8x Hà Nội hơn 10 năm làm cầu nối đưa người vùng cao xuống thành phố chữa bệnh

Sợ bà con vùng cao gặp lừa đảo khi xuống phố chữa bệnh, hơn 10 năm qua, 8x Hà Nội Nguyễn Thị Giang Như đã tình nguyện làm cầu nối đón đưa.

Chi Nguyễn
09:01 26/08/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chị Nguyễn Thị Giang Như (38 tuổi, Hà Nội) tâm sự, cơ duyên đưa chị tới công việc thiện nguyện này là từ 10 năm trước. Ban đầu, chị đứng ra hỗ trợ các cặp vợ chồng là người dân tộc thiểu số ở vùng cao đưa con nhỏ xuống Hà Nội chữa bệnh.

Chị bộc bạch: "Lúc nhỏ, tôi ở vùng cao, sống cùng đồng bào dân tộc nên có thể nghe, hiểu và nói được tiếng Thái, Tày, H’Mông… Khi ấy, cuộc sống của tôi cũng bữa đói bữa no. Các bạn của tôi có đứa ốm đau, bệnh tật rồi chết vì không có tiền đến bệnh viện chữa bệnh.

8x-ha-noi-hon-10-nam-giup-nguoi-vung-cao-xuong-thanh-pho-chua-benh-1
Thấu hiểu, đồng cảm với nỗi khổ của họ, tôi cố gắng giúp đỡ trong khả năng của mình

Rồi tôi chứng kiến những khó khăn, vất vả của bà con vùng cao khi phải xuống xuôi chữa bệnh. Họ không biết đường đi, không biết tiếng Kinh, thậm chí không biết chữ nên bị kẻ xấu lừa hết tiền bạc. Thấu hiểu, đồng cảm với nỗi khổ của họ, tôi cố gắng giúp đỡ trong khả năng của mình".

Đó cũng là lý do thôi thúc chị làm điều tử tế này. Khi bệnh nhi được đưa tới Hà Nội, chị sẽ tới bến xe đón, đưa các cháu vào bệnh viện làm thủ tục. Nếu các cháu phải nhập viện hay mua thuốc men, chị tình nguyện làm "bà vú" chăm sóc tận tình từ thay tã, vệ sinh, cho ăn,...

Sau này, ngoài việc nhận chăm sóc bệnh nhi, chị Như còn đảm nhiệm thêm cả việc lo cho bệnh nhân lớn tuổi. Lâu dần, việc tử tế của chị được nhiều người biết đến, nếu địa phương vùng cao có người nghèo xuống Hà Nội, điều trị, họ đều liên hệ nhờ chị hỗ trợ, chăm sóc.

8x-ha-noi-hon-10-nam-giup-nguoi-vung-cao-xuong-thanh-pho-chua-benh
Tôi cố gắng hướng dẫn họ thực hiện đúng những công việc này rồi mới ra về. Mỗi ngày, tôi thường vào viện chăm họ 3 lần vào buổi sáng, trưa và chiều tối

8x Hà Nội giải thích: "Đa số các bệnh nhân này đều là người dân tộc thiểu số. Họ xuống miền xuôi chủ yếu là đi để chữa bệnh và thường bệnh đã rất nặng. Mỗi lần đi như thế họ phải bán trâu bò, lợn gà… mới có tiền. Nhưng khi đi, họ hầu hết không biết đường sá cũng không nói được tiếng Kinh nên rất khó khăn, thậm chí bị kẻ xấu lừa hết tiền".

Chị nhớ lại, đã có lần chị gặp một cặp vợ chồng phải bán trâu đi để có tiền đưa con xuống Hà Nội chữa trị. Thế nhưng, vừa đến cổng bệnh viện, họ bị lừa hết sạch tiền. Không biết chữ, không nói được tiếng Kinh,... vợ chồng họ khóc nghẹn ôm con về bản chờ chết. Chị không muốn tình cảnh ấy diễn ra lần nữa, nên khi được địa phương gửi gắm, dù là mưa hay nắng, chị đều tới bến xe đợi.

Quả thực, nói chị Nguyễn Thị Giang Như đã dành cả thanh xuân để làm thiện nguyện cũng không ngoa. Chị kể: "Khi vào viện, nhiều người không biết cách chăm sóc bản thân, người bệnh. Hơn thế, có người không biết nói tiếng Kinh nên các bác sĩ cũng khó hướng dẫn họ. Tôi cố gắng hướng dẫn họ thực hiện đúng những công việc này rồi mới ra về. Mỗi ngày, tôi thường vào viện chăm họ 3 lần vào buổi sáng, trưa và chiều tối".

Trong suốt thời gian chăm người bệnh, chỉ cần rảnh là chị sẽ nấu cơm mang vào viện cho họ ăn. Nếu bận quá, chị sẽ nhờ bố chị đưa cơm. Chị bày tỏ: "Ban đầu vào viện chăm sóc người bệnh, tôi cũng sợ lắm. Tôi sợ nhất khi vào bệnh viện bỏng, bệnh viện K. Những hình ảnh ở đó ám ảnh tôi chứ không phải tôi sợ bị lây nhiễm. Nhưng tôi thương họ như thương bản thân, người nhà mình nên tôi không sợ nữa. Dần dần, tôi quen với công việc này".

8x-ha-noi-hon-10-nam-giup-nguoi-vung-cao-xuong-thanh-pho-chua-benh
Chị Như kết hợp với cơ quan, đoàn thể ở địa phương để làm từ thiện như xây nhà, xóa nhà tạm, tặng bò,...

Ngoài công việc chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân, chị Như còn đứng ra tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện. Nếu gặp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, chị tự thân vận động, kêu gọi bạn bè hỗ trợ. Chưa kể, chị còn kết hợp với cơ quan, đoàn thể ở địa phương để làm từ thiện như xây nhà, xóa nhà tạm, tặng bò,... Vào các dịp lễ Tết, chị tổ chức các hoạt động vui chơi, hỗ trợ tiền mặt, phát quà cho trẻ em nghèo, mồ côi...

Người phụ nữ có tấm lòng vàng tâm sự: "Tôi đến với công việc thiện nguyện như một cái duyên. Lúc trẻ, tôi phát cháo miễn phí ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương, đến các bệnh viện tâm thần để tắm cho bệnh nhân tại đây. Cuối tuần, bạn bè đi shopping, tôi lại đến chùa Bồ Đề tắm rửa, chăm các bé mồ côi.

Tôi luôn có ước mơ dành tiền để lên bản làng làm từ thiện, giúp đỡ bệnh nhân thay vì đi du lịch. Mỗi khi giúp đỡ ai điều gì đó, tôi luôn rất vui và cảm thấy thật hạnh phúc".

Theo Vietnamnet

Xem thêm: Tấm lòng vàng của bà giáo U70 dành nửa đời người để cưu mang, dạy dỗ trẻ khuyết tật

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận