh tay.
Gia đình của cô cũng rất ít khi đi ăn nhà hàng hay đi xem phim, khi đi du lịch họ cũng chọn nhà hàng địa phương thay vì nhà hàng đắt đỏ. Jackie tâm sự: "Khi tôi còn nhỏ, cha tôi thường đưa tôi đến những nhà hàng cho trẻ em ăn uống miễn phí. Chúng tôi mua sách truyện ở hiệu sách cũ, nhờ đó cha mẹ tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Kết quả là sau này họ đã tích góp tiền gần đủ để mua một căn nhà mới. Nếu họ không chi tiêu hợp lý, chúng tôi đã không thể chuyển tới một ngôi nhà tốt hơn như hiện tại".
Cây viết tài chính này nhận định, kiếm tiền khó hơn tiêu tiền, do đó ta phải học cách chi tiêu khôn ngoan. Sống tiết kiệm khi mới nghe có vẻ như đang "tước đoạt" đi thú vui tiêu tiền, nhưng nó lại giúp ta hiện thực hóa những mục tiêu tài chính lớn hơn như mua nhà, mua xe.
Dù vậy, tiết kiệm đến mức hà tiện là không nên, bởi nó có thể khiến ta mất đi niềm vui. Tốt hơn hết, hãy tiết kiệm triệt để những thứ không cần thiết, vẫn chi tiền cho những thứ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của mình. Jackie Lam cho hay: "Tôi thường chi khoảng 100 USD/tháng cho cà phê. Đối với tôi, cà phê rất quan trọng vì nó giúp tôi cảm thấy tốt hơn. Tôi cố gắng chi tiền vào những điều có thể khiến tôi vui vẻ và hạn chế chi tiêu vào thứ khác không cần thiết hơn để bù lại. Chỉ khi hạnh phúc, bạn mới có năng lượng để làm mọi việc".
Theo MD
Xem thêm: Cô gái trẻ Hàn Quốc mua nhà sau 4 năm sống tằn tiện: Không đi ăn hàng, xin thức ăn thừa
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận