Bất động sản Thanh Hóa giảm nhiệt, nhà đầu tư tay ngang trót ôm hàng phải bỏ cọc

Sau vài tháng tăng giá bất thường, bất động sản tại tỉnh Thanh Hóa đang có dấu hiệu giảm nhiệt, khiến các nhà đầu tư tay ngang choáng váng.

Chi Nguyễn
08:30 24/05/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sốt đất bỗng giảm nhiệt

Năm 2021, thị trường bất động sản ở Thanh Hóa bỗng rơi vào chu kỳ sốt đất chưa từng có, rồi lại nhanh chóng chững lại. Năm nay, tình trạng này lại lặp lại khi sốt đất nổi lên được vài tháng, nhưng tới giữa tháng 5 đã giảm nhiệt. Nguyên do là nhờ những chính sách can thiệp kịp thời của UBND tỉnh Thanh Hóa và cơ chế chính sách siết chặt vốn vay từ ngân hàng vào đầu tư bất động sản.

Cụ thể, những quý đầu năm 2022, giá bất động sản ở nhiều khu vực ở Thanh Hóa tăng bất thường, đặc biệt là đất nền. Không chỉ những nơi như TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn,... tăng mạnh, mà những nơi như vùng nông thôn, vùng hẻo lánh cũng tăng mạnh.

bat-dong-san-thanh-hoa-het-sot-nha-dau-tu-tay-ngang-danh-bo-coc
Một phiên đấu giá đất tại Thanh Hóa trong thời gian sốt đất vừa qua. Ảnh: Viết Huy/Reatimes

Anh Trần Văn Vinh, môi giới tại Sầm Sơn cho hay: "Ngay từ đầu tháng 2/2022 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50-60% so với cuối năm trước.

Ở một số dự án chưa hoàn thành hạ tầng, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, hay những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ cũng được giới đầu tư săn tìm khiến giá tăng dựng đứng. Cục bộ một số nơi tăng đến 200% chỉ trong 1-2 tháng. Hiện tượng sốt đất đã đẩy nhiều người bỏ kinh doanh, công việc hằng ngày, rút tiền tiết kiệm, vay lãi nóng để lao vào làm môi giới hoặc đầu tư đất nhằm kiếm lời".

Tuy nhiên, cơn sốt đất này không kéo dài được lâu, mà đã nhanh chóng hạ nhiệt ở thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, hồi tháng 4 vừa qua, một số lô đất ở xã Quảng Đại (Sầm Sơn) và xã Quảng Hải (Quảng Xương) tăng đột biến, có lô đất được rao bán giá 1,5 - 2,5 tỷ (tăng 50-60% so với năm ngoái). Giá cao ngất ngưởng nhưng người mua vẫn ầm ầm, có khi vừa rao buổi sáng đến trưa đã có người đặt cọc, chốt lời đến cả trăm triệu.

Tuy nhiên, ngay sau khi nắm được thông tin, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấn chỉnh kịp thời, tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Vì vậy, sốt đất "ảo" đã phần nào được kiểm soát, một số nơi đã bắt đầu "cắt sốt". 

Hiện tại vẫn các lô đất đó, hoặc những lô đất rẻ hơn lại đang rơi vào tình trạng ế ẩm, không ai mua. Không ít nhà đầu tư tay ngang hoặc cò đất vay tiền xuống tiền cọc thì rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì nguy cơ mất cọc rất cao. Không còn cảnh bán buôn tấp nập, lướt sóng, sang cọc như cách đây nửa tháng, thị trường bất động sản Thanh Hóa đã có dấu hiệu giảm nhiệt.

Ông Trần Tuấn, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại TP. Thanh Hóa nhận định: "Nhìn chung thị trường bất động sản Thanh Hóa vài tuần trở lại đây có dấu hiệu hạ nhiệt, ở một số điểm sốt đất “hầm hập” như TP. Sầm Sơn, TP. Thanh Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Quảng Xương không còn cảnh người mua kẻ bán, đặt cọc, chốt lời như trước. Hiện tại nhà đầu tư đang dần rút khỏi thị trường khiến nhiều 'cò đất', môi giới hay nhà đầu tư lướt hàng đã trót “đặt cọc” không thể ra hàng, tuy nhiên giá đất tại thị trường vẫn chưa có dấu hiệu xuống giá".

Nhà đầu tư vội vã thoát hàng

Do tình trạng sốt đất "ảo" đã được kiểm soát, giờ đây thị trường bất động sản tại Thanh Hóa đã hạ nhiệt. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tay ngang hay môi giới trót "xuống cọc" thời gian qua tái mặt, không biết nên "gồng lỗ" hay ra hàng. Chỉ 1 tháng trước, một số vùng thôn quê tuy kinh tế bà con còn khó khăn, tiện ích xã hội còn ít,... vẫn được hàng chục đoàn khách tấp nập tới mua. Nay thị trường đã chững, nhiều người rao bán giá rẻ cắt lỗ vẫn không ai ngó.

bat-dong-san-thanh-hoa-het-sot-nha-dau-tu-tay-ngang-danh-bo-coc
UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấn chỉnh kịp thời, tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Ảnh: Viết Huy/Reatimes

Anh Lưu Văn Hoàng, nhà đầu tư ở Hà Nội tâm sự: "Giữa năm 2021, vợ chồng tôi có mua 3 lô đất nền ở xã Quảng Đại (Sầm Sơn). Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển nhượng, không ít nhà đầu tư có ý định mua lại số đất này, thậm chí đề nghị trả chênh 600 triệu/lô đất. Kỳ vọng giá sẽ tăng tiếp,tôi quyết định không bán. Thế rồi thị trường hạ nhiệt, nên một tuần qua vợ chồng tôi quyết định bán mấy lô đất này theo giá thị trường. Nào ngờ, chúng tôi không thể bán được dù đã nhờ rất nhiều môi giới hay đăng tin quảng cáo".

Anh Vinh cũng chia sẻ thêm: "Cách đây hơn 1 tháng, tôi đặt cọc khoảng 300 triệu đồng mua lô đất ở giá tầm 1,5- 2 tỷ đồng có thể lướt cọc lãi ngay vài trăm triệu đồng. Còn cách đây 20 ngày, tôi có đặt cọc 200 triệu đồng mua lô đất gần 2 tỷ đồng, nhưng qua 18 ngày chờ bán lướt vẫn không ai hỏi nên tôi quyết định đành chấp nhận bỏ cọc mất 200 triệu đồng, còn hơn là phải gánh lãi tiền vay ngân hàng 2 tỷ đồng".

Nhìn chung, vào thời điểm này những nhà đầu tư có vốn dày, hoặc có kinh nghiệm lâu năm đều không sẵn sàng ôm hàng chờ tăng giá. Trong khi đó, những nhà đầu tư tay ngang, vốn mỏng hay phải vay vốn ngân hàng đang tìm cách "thoát hàng", thậm chí cắt lỗ đều không được. Lý giải về nguyên do hạ nhiệt, các chuyên gia bất động sản cho hay:

- Các ngân hàng hạn chế tín dụng cho đầu cơ bất động sản, các ngân hàng tạm ngưng giải ngân khoản tín dụng bất động sản dù đã được phê duyệt hồ sơ.

- Nhiều địa phương có biện pháp tuyên truyền, xử lý hiện tượng thổi giá, đầu cơ hoặc huy động vốn trái phép.

-Cơ quan có thẩm quyền đã tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan việc phân lô, tách thửa, kiểm soát việc huy động vốn tại những dự án chưa được phép, rà soát các hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Theo Viết Huy/Reatimes

Xem thêm: E ngại lạm phát tăng cao, người có vốn mỏng nên đầu tư bất động sản thế nào để có lãi?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận