Múc nước bằng giỏ tre - câu chuyện ý nghĩa kiếp nhân sinh
Ông nội đưa cho cháu trai chiếc giỏ tre rồi bảo ra sông gần nhà lấy nước. Ẩn sau đó là bài học sâu sắc về kiếp nhân sinh mà người ông dạy cho đứa cháu.
Chuyện múc nước bằng giỏ tre
Đứa cháu khi thấy ông nội mỗi sáng đều đọc một cuốn sách cổ nên cũng bắt chước. Một ngày, cháu trai hỏi ông: "Ông ơi, cháu đã cố hết sức để đọc nó một cách kỹ lương nhưng sau một thời gian cháu lại quên. Vậy mỗi ngày dậy sớm để đọc cuốn sách này làm gì ông?".
Ông nội nghe cháu trai hỏi vậy thì chỉ mỉm cười, không nói lời nào. Ông lặng lẽ đi vào bếp mang ra một chiếc giỏ gác trên bếp, nói với cháu trai: "Cháu hãy dùng chiếc giỏ này để đi lấy nước từ dòng sông gần nhà nhé!".
Nghe lời ông, đứa cháu mang giỏ ra sông lấy nước nhưng về đến nhà thì nước đã bị rỉ ra hết.
Ông nội căn dặn cháu: "Lần sau cháu đi nhanh hơn nhé!". Cháu trai nhỏ nghe lời ông nội chạy ra ngoài sông múc nước lần thứ hai.
Dù đứa trẻ đã cố gắng chạy nhanh hơn lần trước nhưng nước trong giỏ vẫn bị rỉ ra ngoài. Khi về đến nhà thì không còn hạt nước nào.
Cháu trai lúc này bắt đầu thiếu kiên nhẫn và nổi nóng: "Cháu không thể lấy được một giỏ tre bằng nước, cháu chỉ có thể lấy nước bằng một cái xô".
Ông nội nói: "Ông muốn một giỏ nước, không phải một cái xô. Con vẫn chưa cố gắng hết sức". Lần này ông nội giám sát cháu trai đi lấy nước và cháu trai đã thử lại.
Việc lấy nước từ giỏ tre vốn là nhiệm vụ bất khả thi nhưng cậu bé vẫn muốn ông thấy là cậu đã cố gắng hết sức mình.
Đứa trẻ dìm chiếc giỏ xuống sông và nhanh chóng nhấc lên rồi chạy về nhà nhưng cái giỏ vẫn hết nước.
Cậu bé thở hổn hển và nói với ông nội: "Ông ơi, ông mau nhìn này, nó hoàn toàn vô dụng!".
Ông nội liền nói với đứa cháu nhỏ: "Nếu con nghĩ điều đó là vô nghĩa, thì con hãy thử nhìn vào cái giỏ xem".
Đứa cháu nhìn vào cái giỏ thật kỹ thì nhận ra đúng là cái giỏ khác với khi nó cầm trên tay lần đầu tiên. Lúc ông mới đưa cho nó chỉ là cái giỏ chứa đầy bụi bếp. Giờ đây, sau vài lần nó múc nước ở dưới sông thì giỏ đã trở nên sạch sẽ và mới hơn.
Giờ đây, ông nội mới giải đáp thắc mắc của cháu về chuyện đọc sách cổ. Ông nói: "Con à, con có thể không hiểu hoặc không nhớ những gì trong sách cổ viết nhưng khi con đọc nó. Tuy nhiên, những thay đổi từ bên trong trái tim con sẽ hiển hiện ra bên ngoài một cách tinh tế như: khuôn mặt con, cách con hành xử, phong thái con làm việc… Không có việc gì là vô dụng trên thế giới này! Giống như việc múc nước bằng giỏ tre vậy".
Kinh nghiệm là thứ quý giá
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, không có kinh nghiệm nào là vô dụng và cũng không có công việc nào là vô ích. Những điều bạn đã làm, dù là thất bại hay thành công, đều giúp bạn tích lũy những kinh nghiệm. Mọi sự việc dù tốt hay xấu đều cho ta kinh nghiệm vô cùng quý giá giúp ta đạt thành tựu và trải nghiệm kiếp nhân sinh của bản thân.
Edison sau khi thử nghiệm nhiều lần thất bại đã có câu nói để đời: "Tôi đã không thất bại, tôi chỉ tìm ra 10.000 cách không hiệu quả".
Có câu: Thất bại là mẹ của thành công. Khi chúng ta học hỏi từ thất bại, và không ngừng tìm hiểu lý do cho mỗi thất bại, cuối cùng sẽ tìm ra con đường dẫn đến thành công.
Người thành công không đặc biệt hơn chúng ta, chỉ là họ biết chấp nhận thất bại, đối mặt với nó, không gục ngã và có thái độ tích cực. Chính sau những lần thất bại là sự tích lũy của bản thân càng khiến người đó thêm trưởng thành và kiên cường.
Ai cũng mong muốn mình có được cuộc sống bình yên, không ưu phiền nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng được như ước muốn. Sẽ có những sóng gió, những lần mạo hiểm, thậm chí những thử thách không tìm được lối thoát. Nhưng chính nghịch cảnh cuộc đời giúp mỗi chúng ta biết trân trọng cuộc sống, gia đình, công việc. Mỗi chuyện xảy đến với bạn trong cuộc sống đều có lý do và đều mang lại những ý nghĩa của nó, hãy bình thản đón nhận, thuận theo tự nhiên mà sống.
Xem thêm: Chuyện 4 vỏ sò đổi lấy con búp bê đắt tiền: Niềm tin về lòng tốt trong cuộc sống
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận