Nguyễn Tá Đông: Thanh niên Đắk Lắk bỏ việc sang Israel học hỏi, về quê làm nông thu tiền tỷ
Đam mê làm nông nghiệp, 9x Đắk Lắk Nguyễn Tá Đông bỏ việc lương khá để sang Israel học hỏi, về quê làm nông thu lời lớn.
Bỏ việc ổn định để làm nông
Nhiều năm trở lại đây, không ít người trẻ Việt có tư duy táo bạo hơn, muốn khởi nghiệp với đam mê thay vì làm công ăn lương. Anh Nguyễn Tá Đông (32 tuổi, quê Đắk Lắk) dưới đây là một ví dụ điển hình, người đã bỏ việc để về quê làm nông dân.
Được biết, trước kia anh là nhân viên xuất nhập khẩu, thu nhập ổn định 20 triệu/tháng. Tuy nhiên, chàng trai 9x ấy luôn ấp ủ trong lòng ước mơ nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cuối cùng, anh quyết tâm thay đổi đời mình, xin nghỉ việc vào năm 2016 để theo đổi đam mê.
Sau khi nghỉ việc, anh gom góp toàn bộ tiền bạc để dành, lên được sang Israel để tìm hiểu mô hình nông nghiệp của họ. Sau 2 năm học hỏi thành tài, anh quyết định "bỏ phố về quê", cùng nhóm bạn về Khánh Hòa khởi nghiệp làm nông. Ngoài anh Nguyễn Tá Đông, còn có 3 người khác là Nguyễn Mạnh Tiến (26 tuổi, quê Nghệ An), Trương Hoàng Nam (26 tuổi, quê Đồng Tháp) và Phạm Minh Thông (25 tuổi, quê Bến Tre) cùng góp sức khởi nghiệp.
9x Đắk Lắk nhớ lại: "Ở Israel chúng tôi học được giá trị của sự cần cù, nhẫn nại và làm việc không biết mệt mỏi. Chúng tôi đã tự mình lý giải được vì sao người ở đây lại giỏi và thành công đến như vậy. Chúng tôi lầm lũi trầm mình từ sáng tới tối trong những nhà kính y hệt như những lò xông hơi khổng lồ. Mùa hè thì nắng cháy da thịt và tới mùa đông thì lạnh như cắt".
Là những "đứa con nhà nông" chính hiệu, nhóm của anh Đông hiểu rằng chuyện khởi nghiệp làm nông không hề dễ dàng. Nông nghiệp không dành cho những ý tưởng lãng mạn theo kiểu "bỏ phố về quê trồng rau và nuôi cá". Một khi đã chấp nhận về quê làm nông trại, ta phải biết đó là quyết định mạo hiểm và rất dễ gặp thất bại. Biết là thế nhưng nhóm bạn vẫn quyết tâm, còn hẹn nhau sẽ "hội quân" ở một nông trang nào đó mà Đông sẽ tự tay đi tìm.
Làm giàu trên đất cỏ khô cằn
Sau nửa tháng "ăn bờ ngủ bụi" khắp vùng quê, anh Nguyễn Tá Đông tìm đến thung lũng Suối Mơ, thuộc xã Ninh Thượng - một xã vùng cao của huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Dù mảnh đất nơi đây khô cằn, 9x vẫn quyết định chọn mảnh đất này và đặt tên là Moshav Farm. Cái tên này đến từ một từ gốc trong tiếng Do Thái là moshav, nghĩa là một làng nông nghiệp mà xung quanh có rất nhiều trang trại.
Thời điểm ban đầu, trang trại của anh Đông chỉ có khoảng 5 nhân công, tất bật làm việc trên mảnh đát rộng 10 ha. Đất đai khô cằn, lại nằm trên vùng có khí hậu khắc nghiệt nên không hề đơn giản. Họ không ngần ngjai chi mạnh để cải tạo đất, quy hoạch farm dựa trên những gì đã được học hỏi và trải nghiệm thực tế ở Israel. Để tìm kiếm nhân sự chất lượng cao, Đông đã liên kết với các trường đại học nhằm mở các chương trình thực tập sinh.
Sau 3 năm xây dựng, trang trại Moshav Farm của nhóm bạn anh Đông đã mở rộng lên 56 ha, trở thành một trong những nông trại trọng tâm của tỉnh. Diện tích rộng, họ quyết định chia nông trại thành nhiều khu vực để quản lý. Không chỉ vậy, họ đang dần phát triển nghề chế biến nông sản tại chỗ để đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, họ cũng đang thử nghiệm cây trồng, vật nuôi mới để chuyển giao cho bà con sau này.
Được biết, họ đang cho trồng những nông sản giá trị cao như nhãn, dừa xiêm lùn, bưởi, nho,... Ngoài ra, họ cũng thử nghiệm trồng dược liệu, rồi dùng công nghệ sấy nóng, sấy lạnh để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ngoài các loại cây trồng có giá trị cao, hiện trang trại của nhóm bạn Nguyễn Tá Đông còn nuôi cừu, hươu, nai, đà điểu để phục vụ du lịch, tạo thu nhập bền vững.
Anh tâm sự: "Chúng tôi liên kết với một số trường đại học và các chuyên gia nông nghiệp trên thế giới thông qua Tổ chức PUM (Hà Lan) để trồng thật nhiều cây trái, làm du khách thích thú khi tới. Đây là cách mà tôi đã học được ở Israel. Farm cũng thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi khác nhau để chuyển giao cho người dân bản địa. Đồng thời thu mua lại sản phẩm để họ có thu nhập, có việc làm ngay tại chính quê hương, nơi trước giờ nếu không phải đối mặt với được mùa mất giá thì những thanh niên trẻ cũng phải rời quê lên phố kiếm việc làm, tạo sự bất cân đối việc làm, thu nhập giữa thành thị và nông thôn".
Người dân lẫn chính quyền địa phương không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy vườn nho trĩu quả và đàn cừu đông đúc. Anh Nam giải thích: "Vùng đất này chưa từng ai trồng được nho và nuôi được cừu. Nhưng chúng tôi hiểu rằng con người có thể chinh phục được tự nhiên nếu biết cách. Chúng tôi áp dụng cách làm tương tự ở Israel và thấy cây nho phát triển rất tốt, số cừu nuôi thì khỏe mạnh, nhân đàn nhanh".
Giờ đây, trang trại của anh Đông đã đi vào hoạt động ổn định, có khoảng 34 nhân viên. Mỗi tháng, thu nhập của họ lên tới hơn 1 tỷ đồng, đóng góp xây dựng kinh tế cho địa phương. Trang trại của họ đã thiết lập mạng lưới bán hàng bài bản, đảm bảo đầu ra cho nông sản.
Trên trang cá nhân của mình, anh Đông từng tâm sự: "Vốn là con nhà nông, lại được tôi luyện ở môi trường cực kỳ khắc nghiệt như ở Israel, mình đã phải điều chỉnh bản thân rất nhiều để tập thích nghi với mọi hoàn cảnh. Ăn bờ ngủ bụi, ăn những thứ mình không thích, một bộ đồ có thể mặc được cả tuần không phải là vấn đề lớn. Điều quan trọng là mình biết tự sắp xếp, linh hoạt ứng phó với mọi hoàn cảnh".
Theo Tuổi trẻ Online, Lao Động
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận