Câu chuyện con ếch và nồi nước sôi: Người không chịu thay đổi sớm muộn cũng bị đào thải
Cuộc sống luôn có những thử thách, đòi hỏi con người phải thay đổi và thích nghi. Thành công không đến với những người "dậm chân tại chỗ", bạn buộc phải hành động thay vì chỉ đứng nhìn.
Câu chuyện con ếch và nồi nước sôi
Câu chuyện nổi tiếng về sự thay đổi được nhiều người chia sẻ đó chính là chuyện con ếch trong nồi nước sôi.
Ban đầu, chú ếch được thả vào nồi nước lạnh không đậy vung rồi được đặt lên trên bếp. Chú ếch không hề có phản ứng gì. Dần dần, nhiệt độ của nước tăng lên khiến chú ếch thích nghi mà không hề nhận ra sự thay đổi.
Nồi nước sau đó càng nóng dần lên mà chú ếch vẫn không hề hay biết. Chính sự thay đổi từ từ của nhiệt độ khiến chú mất đi sự cảnh giác. Đến lúc nước sôi thì ếch mới nhận ra được sự không thoải mái. Lúc này đã quá muộn, chú ếch đã bị luộc chín trong nồi nước.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, nồi nước nóng lên từ từ khiến chú ếch không để ý đến, để rồi cái kết là bị chết trong nồi nước sôi. Giả sử ban đầu chú ếch được thả vào nồi nước sôi thì có lẽ chú đã sớm nhận ra và cố vùng vẫy khỏi cái nổi đã nhảy ra ngoài cho bằng được.
Trong cuộc sống, chúng ta quen với những công việc thường ngày và không hề muốn thay đổi. Thậm chí, đa số con người sợ sự thay đổi, sợ bắt đầu tiếp nhận một điều gì mới mẻ. Quy luật của cuộc sống là sự thay đổi mỗi ngày mỗi giờ. Nếu chúng ta không chú ý đến những thay đổi thì không thể nào xoay chuyển được tình thế.
Khi phải gặp bước ngoặt bắt buộc phải thay đổi, chúng ta cuống lên và tìm cách trốn tránh. Lúc này, ta rất khó có thể đối diện được với sự thay đổi, càng khó chấp nhận được nó.
Bài học thay đổi từ ông chủ Uniqlo
Ông chủ của Uniqlo Tadashi Yanai nổi tiếng với câu nói: "Thay đổi hay là chết". Ông là người luôn đề cao sự cải tiến chất lượng sản phẩm, nhờ đó đã lãnh đạo công ty của mình không ngừng sáng tạo.
Ông Yanai rất coi trọng nguyên tắc thay đổi để phát triển. Trước văn phòng làm việc của ông ở Akasaka (Tokyo), có dán tờ giấy đóng khung rất trịnh trọng, nội dung trên đó là dòng chữ tiếng Anh "Change or Die".
Người đứng đầu Uniqlo nhấn mạnh: "Các công ty Nhật khác cổ vũ cho toàn cầu hóa nhưng một số vẫn giữ cách làm cũ. Mỗi một người trong chúng ta cần phải theo đuổi cách nghĩ "thay đổi hay là chết", nếu không chúng ta sẽ không thể có tương lai".
Được biết, rất nhiều lần ông đã phải đối mặt với thử thách và buộc phải lựa chọn giữa "thay đổi hay là chết".
Yanai thừa kế các cửa hàng quần áo nam của cha mẹ mình tại Ube, một thị trấn nhỏ ở Yamaguchi. Thời điểm ông tiếp quản, công việc kinh doanh tại cửa hàng gặp rất nhiều khó khăn. Ở Nhật khi đó đang có sự bùng nổ của các trung tâm công nghiệp mới thu hút khách hàng. Nếu ông không đi theo công ty sẽ không thể tồn tại. Năm 1984, ông đã quyết định mở một cửa hàng ở Hiroshima, đặt tên là Unique Clothing Warehouse, sau đó một năm thì gọi tắt là Uniqlo.
Tỷ phú Jack Ma: Hãy hành động thay vì chỉ đứng nhìn
Khi được hỏi về bí mật dẫn đến thành công, Jack Ma chia sẻ: "Đơn giản lắm, tôi hành động còn bạn chỉ đứng nhìn. Đôi khi giải pháp tốt nhất lại chỉ đến từ câu trả lời cực kỳ đơn giản: xắn tay áo vào mà làm.
Đừng chỉ đứng nhìn người thành công ngày càng thành công, hãy tự làm việc để gặt hái thành công của chính mình. Khi bạn biết mình phải làm gì, thì hãy làm ngay. Nếu không, người khác sẽ làm mất.
Xin hãy nhớ rằng thế giới đang thay đổi từng ngày. Nếu bạn không thay đổi, bạn sẽ tụt hậu. Gieo gì, gặt nấy. Nếu dành thời gian nhậu nhẹt thì bạn biến thành bợm rượu, nếu dành thời gian than vãn thì bạn trở thành kẻ quen thói kêu ca. Nếu dành thời gian làm đẹp bản thân thì bạn sẽ trở nên xinh đẹp hay bảnh trai.
Nếu dành thời gian để sống lành mạnh, bạn sẽ có cuộc sống lành mạnh. Nếu dành thời gian kén chọn, bạn sẽ trở thành một người xấu tính. Nếu dành thời gian học hành, bạn sẽ trở nên thông tuệ. Nếu dành thời gian cho gia đình, bạn sẽ vun vén được tình cảm ấm áp, yêu thương cùng người thân".
Cuộc sống luôn thay đổi từng giây phút, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Thứ đáng sợ nhất ở đời không phải là thử thách hay sự thay đổi mà chính là sự đứng yên, tư duy dậm chân một chỗ. Thành công sẽ không đến với những người đứng yên một chỗ, bạn buộc phải bắt tay vào hành động, dù có thể đó là thất bại.
Đặt bản thân trong sự tỉnh táo, quan sát mọi thứ đang diễn ra. Đừng bao giờ quên việc chuẩn bị tâm thế cho sự thay đổi.
Với những thay đổi đang diễn ra, hãy đối diện, chấp nhận và bình tĩnh để có sự thích nghi phù hợp. Trực giác của con người có thể giúp phán đoán về sự thay đổi trong tương lai gần. Người biết lường trước và chủ động hành động sẽ luôn biết nắm bắt cơ hội để thành công.
Xem thêm: 4 đặc điểm "chuẩn không cần chỉnh" giúp phán đoán tương lai người đàn ông giàu hay nghèo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận