“Dì kế của tôi” – Một câu chuyện thú vị và đầy nhân văn
"Dì kế của tôi" - Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng khiến nhiều người phải xúc động. Hãy tin rằng, trên thế giới này vẫn tồn tại sự tử tế giữa người với người.
Câu chuyện “Dì kế của tôi”
Cha lấy dì ấy chỉ hơn chị 10 tuổi. Mẹ mất sớm, ông nội là người nuôi chị đến khi chị lập gia đình. Chẳng hiểu thế nào “già chẳng trót đời” cha chị lại đi thêm bước nữa với người phụ nữ ngẩn ngơ, không nhanh nhẹn lắm ấy. Nói thì nói vậy, nhưng dì kế vẫn có thể đảm đương công việc đồng áng cho cha chị.
Hùng là đứa em cùng cha khác mẹ với chị, nó để cùng năm với thằng thứ hai, con của chị. Lúc nó để ra thì còi cọc lắm do thiếu dinh dưỡng. Và trong thâm tâm, chị vẫn không muốn thừa nhận Hùng là em.
Vài năm sau đó, gia đình chị chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Chị ghét cha lắm, cả người phụ nữ mà đáng lẽ ra chị phải gọi bằng “dì” ấy. Gia đình chị ở quê cũng chẳng phải nghèo túng, nếu còn ở nhà chị vẫn lo được cho cha đàng hoàng dù ông ấy không lấy vợ khác. Nhưng chị vẫn chọn vào Nam, cuộc sống ở đây tươm tất hơn nhiều và ở xa cũng làm chị bớt ghét cha hơn một ít. Những gói quà gửi về cho cha với những đồng tiền ít ỏi chị cho là lớn lắm ở cái miền quê nghèo khó ấy. Chị gần như đoạn tuyệt với gia đình, chỉ ít lần về nhà chồng với những công việc hãn hữu mà thôi.
Chiều hôm ấy, ở cơ quan chị bỗng nhận được điện thoại của Hùng – đứa em cùng cha khác mẹ mà chị chưa bao giờ thừa nhận.
Chị bắt máy, thì nghe giọng Hùng nói: “Chị ơi, em đang ở ga Sài Gòn, chị cho em ở nhờ vài hôm ạ”
Chị nghe vậy đã thấy trong lòng vô cùng bực bội, nhưng vẫn tỏ vẻ điềm tĩnh trước mặt đồng nghiệp cùng cơ quan. Chị xin nghỉ sớm để đi đón nó. Thằng Hùng mặt mày đen nhẻm nhưng vẫn lộ vài nét thư sinh, mặt nó quắt lại nhưng có đôi mắt sáng và vầng trán cao rất giống cha. Mà phải rồi, chị chẳng quan tâm. Nhưng nó bằng tuổi thằng thứ hai nhà chị thì đáng lẽ ra giờ nó đang là sinh viên năm hai nhỉ!
Gặp nó, chị chẳng hỏi gì mà nó cũng chẳng nói. Chị chỉ thấy nó ở nhà được hai ngày thì lang thang khắp nơi tìm việc làm. Một tuần sau, nó thông báo với chị nó đã xin được một chân bốc vác rồi ở luôn trong ấy. Mặc cho chị nói thế nào nó vẫn nhất quyết không ở lại nhà chị.
Nó vừa học vừa làm, nó là một thằng bé ngoan, thông minh và nhanh nhẹn lại rất chịu khó. Hóa ra, Hùng là đứa học rất giỏi, chị đã quá vô tâm mà không biết rằng nó đã phải bảo lưu kết quả đại học năm nhất ở Hà Nội vì không có tiền trang trải học phí. Vào Sài Gòn 3 năm, nó vừa học nghề vừa đi làm, may mắn vừa học xong nó xin được việc vào làm tại một công ty trong thành phố.
Tháng lương đầu tiên, nó mang một bọc quà cho chị và nói lời cảm ơn. Lần đầu tiên, chị rơi nước mắt, chị ôm chầm lấy Hùng mà chẳng nói được câu nào. Chị đã quá vô tình, bỏ quên người em cùng chung dòng máu với chị. Và chị cũng đã quá vô tâm với người đã thay chị chăm sóc cho ca. Giờ chị mới thấy thấm thía câu nói “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”.
Chị tất tả chạy về thăm cha, ông gầy yếu như không còn chút sức lực nào bỗng khỏe hẳn khi nhìn thấy chị trở về. Người đón chị ân cần, nấu bữa cơm quê cho chị ăn là “dì kế” người mà chị đã ghét cay, ghét đắng ngày xưa.
Chị bỗng dưng khuỵu xuống khi nghe dì nói lời cảm ơn chị: “Thằng Hùng nó vẫn gọi điện về suốt, nó bằng rằng nhờ có con bảo bọc mà nó mới được ngày hôm nay”. Nghe gì nói thế, chị chợt nghĩ đến những ngày thằng Hùng đi vắng, những lúc cha ốm đau một tay gì chăm sóc cho cha, vun vén cho ngôi nhà này.
Chị bỗng dưng nghẹn đắng, bỏ ngang bát cơm xuống mâm hai dòng nước mắt giàn dụa, chị không nói được lời nào. Chị chỉ lắp bắp trong miệng: “Con có lỗi với cha, con có lỗi với dì”
Lời bàn câu chuyện “Dì kế của tôi”
Câu chuyện “Dì kế của tôi” tuy rất nhẹ nhàng nhưng khiến nhiều người phải xúc động.
Dì kế trong mắt của hầu hết người đời đều với hình tượng độc ác, thủ đoạn và đầy mưu mô. Như gần đây nhất, câu chuyện về việc “mẹ kế” bạo hành cô bé 8 tuổi dẫn đến tử vong khiến nhiều người phẫn nộ. Từ đánh đập, cấu xé, hành hạ đến tra tấn tinh thần,….”mẹ kế” cứ thế tạo nên sự ám ảnh trong lòng mỗi đứa trẻ.
Thế nhưng, trong cuộc đời cũng sẽ có người tốt, kẻ xấu. Vẫn không có ít “dì kế” dù không phải là máu thịt họ vẫn thương yêu, chăm sóc con chồng, sống hạnh phúc với nhau. Như câu chuyện mẹ ghẻ con chồng trong chương trình “Điều ước thứ 7” khiến nhiều người tin rằng, cuộc đời vẫn còn đẹp, vẫn còn nhiều người tử tế với nhau. Hay “dì kế” trong câu chuyện “Dì kế của tôi” ở trên chẳng hạn.
Những ai còn mẹ là những người may mắn, chúng ta hãy nên biết ơn vì điều đó ngay lúc này. Thế nhưng, đời có ai lường trước được điều gì. Mọi sự xảy ra với mình có khi lại là duyên số. Nếu định mệnh bắt ta phải gọi một người khác hoặc xem họ như mẹ thì bạn hãy làm đi. Dù không thương cũng đừng làm nhau thêm đau khổ. Vì khi bạn cho đi cái gì, bạn sẽ nhận lại kết quả tương tự.
Xem thêm: Đi tìm đức Phật - Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc gửi đến những người con
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận