“Ngôi mộ đom đóm” ngoài đời thực qua bức ảnh hai đứa trẻ xứ Phù Tang
“Ngôi mộ đom đóm” ngoài đời thực là hình ảnh đứa trẻ Nhật Bản cõng em trai đã qua đời trên lưng khí nhiều người xót xa, thương tiếc khi nhìn vào. Bức ảnh cũng phản ánh hiện thực khốc liệt của xứ Phù Tang những năm 1945.
Nội dung bộ phim “Ngôi mộ đom đóm”
Nếu là một người yêu thích những bộ phim hoạt hình Nhật Bản thì khán giả không thể nào không biết tới tác phẩm “ngôi mộ đom đóm”. Bộ phim là câu chuyện cảm động về hai anh em Seita và Setsuko trong chiến tranh thế giới thứ 2 được dựa theo cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của tác giả Nosaka Akiyuki.
Cái kết của bộ phim đã lấy đi rất nhiều nước mắt của người xem khi cô bé Setsuko qua đời vì thiếu ăn. Ít người biết rằng, tác giả Nosaka Akiyuki cũng mất một người em gái vì thiếu ăn vào giai đoạn chiến tranh năm 1945 tại Nhật. Và tác giả luôn cho rằng mình phải chịu trách nhiệm về cái chết của em gái nên ông đã viết cuốn tiểu thuyết như để đền bù cho em gái mình và cũng là để giúp ông có thể chấp nhận bi kịch của quá khứ.
Hai anh em Seita và Setsuko mất mẹ sau cuộc thả bom dữ dội của không quân Mỹ vào thành phố Kobe trong khi cha của hai đứa trẻ lại đang chiến đấu cho Hải quân hoàng gia của Nhật. Seita và Setsuko phải vật lộn để tồn tại giữ một bên là nạn đói, một bên là sự thờ ơ tàn nhẫn của những người xung quanh. Sau khoảng thời gian phải chật vật sống trong sự khinh miệt, phân biệt đối xử cậu bé Seita quyết định rời khỏi nhà người dì để chuyển đến một căn hầm trú bom đã bị bỏ hoang. Sự thiếu thốn thức ăn đã buộc Seita đi ăn cắp đồ ăn và bị đánh đập. Setsuko bị ốm nặng, Seita vội đưa em đến bệnh viện và được bác sĩ thông báo rằng nguyên nhân là do cô bé bị thiếu ăn. Trong sự lo lắng tột cùng, Seita đã quyết định đến ngân hàng để rút toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản ngân hàng của mẹ để mua thức ăn. Nhưng ngay khi rời khỏi ngân hàng Seita đã rất sốc và tuyệt vọng khi nghe tin Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện quan đồng mình, và cha cậu đã tử nạn trên biển. Seita trở về nhà cùng với rất nhiều thức ăn, thế nhưng Setsuko không chờ được và đã chết. Seita đau lòng đem em đi hỏa táng, sau đó bỏ tro cốt vào hộp kẹo trái cây và mang nó cùng với hình ảnh người cha, cho đến khi cậu cũng qua đời tại nhà ga Sannomiya.
“Ngôi mộ đom đóm” ngoài đời thực qua bức ảnh của Joe O'Donnell
Câu chuyện của hai anh em Seita và Setsuko trong bộ phim “Ngôi mộ đom đóm” không phải là hiếm gặp tại Nhật Bản trong bối cảnh những năm cuối chiến tranh thế giới thứ 2. Đó là khi Nhật thất thủ và liên tục bị Mỹ tấn công dồn dập. Một trong những bức ảnh nổi tiếng, phản ánh thực tế cuộc sống khổ cực của trẻ em Nhật Bản giai đoạn này là do nhiếp ảnh gia Joe O'Donnell chụp tại thành phố Nagasaki.
Joe O'Donnell đến Nhật Bản để ghi lại những thiệt hại diễn ra tại Nhật sau các cuộc không kích với bom và bom nguyên tử gây ra. Từ tháng 9/1945, ông đã đi dọc vùng phía Tây của Nhật Bản và chụp lại những khoảnh khắc đau thương của những nạn nhân chiến tranh. Những bức ảnh ông chụp chủ yếu là về những người chết, những người bị thương do chiến tranh và cả những đứa trẻ mồ côi.
Trong đó, bức ảnh chụp tại thành phố Nagasaki của Joe O'Donnell đã khiến không ít người xúc động khi ghi lại khoảnh khắc hai đứa trẻ. Một bé trai đang cõng đứa bé trai nhỏ trên vai, đau lòng thay đứa em nhỏ trên vai đã qua đời và chuẩn bị lên giàn hỏa thiêu. Trong bức ảnh, cậu bé đứng im, tay xuôi xuống quần, mím chặt môi, ngẩng cao đầu như đang cố kiềm chế để bản thân không bật khóc. Hình ảnh cậu bé khiến nhiều người liên tưởng đến tinh thần bất diệt của nhân dân Nhật Bản trong thời kỳ đó.
Khi chia sẻ về bức ảnh này, Joe O'Donnell vẫn còn nhớ như in, ông nói: “Tôi thấy một cậu bé khoảng 10 tuổi đi ngang qua. Trên vai em là một đứa nhỏ khác. Vào giai đoạn ấy, ở Nhật bản tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đang chơi đùa với em mình trên vai. Nhưng với cậu bé này, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Em không có giày, đứng nghiêm túc với khuôn mặt đầy căng thẳng, còn đứa nhỏ trên vai em dường như ngủ rất sâu. Cậu bé ấy cứ đó đó khoảng chừng 5 hay 10 phút gì đấy.
Một lúc sau, một người đàn ông đeo khẩu trang trắng tiến về phía em, cởi dây và đỡ lấy đứa bé trên vai. Khoảnh khắc đó tôi mới nhận ra em nhỏ đã chết. Người đàn ông kia giữ lấy đứa nhỏ, đặt lên giàn hỏa thiêu. Tôi quay lại thì thấy người anh cứ đứng đó, trân trân nhìn ngọn lửa đang cháy, người anh cắn chặt môi dưới của mình đến nỗi tôi thấy máu chảy ra ngoài. Và khi ngọn lửa cháy rụi, cậu bé quay đầu lại và bỏ đi trong im lặng”.
Xem thêm: "bố mẹ ly hôn rồi..." Câu chuyện khiến nhiều người day dứt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận