Nghịch lý cuộc đời: Chúng ta hào phóng với người giàu nhưng lại keo kiệt với người nghèo

Xoay quanh câu chuyện mua dừa vẫn là những luồng quan điểm khác nhau, chưa có hồi kết. Rất khó để phân định ai đúng ai sai.

Loan Nguyễn
06:00 24/06/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Câu chuyện bày tỏ quan điểm con người dễ dàng hào phóng với người giàu nhưng lại keo kiệt với người nghèo thường xuyên được chia sẻ trên mạng xã hội. Dù là hình thức khác nhau, khi là "từ chối cho người ăn xin vài nghìn tiền lẻ nhưng lại sẵn sàng bo tiền thừa khi đi siêu thị", lúc thì "kỳ kèo mặc cả từng nghìn đồng khi đi chợ nhưng bỏ vài triệu đi nhậu"...

Mới đây, trên một diễn đàn mạng đã chia sẻ câu chuyện mua dừa:

Một cô gái hỏi: "Bao nhiêu tiền 1 trái dừa vậy ông?"

Ông già bán dừa trả lời cô gái: "Thưa cô, 10 ngàn 1 trái."

Cô gái nói: "Bán cho tôi 2 trái 15 ngàn được chứ, không được tôi đi chỗ khác".

Người bán dừa trả lời: "Cô lấy đi, 15 ngàn 2 trái. Tôi nghĩ như vậy cũng tốt rồi bởi vì cả ngày nay tôi chưa bán được cho ai cả".

Cô gái lấy 2 trái dừa và bỏ đi với cảm giác của một người chiến thắng.

Cô ấy cùng bạn tới một quán ăn sang trọng. Hai cô gái ngồi xuống bàn và gọi những thứ họ thích. Họ chỉ ăn một ít và để lại rất nhiều thứ mà họ gọi ra.

Sau đó cô ta thanh toán hóa đơn. Hóa đơn là 950 ngàn, cô gái đưa 1 triệu và nói với ông chủ quán: "Khỏi trả lại tiền thừa".

nghich-ly-hao-phong-voi-nguoi-giau-keo-kiet-voi-nguoi-ngheo-1

Bên dưới bài chia sẻ về câu chuyện mua dừa, rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Người thì đồng tình, khẳng định đúng là có nghịch lý như vậy ngoài đời. Họ chỉ trích những người keo kiệt như trong câu chuyện trên và cho rằng việc mặc cả để bớt được vài nghìn đồng từ người bán rong không giúp hãnh diện hơn.

"Tôi thấy nhiều người rất phân biệt đối xử. Với người "cùng đẳng cấp" hoặc "thượng đẳng", họ bỏ qua cái tôi, họ thể hiện như mình cũng giàu có vì sĩ diện. Còn với những người "kém đẳng cấp" hơn, họ lại tỏ ra khinh miệt mà không màng đến sự vất vả của người ta. Bớt 5 - 10 nghìn với mình là được lợi ít, nhưng họ thiệt nhiều, bằng mấy chục % giá trị hàng hóa rồi đó!", Phương Lam nhận định.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng không nên đơn giản quy chụp cách ứng xử đó là hào phóng hay keo kiệt, vì việc mặc cả khi đi chợ và tip cho nhân viên ở nhà hàng là hai vấn đề không tương đương.

Hoài Anh bày tỏ quan điểm: "Việc mặc cả khi mua hàng là đương nhiên, thuận mua vừa bán, không phải trả giá thì là keo kiệt từng đồng. Nhất là khi người bán nói giá cao chẳng nhẽ không được quyền trả giá?".

"Nhà hàng đắt vì họ bán dịch vụ, những thứ bạn mua ở nhà hàng không chỉ là món ăn nước uống mà là chỗ ngồi sạch sẽ mát mẻ, wifi vù vù, được phục vụ chu đáo và cũng thể hiện đẳng cấp của bản thân", Tuấn Khang đưa ra nhận định.

nghich-ly-hao-phong-voi-nguoi-giau-keo-kiet-voi-nguoi-ngheo-2

Nickname Thu Hoài cho rằng: "Bài viết chưa phản ánh đúng bản chất của sự việc. Bởi vì hành động tip cho người phục vụ là thái độ cảm ơn vì đã được phục vụ chu đáo. Còn việc mặc cả với người bán hàng là hành vi giữa người mua và người bán. Đừng bao giờ cho rằng người bán hàng ven đường là người nghèo và chưa chắc chủ nhà hàng đã là người giàu có, nhất là trong thời buổi dịch bệnh này. Tốt nhất cứ hành xử bằng cái tâm của mình là được".

Câu chuyện mua dừa như trên khá quen thuộc nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao lại như vậy chưa? Tại sao chúng ta luôn hào phóng với những người thậm chí không cần đến sự hào phóng của chúng ta? Tại sao chúng ta tỏ ra quyền lực với những người nghèo khó?

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người sẵn sàng tip tiền cho người phục vụ trong các hàng quán mà lại mặc cả từng đồng lẻ khi mua một mớ rau, một quả dừa của người bán hàng lam lũ.

Có lần tôi đọc được ở đâu đó một câu chuyện: “Bố tôi có thói quen mua những thứ đồ nho nhỏ với giá cao từ những người nghèo khó, mặc dù ông không hề cần đến. Thỉnh thoảng ông thậm chí còn trả thêm tiền cho chúng. Tôi bắt đầu để tâm đến hành động này và hỏi bố tại sao lại làm như vậy? Bố tôi bèn nói: “Đó là quỹ từ thiện được bao bọc bởi phẩm giá, con yêu ạ”.

Xoay quanh câu chuyện mua dừa vẫn là những luồng quan điểm khác nhau, chưa có hồi kết. Rất khó để phân định ai đúng ai sai. Còn bạn, bạn cảm thấy thế nào về câu chuyện trên?

Xem thêm: Đời người có 3 kiểu: Người nghèo giả giàu, người giàu giả nghèo, chỉ có kiểu thứ 3 mới thực sự là khôn ngoan nhất

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận