Bà lão nghèo ăn trộm bánh mì và cách xét xử nhân văn của thẩm phán khiến ai nấy đều nể phục

Đằng sau hành động ăn trộm bánh mì của bà lão nghèo là câu chuyện vô cùng xúc động. Tuy nhiên, cách xét xử đầy nhân văn của vị thẩm phán phiên tòa khiến nhiều người bất ngờ và nể phục.

Loan Nguyễn
14:00 08/08/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đây là câu chuyện có thật về Fiorello LaGuardia - thị trưởng thành phố New York - người được ca ngợi là "ngài thị trưởng vĩ đại nhất" trong lịch sử nước Mỹ.

Vào năm 1935 được coi là thời điểm nền kinh tế nước Mỹ vô cùng khó khăn. Những ngày mùa đông, không khí ảm đạm bao trùm thành phố New York. Đây là nơi cư ngụ của những đứa trẻ lang thang, những mảnh đời vất vưởng và những gia đình túng thiếu không đủ ăn.

Giữa tháng 1/1935, phiên tòa xét xử bà lão vì ăn cắp một ổ bánh mì được tổ chức trong đêm đông tại khu phố nghèo nhất New York.

Ông Fiorello LaGuardia, ngài thị trưởng đáng kính của thành phố đảm nhận vị trí thẩm phán của phiên tòa. Dưới bục là một bà lão đã gần 60 tuổi. Bộ dạng của bà với quần áo cũ rách, dáng vẻ sầu não, gương mặt tiều tụy hiện lên vẻ xấu hổ. 

Ngài thị trưởng Fiorello LaGuardia, đồng thời là quan tòa hỏi: "Bị cáo, bà bị tố là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?"

Bà lão cúi mặt xuống, ấp úng thừa nhận: "Vâng thưa quan tòa, tôi thật sự đã lấy trộm".

ba-lao-ngheo-an-trom-banh-mi-va-cach-xet-xu-nhan-van-cua-tham-phan-1

"Vì sao bà lại lấy trộm? Có phải vì bà đói bụng không?", quan tòa lại hỏi.

"Thưa quan tòa, tôi đã rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy", bà lão trả lời. 

Bà lão bật khóc trình bày: "Đứa con rể của tôi đã bỏ ra đi, còn con gái tôi thì ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì này để nuôi hai đứa trẻ đang chết đói… Chúng thực sự rất đói…".

Nghe lời bà lão nói, cả phòng xử án vang lên tiếng xì xào bàn tán.

Ngài thị trưởng nhìn khắp phòng một lượt, thở dài rồi nói với bà lão: "Bị cáo, tôi sẽ phải xử phạt bà, luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ với bất kỳ cá nhân nào. Bà phải nộp phạt 10 đô-la hoặc bị giam 10 ngày trong tù. Bà chọn cái nào?".

Bà lão cảm thấy bế tắc tột cùng, nói với ngài thị trưởng: "Thưa quan tòa, tôi xin bằng lòng chịu phạt. Nếu tôi có 10 đô-la thì đã không lấy cắp bánh mì. Vậy tôi xin được giam 10 ngày. Nhưng còn đứa con gái và hai đứa trẻ, ai sẽ chăm sóc chúng đây?".

Ngài thị trưởng khẽ mỉm cười và rút trong túi ra 10 đô-la và bỏ vào chiếc mũ của mình, rồi nói: "Đây là 10 đô-la tiền phạt, bà đã được tự do!" 

Ông hướng cặp mắt về phía những người tham dự phiên tòa, đưa ra quyết định: "Và bây giờ, mong các vị hãy nộp 50 xu tiền phạt. Tiền phạt để trừng phạt cho sự hờ hững của chúng ta, vì đã để một bà lão khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa trẻ đang chết đói. Ngài Baliff, hãy đi thu tiền phạt và đưa tất cả cho bị cáo".

Quyết định của vị thẩm phán khiến tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa bất ngờ. Trong phút chốc, tất cả mọi người lặng lẽ đứng dậy, lấy ra 50 xu và bỏ vào chiếc mũ của ngài thị trưởng.

Ngày hôm sau, sự việc này được các tờ báo của thành phố New York đồng loạt đưa tin: 47,5 đô-la tiền phạt đã được trao cho một bà lão nghèo khổ, từng ăn cắp bánh mì để nuôi những đứa cháu đang chết đói của mình. Ngay cả người chủ lò bánh mì, cũng như các quan khách và cảnh sát trong thành phố, đều sẵn lòng nộp phạt 50 xu…

ba-lao-ngheo-an-trom-banh-mi-va-cach-xet-xu-nhan-van-cua-tham-phan-2

Ngài thị trưởng Fiorello LaGuardia đã đưa New York vượt qua những tháng ngày đen tối nhất của cuộc Đại khủng hoảng. Ông được người dân New York yêu mến gọi bằng cái tên "Bông hoa bé nhỏ" vì chiều cao khiêm tốn 1,57m và cái tên Fiorello (trong tiếng Ý, "Fiorello" nghĩa là "bông hoa nhỏ"). 

Ông cũng là người từng lái xe cứu hỏa xông vào các đám cháy lớn, từng đưa trẻ mồ côi ra sân chơi bóng chày, và khi các tờ báo của New York đình công, cũng chính ông bước lên đài phát thanh để đọc "truyện cười ngày Chủ Nhật" cho các em nhỏ.

Lời bàn

Cách xử lý của vị thẩm phán trong câu chuyện trên quả thật khiến nhiều người bất ngờ và nể phục về sự nhân văn, thấu hiểu hoàn cảnh người khác và tình người của ông.

Cuộc sống muôn màu, mỗi người trong số chúng ta có một hoàn cảnh khác nhau. Không phải ai cũng đủ cơm ăn áo mặc, khỏe mạnh để làm việc kiếm tiền. Do đó, sống ở đời, chúng ta cần biết chia sẻ, giúp đỡ những người bất hạnh có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Thiên tài Albert Einstein từng nói: "Thế giới không bị hủy diệt bởi những kẻ làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả".

Ngài thị trưởng Fiorello LaGuardia đã đứng lên để "trừng phạt" cho sự lãnh đạm và vô tình của những người có mặt trong phiên tòa. 

Quả thực, sự thờ ơ và vô cảm trước nỗi đau khổ của người khác, dù không trực tiếp gây thương tổn, nhưng để lại vết thương lòng cho người trong cuộc.

Chỉ có tình thương và lòng nhân ái mới đem lại hơi ấm và khiến con người xích lại gần nhau hơn. Tiền bạc, vinh quang, hay danh vọng không thể đem lại hạnh phúc, mà chỉ có hơi ấm tình người mới giúp chúng ta vững bước trên đường đời.

Xem thêm: Chuyện mất tiền tại lớp học và cách xử lý nhân văn của thầy giáo khiến ai nấy đều nể phục

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận