Nguồn gốc và ý nghĩa của việc cúng chim đại bàng trong Phật giáo

Khó khăn, thử thách trong cuộc sống của con người cũng giống như cuộc đời của một chú chim đại bàng. Trong chúng ta, bao nhiêu người tự "nhổ từng chiếc lông", tự "đập gãy mỏ", để có một cuộc đời mới như đại bàng? Cúng đại bàng là một nghi thức trong Phật giáo Bắc tông. Nghi thức có ý nghĩa trước hết là lòng từ bi có thể cảm hóa được các thế lực xấu ác.

Hoa Nguyễn
14:44 19/01/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cuộc đời của chim đại bàng, chịu 150 ngày đau đớn để tái sinh

Đại bàng là loài chim có tuổi thọ cao nhất, cuộc đời của chúng có thể kéo dài tới 70 năm. Tuy nhiên một con chim đại bàng thông thường chỉ sống được khoảng 40 năm. Để sống được quãng đời dài nhất, chim đại bàng phải phải vượt qua một giai đoạn khó khăn đau đớn. 

Khi một con chim đại bàng sống đến năm 40 tuổi, móng vuốt của nó dài ra và không còn linh hoạt để quắp mồi được nữa. Chiếc mỏ dài và sắc sẽ cùn đi, cong lại. Đôi cánh già nua, nặng nề, lông mọc dài bết dính vào nhau khiến cho nó không thể bay lượn săn mồi. Lúc này chim đại bàng sẽ phải đứng trước 2 lựa chọn: Một là chịu chết, hai là phải vượt qua một quá trình biến đổi đau đớn kéo dài 150 ngày để có thể tiếp tục là chúa tể bầu trời.

nguon-goc-va-y-nghia-cua-
Đến năm 40 tuổi, đại bàng sẽ phải đối mặt với 2 lựa chọn

Trong quá trình lột xác, đại bàng bay lên một đỉnh núi cao và gõ mỏ vào đá cứng cho đến khi mỏ cũ gãy rời ra. Đại bàng phải chờ mỏ mới mọc trở lại, rồi dùng mỏ bẻ gãy các móng vuốt cũ đã mòn. Giống như móng tay của con người, mỏ đại bàng cũng liên tục phát triển. Nó cọ mỏ vào vách đá để mỏ thêm cứng và sắc. Chiếc mỏ cứng cáp đó sẽ theo đại bàng suốt quãng đời còn lại.

Sau đó, con chim dùng mỏ nhổ hết lớp lông đã già trên mình. Đối với loài chim, không có lông, không có mỏ, chúng sẽ phải chịu đói vì không thể bay lượn và săn mồi. Quá trình nhổ lông cũng khiến đại bàng phải chịu nhiều tổn thương, đau đớn, thậm chí là mất mạng. Nhưng nếu vượt qua được, 5 tháng sau đại bàng mới có thể bay lượn với bộ cánh mới, đón chào một cuộc đời mới một lần nữa.

Cuộc tái sinh của chim đại bàng giống như câu chuyện về một loài chim huyền thoại. Nhưng điều chúng ta bàn tới không phải vòng đời của một loài chim mà là quá trình "tái sinh" đầy đau đớn của đại bàng cũng giống như những sóng gió mà con người gặp phải trong cuộc đời. Mỗi chúng ta muốn được bước sang một trang mới với cuộc đời mới cần phải dám đương đầu với khó khăn thử thách.

Cuộc sống luôn biến đổi và có những điều bất ngờ nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Để tồn tại và phát triển, chúng ta phải bắt đầu quá trình thay đổi, thích ứng với hoàn cảnh. Đôi khi, chúng ta phải loại bỏ những kí ức, thói quen cũ. Chỉ khi thoát khỏi gánh nặng của quá khứ, chúng ta mới có thể sống hết mình với hiện tại.

Con người sinh ra không thể tránh khỏi những lúc thất vọng, đau khổ, vấp ngã. Bởi vậy, để tồn tại và phát triển được chúng ta phải đối mặt với mọi vấn đề, thích nghi và xử lý chúng. Muốn đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải dũng cảm chấp nhận đau đớn, sửa cái tôi, sửa những thói quen tập tính để vượt qua chính bản thân mình. Khi bạn đã chịu đựng được nhiều thử thách, đau khổ, bạn sẽ được tái sinh và tiếp thêm năng lượng cho một hành trình mới cao hơn, xa hơn.

Khó khăn trong cuộc sống cũng là những thử thách, đôi khi chúng còn mang tính chất sống còn. Trong chúng ta, bao nhiêu người dám thử "đập gãy mỏ", "tự nhổ từng chiếc lông" để làm một cuộc tái sinh như đại bàng?

Việc tu học cũng vậy, trải qua khó khăn và làm mới bản thân với lý tưởng giác ngộ, thực hành nghiêm giới luật, ngày đêm thúc liễm thân tâm để ngày càng tinh tấn trên con đường học đạo. Để đạt đến chân lý, người Phật tử phải tự rèn luyện, tự tu học với chánh pháp của Đức Phật. Tu chính là sửa, câu chuyện về loài chim đại bàng càng cho ta thấy để đạt đến mục tiêu giác ngộ thì càng phải quyết chí tu học và phải trải qua biết bao gian khổ ta mới có thể đạt đến mục tiêu rốt ráo đó.

Nguồn gốc của nghi thức cúng chim đại bàng trong Phật giáo

Theo sách xưa ghi lại, một ngày Đức Phật đi du hóa gặp một con chim Đại Bàng bắt các loài chim nhỏ ăn thịt. Chim Đại Bàng này có chiều kích rất lớn, mỗi lần há miệng, tất cả các loài chim nhỏ đều bị cuốn hút vào miệng nó. Thấy việc sát sanh quá nhiều nên Đức Phật đã từ bi giáo hóa. Ngài dạy rằng “tất cả chúng sanh đều ham sống sợ chết, do đó chớ giết và chớ bảo giết”. Chim Đại Bàng tự nghĩ: “Thực phẩm hằng ngày của mình là thịt sống của các loài chim, nay Phật không cho ăn, lấy gì để nuôi thân mạng này”.

nguon-goc-va-y-nghia-cua-
Chim đại bàng được xem là chúa tể của bầu trời

Phật dạy: “Từ đây về sau ngươi về chùa nào gần nhất để quý Tăng Ni cho ăn” có nghĩa là chư Tăng Ni trước khi thọ trai phải trích một phần nhỏ thức ăn sẻ chia cho chúng. Mục đích là để giúp cho các loài này sau khi đã từ bỏ tà pháp khỏi bị đói khát bức bách mà phải trở lại đường ác. Đó là duyên khởi của nghi thức Xuất sanh.

Bài kệ cúng Đại bàng là:

Đại bàng kim sí điểu

Khoáng dã quỷ thần chúng

La-sát, quỷ tử mẫu

Cam lồ tất sung mãn

Án mục đế tóa ha.

Nghĩa:

Chim đại bàng cánh vàng

Chúng quỷ thần hoang dã

La-sát, quỷ tử mẫu

Cam lồ đều no đủ.

Ý nghĩa của nghi thức cúng chim đại bàng

Trước hết chúng ta nhìn thấy được lòng từ bi có thể cảm hóa được các thế lực xấu ác. Qua bài kệ Xuất sanh, chúng ta thấy rõ được tinh thần cơ bản của đạo Phật: Chỉ có lòng từ bi mới giải tỏa được oán thù để chuyển hóa người ác thành thiện. Đức Phật không vì thương rồng, bảo vệ rồng mà tiêu diệt loài kim sí điểu. Không vì yêu quý trẻ thơ mà tàn hại quỷ tử mẫu. Bởi vì với tuệ giác, Đức Phật thấy rằng bạo lực không thể nào giải quyết được vấn đề mà chỉ tạo ra oán thù, oan oan tương báo không bao giờ chấm dứt. Ngài dạy rằng “Tất cả chúng sanh đều ham sống sợ chết, do đó chớ giết và chớ bảo giết”.

nguon-goc-va-y-nghia-cua-
Bao nhiêu người đủ can đảm để "đập gãy mỏ", "tự nhổ từng chiếc lông" để tái sinh như đại bàng?

Trong kinh Pháp cú có ghi: “Oán thù diệt oán thù, đời này không thể có, từ bi diệt oán thù, là định luật ngàn thu”. Muốn diệt trừ tận gốc rễ oán thù không thể đứng về một phía. Chỉ có lòng từ bi vô lượng, vô biên mới làm cho các oan gia trái chủ thức tỉnh, sám hối lỗi lầm của mình mà quay về chánh đạo. Khi lấy bảy hạt cơm bỏ vào trong chén nước nhỏ, chư Tăng Ni đem tâm từ bi kiết ấn cam lồ, thành tâm chú nguyện bài kệ:

Pháp lực bất tư nghì

Từ bi vô chướng ngại

Thất lạp biến thập phương

Phổ thí châu sa giới.

Nghĩa:

Pháp lực không nghĩ bàn

Từ bi chẳng chướng ngại

Bảy hạt biến mười phương

Cho khắp vô lượng cõi.

Ở đây không chỉ là “do nguyện lực thần chú của Phật mà bảy hạt cơm kia sẽ biến thành cam lồ pháp nhũ khiến cho loài đại bàng ăn no đủ” mà còn là sự lan tỏa của tâm từ. Lòng từ bi có sức mạnh rất phi thường, có thể làm ấm lại những tâm hồn giá lạnh cũng như làm mềm những trái tim sắt đá nhất. Lịch sử tôn giáo đã ghi lại không biết bao nhiêu trường hợp cái xấu ác bị khuất phục bởi tình thương. Trường hợp Đức Phật cảm hóa Vô Não là một điển hình.

Có người thắc mắc rằng tại sao nghi thức cúng đại bàng lại chỉ cúng bảy hạt cơm, liệu có thể làm no đủ loài đại bàng? Theo như trong bài kệ ghi rằng “Pháp lực khó nghĩ bàn, từ bi vô giới hạn, bảy hạt biến mười phương, biến khắp cõi vô biên”. Các Hòa Thượng cũng dạy rằng do nguyện lực của thần chú của Phật mà bảy hạt cơm kia sẽ biến thành cam lồ pháp nhũ khiến cho loài Đại Bàng ăn no đủ, nhờ lực gia trì của thiện niệm.

Việc cúng chim Đại bàng còn có ý nghĩa nữa là muốn cho người ta không phạm tội thì trước hết phải đảm bảo được cho họ điều kiện sống cơ bản. Để giúp cho họ sau khi đã từ bỏ tà pháp sẽ không còn quay trở lại con đường bất chính nữa.

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận