Làm người tốt phải làm đến cùng – Câu chuyện nhân văn sâu sắc
“Làm người tốt phải làm đến cùng” là câu chuyện ngắn đầy nhân văn, cảm động về tình người ở đời. Sự tử tế và những điều tốt đẹp luôn tồn tại ở quanh ta.
Câu chuyện “Làm người tốt phải làm đến cùng”
Bố mẹ tôi kiếm sống bằng quán tạp hóa nhỏ. Bố tôi chia quán thành hai phòng, bán đồ bên ngoài và kê một cái giường để nghỉ ngơi và nấu nước khi đến trông quán vào buổi trưa. Công việc này của bố mẹ tôi khá ổn định, khách hàng ghé đến đều là láng giềng sống xung quanh gần đó.
Trong kỳ nghỉ hè năm lớp 7, tôi thường giúp bố trông quán. Bố đề xuất tôi phụ trách tiền nong để cải thiện khả năng tính toán cũng như kết quả môn toán của mình. Tôi còn bé, thích chạy nhảy vậy mà mùa hè năm ấy chỉ có thể ngồi yên, vừa chơi điện thoại vừa trông quán.
Có hôm, tôi dậy sớm, xong xuôi các việc ở nhà, đạp xe từ nhà đến quán mới 8 giờ. Tôi vui vẻ bước vào chỉ thấy một cụ bà trong bộ quần áo lam lũ, xách một túi gạo nhỏ, đang nhận 10 ngàn từ bố và còng lưng bước ra ngoài.
“Bố ơi, hôm nay con đến sớm nhé!”, tôi trông rất tự mãn khi ấy!
“Chà, sớm quá nhỏ, mặt trời còn chưa lặn đây này!”, bố liếc tôi một cái rồi ngồi xuống ghế.
“À, bố ơi, sao bà ấy mua có chút xíu gạo vậy ạ?, tôi thắc mắc
“Bà ấy à, không có tiền nên chỉ mua 3 lạng gạo thôi”, vẻ mặt bố có vẻ trầm ngâm.
“Mua 3 lạng gạo ư? Một cân gạo là 15 ngàn, bà ấy mua 3 lạng thì mất 4 ngàn rưỡi mà”, tôi lẩm nhẩm tính toán rồi trố mắt hét to lên: “Bố, phải bố thối nhầm tiền không ạ? Bà ấy mua 3 lạng gạo mà bố lại trả cho bà 10 ngàn, vậy bà ấy đưa bố bao nhiêu ạ?”
“Bà ấy à, đã đưa cho bố 5 ngàn”, bố tôi nói.
“Ôi…”, tôi sững người. Một đứa luôn xếp hạng trung bình môn toán như tôi đang bị bối rối trước câu nói của bố.
“Bố, bố có thể đếm trên đầu ngón tay là ra rồi mà. Bố nhầm tiền rồi! Bà ấy mua 3 lạng gạo với giá 5 ngàn, nhưng bố lại thối cho bà ấy 10 ngàn? Bố có phải bố bị ốm rồi không?”
“Haizzz….”, bố tôi xua tay, rồi nói: “Bà ấy là hàng xóm cũ ở phố này. Bà góa chồng, sống neo đơn, nay đã già lại không có con cái gì. Hàng ngày chỉ sống dựa vào chút tiền trợ cấp và nhặt rác. Hơn 10 năm nay, bà ấy rất quan tâm đến công việc bán hàng của chúng ta. Bất kể là mua gì bà ấy cũng đến nhà mình mua. Nhưng mà 2 năm nay, bà dường như bị mất trí nhớ, đôi lúc cứ ngây ngây ngô ngô, không nhớ được gì. Bố nghĩ bà đã thành ra như vậy rồi thì giúp bà ấy một chút cũng tốt. Thế nên 2 năm qua, bà mua 3 lạng gạo ở quán nhà mình bằng 5 ngàn, bố sẽ trả lại bà 10 ngàn. Nếu không, dựa vào chút tiền trợ cấp đó làm sao bà có thể mua đồ ăn hàng ngày được. Rồi con nghĩ xem bà ấy sống thế nào được?”
Tôi lặng người lắng nghe và ngước nhìn khuôn mặt người bố đã 50 tuổi của mình. Tôi chợt phát hiện ra, ông bố “vạn năng” trong tâm trí tôi giờ cũng đã già.
Sáng hôm sau, khi tôi với tay tắt đồng hồ báo thức, định bụng ngủ lại một chút thì nghe tiếng bố dậy, thế là tôi cũng bật dậy theo. Hai bố con ăn mì mẹ nấu xong thì chạy xe đến quán. Mở cửa chưa được bao lâu, bà cụ lại đến. Đôi tay bà run run móc ra 5 ngàn từ trong túi, trên môi nở nụ cười, rồi đưa bàn tay nhăn nheo trả tiền cho bố tôi nói: “Ông chủ, 3 lạng gạo”.
Bố tôi cười: “Vâng ạ!”
Tôi nắm lấy 5 ngàn từ trên tay bố vuốt phẳng ra và đặt vào ngăn kéo. Sau đó, tôi lấy một cái túi nilon buộc gạo vào rồi đưa cho bà cụ.
“Bà ơi, 3 lạng gạo đây ạ!”
Bà cụ cẩn thận đón lấy bao gạo, hình như thấy khá nặng, bà ngẩng đầu lên tròn mắt nhìn tôi.
“Ồ, cháu quên thối tiền”. Tôi gãi đầu rồi nhanh chóng lấy từ ngăn kéo ra một tờ tiền 10 ngàn đưa cho bà, nói: “Bà ơi, cháu gửi lại bà tiền thừa!”.
Bà cụ cầm lấy tiền, cẩn thận cất vào túi rồi run rẩy bước đi nặng nhọc.
“Con trai, cũng biết bắt chước à!”, bố gõ nhẹ vào đầu tôi, cười nói: “Bao gạo của con ít nhất cũng 2 cần nhé!”.
“Làm người tốt nên làm đến cùng, tiễn Phật tiễn tới Tây Thiên mà bố!”, tôi cười nói. Lúc này, tôi cảm thấy mình thật dư dả, cao lớn. Nghĩ vậy, trên mặt bỗng nhiên ấm bừng, nhẹ giọng nói: “Bố ơi, con còn chưa học được bố. Nhưng con đang thử cố gắng làm người tốt”.
Mấy ngày sau, tôi theo bố đi trông quán. Mỗi lần mở cửa, bà cụ đều đến đây. Bà ấy vẫn lấy ra 5 ngàn để mua 3 lạng gạo như mọi hôm. Tôi cũng thành quen, đưa gạo và gửi lại cho bà 10 ngàn.
Một tháng sau, bà cụ đã mấy ngày không đến, tôi hỏi bố: “Bố ơi, sao bà mấy ngày rồi không đến quán ạ?”
“Nghe nói bà bị bệnh, giờ đang nằm viện”, giọng bố buồn buồn, nói với vẻ bất lực.
“Bà ấy chỉ sống dựa vào chút tiền trợ cấp và nhặt rác, thật quá bấp bênh. Cuộc sống này vô thường quá!”, bố tôi nói.
“Haizzz…”, năm 14 tuổi ấy, tôi cũng đã học được cahs thở dài.
Vài ngày sau, bố tôi nhận được một lá thư từ người được ủy thác của bà cụ. Bố mở phong bì ra thì thấy một tờ giấy chứng nhận bất động sản và một tờ di chúc: “Ông Hải, cảm ơn ông và con trai của ông. Những ngày cuối cùng trong bệnh viện, đầu óc tôi bỗng sáng suốt trở lại. Tôi bỗng hiểu ra, nếu không có sự quan tâm của ông và sự thiện tâm trong suốt 2 năm qua, tôi có lẽ không sống đến được ngày hôm nay. Tôi cảm ơn mọi người nhiều lắm. Tôi ra đi, không chút lưu luyến, ngoại trừ một điều tiếc nuối duy nhất chính là tấm lòng chân thành của hai bố con ông, tôi không biết đền đáp thế nào. Thứ còn lại duy nhất của tôi là căn nhà cũ này, nơi tôi đã sống mấy chục năm nay, mong ông hãy nhận lấy. Vạn phần cảm ơn của tôi, tôi ở trên trời sẽ chúc phúc cho mọi người”.
Bố tôi cầm bức thư trên tay, nước mắt lã chã rơi. Tôi cầm bức thư, đọc không tròn tiếng, sau đó ôm chặt lấy bố mình, nước mắt cứ vậy rơi xuống…
Xem thêm: Lương thiện khôn ngoan: Sống đừng khư khư sợ phật lòng người khác
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận