Người có thể tha thứ, cứu cả kẻ thù của mình thì tâm đủ rộng để gánh vác việc lớn

Đời này, tha thứ cho người khác cũng chính là tha thứ cho bản thân mình. Người có thể "lấy đức báo oán" mới thực sự là bậc quân tử.

Loan Nguyễn
15:50 25/10/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tha thứ là một trong những điều mà mỗi chúng ta nên rèn luyện, tu dưỡng. Jonathan Lockwood Huie, một tác giả được mệnh danh là "Triết gia của hạnh phúc", từng nói: "Tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được tha thứ mà bởi vì bạn xứng đáng được thanh thản". 

Con người khi biết buông bỏ và tha thứ, tâm trí sẽ trở nên rộng mở, thoát khỏi cảm giác thù hận. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy có rất nhiều điều đáng để bạn quan tâm và cũng sẽ làm được nhiều việc ý nghĩa hơn.

Có một ông lão nọ tuổi đã cao, râu tóc bạc phơ. Ông lão sống với ba người con trai. Một ngày kia, ông lão gọi các con của mình lại và nói: "Cả đời cha đã gánh vác cho gia đình ta, bị người ta ức hiếp cũng nhiều rồi. Giờ thì cha đã già, không biết còn sống được bao lâu nữa, vậy nên một trong ba anh em con cần phải thay cha gánh vác gia đình".

Sau đó, ông giao cho mỗi người con một thỏi bạc để đi hành thiện và tích đức. Người con nào có thể chứng tỏ là người thiện đức nhất sẽ được thay cha trở thành trụ cột của gia đình.

Ba người con sau đó lên đường. Khi họ trở về, người cha yêu cầu họ kể lại những gì đã trải qua. Anh cả tỏ ra tự hào kể: "Con nhìn thấy một người phụ nữ định trẫm mình xuống sông, con vội nhảy xuống và cứu được cô ấy lên bờ. Vì cô ấy mang bầu nên con đã cứu được hai mạng người".

nguoi-co-the-tha-thu-cho-ke-thu-la-bac-quan-tu-lam-nen-dai-su-1

Anh thứ hai cũng hào hứng kể: "Con đi ngang qua một thôn làng và thấy có ngôi nhà đang bén lửa. Vì ngôi nhà ở ngay đầu gió nên cơ hồ cả làng sẽ bị thiêu rụi. Con nhảy vào trong lửa và dập tắt đám cháy ấy, đã cứu được rất nhiều mạng sống và tài sản".

Người cha mỉm cười, im lặng lắng nghe. Cuối cùng chỉ còn lại anh út, anh ngập ngừng: "Cha ạ, con rất buồn vì chẳng làm nên công trạng gì mà chỉ toàn là những việc ngớ ngẩn. Chuyện là, ngày hôm trước khi đi ngang qua rặng núi, con nhìn thấy vị lực sĩ mà thường ngày vẫn hay ức hiếp nhà chúng ta. Lúc ấy anh ta đang say rượu nằm ngay bên bờ vực thẳm. Chỉ cần anh ta trở mình một cái là sẽ rơi xuống vực.

Đúng ra con nên bỏ mặc anh ta đó mà đi tìm việc gì khác, vì kẻ xấu như anh ta thì cả làng đều cho rằng chết là đáng đời. Thế nhưng, lúc đó con cảm thấy rất bứt rứt, liền gọi anh ta dậy, bảo anh ta cẩn trọng, tránh xa cái vực đó. Cuối cùng, con không tìm được việc gì để làm theo nguyện ý của cha".

Người cha nghe con trai út kể xong, khuôn mặt ông vô cùng rạng rỡ, nói: "Con có thể buông bỏ oán hận, tha thứ để cứu cả kẻ thù của mình thì tâm đủ rộng để gánh vác việc lớn".

Ông quyết định trao cho con trai út kế thừa gia sản, trụ cột gia đình. Vị lực sĩ từng bắt nạt anh ngày trước vô cùng biết ơn và nhận ra rằng việc mình làm trước đây là sai trái. Lực sĩ bỏ hẳn thói ngang nhiên hống hách, đối xử với tất cả mọi người bằng thiện tâm và hòa ái. Hai gia đình từ đó cũng trở thành những người bạn tốt. 

Nếu một người làm việc tốt thì được gọi là người tốt, nhưng đó chưa hẳn là đức tính cao thượng trên thế gian này. Dùng đức hạnh để xoa dịu sự tức giận, và không dùng cái ác để trị ác, mà dùng từ bi để cảm hóa kẻ thù, đó mới là cảnh giới của sự tu dưỡng.

nguoi-co-the-tha-thu-cho-ke-thu-la-bac-quan-tu-lam-nen-dai-su-2

Trong cuộc sống, dù bạn là ai, làm nghề nghiệp gì, nỗ lực ra sao, dường như đều không tránh khỏi bị ai đó đối xử bất công, lợi dụng, thù ghét, chà đạp. Nếu chúng ta "lấy oán trả oán" thì oán hận sẽ chất chồng, càng ngày càng không gỡ ra được. 

Người xưa tin vào thiện ác báo ứng, rằng mỗi một sự việc xảy đến với con người đều có duyên do. Nếu không phải là ta đã từng ức hiếp họ trong quá khứ, thì đời này họ chẳng thể tìm ta đòi nợ. 

Chỉ khi con người có thể buông bỏ nỗi bất bình, oán giận trong tâm, từ đó lấp đầy trái tim bằng lòng yêu thương và cảm ân, đây cũng là quá trình ta kết toán nợ nần, hoá giải ác duyên, khiến sinh mệnh bản thân được nhẹ nhàng, thăng hoa.

Tha thứ không phải là điều dễ thực hiện, đặc biệt khi một người bị tổn thương, bị bóc lột, dường như đây là điều không đơn giản. Thế nhưng, nếu ta không tìm cách tha thứ cho người khác, chính ta sẽ chôn sâu những sân hận và nỗi sợ hãi trong tim mãi mãi.

Cổ nhân từng nói: "Lấy oán báo oán, oán oán trập trùng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan". Đây là đạo lý còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Quả thực, người có thể tha thứ, cứu cả kẻ thù của mình thì tâm đủ rộng để gánh vác việc lớn.

Xem thêm: Cổ nhân dạy: Tha thứ là một loại trí tuệ cần tu dưỡng, cũng là cách tạo phúc báo cho mình

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận