Tiếng la hét trong căn nhà cấp 4 và nỗi đau của nữ sinh nghèo phải dùng xích sắt trói mẹ

Bệnh tâm thần nặng khiến người mẹ tâm thần không làm chủ được hành động, la hét suốt ngày. Cô nữ sinh tên Tuyên đành gạt nước mắt mua xích trói chân mẹ trên giường.

Đỗ Thu Nga
4 ngày trước Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tiếng la hét trong căn nhà cấp 4

Len lỏi theo con đường nhỏ đầy bùn đất và cỏ dại ở cuối thôn Đoàn Kết, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đến căn nhà nhỏ của gia đình em Đinh Thị Tuyên (SN 2006).

Từ đầu ngõ, chúng tôi đã nghe thấy tiếng la hét, gào khóc phát ra từ trong căn nhà cấp 4 - nơi Tuyên và người mẹ tâm thần đang nương náu.

Mẹ của Tuyên là chị Đinh Thị Lình (SN 1970), từ nhỏ đã khờ dại với các triệu chứng của bệnh tâm thần. Trước đây, 2 mẹ con Tuyên sống nhờ vào bà ngoại, đến năm 2017, người bà qua đời, mọi gánh nặng đổ dồn lên cô học trò nhỏ, khi đó mới 11 tuổi.

"Ngày nào cũng thế, khi thì bà ấy hét xong lại chửi bới, ném đồ đạc, khi thì khóc lóc. Ngày xưa không biết ở với ai rồi sinh ra bé Tuyên, con bé thiệt thòi đủ thứ, chẳng biết mặt bố, mẹ thì tâm thần, cơ cực không kể xiết", người hàng xóm tâm sự khi dẫn tôi vào căn nhà của Tuyên.

xot-xa-hoan-canh-nu-sinh-ngheo-troi-me-tam-than-tren-giuong
Đây là căn nhà cấp 4 - nơi mẹ con Tuyên sinh sống (Ảnh: Dân trí)

Thấy người lạ đến, chị Lình đang nằm trên giường bỗng chồm dậy, cầm chiếc cốc nhựa ném về phía chúng tôi rồi liên tục chửi bới. Phải đến khi em Tuyên đến bên cạnh vỗ về, người phụ nữ mới bình tĩnh trở lại, ngồi quay mặt vào trong tường rồi trùm chăn kín mít.

Nhẹ nhàng kéo chiếc chăn ra, để lộ đôi chân đang bị trói bằng xích sắt, Tuyên vừa xoa bóp chân cho mẹ, vừa tâm sự: "Cháu phải xích mẹ lại bên giường chứ sơ hở là mẹ bỏ đi, chỉ sợ ra đường gây chuyện với người khác, chưa kể xe cộ, rơi xuống ao hồ nữa. Phải trói mẹ lại thế này, phận làm con sao đành, nhưng cháu không còn cách nào khác cả".

Tuyên chia sẻ thêm, khoảng 5 năm trở lại đây, chị Lình gần như không còn làm chủ được hành vi, thậm chí không nhận ra được con gái. Tuyên có người cậu ruột cũng bị tâm thần, còn những người họ hàng khác đều vất vả nên chẳng giúp được gì cho em.

"Nếu mở xích ra là mẹ chạy đi mất, em không giữ được, từ ăn uống, tắm rửa và cả đi vệ sinh của mẹ đều một chỗ, sau đó em chùi rửa sạch sẽ. Sợ nhất là những lúc mẹ lên cơn, không chịu ăn uống gì, chỉ đòi phá xích sắt, mẹ giật cho trầy xước hết cả chân. Cháu thương mẹ bệnh tật, vừa tủi phận cho cuộc đời của mình", Tuyên tâm sự.

Niềm mơ ước xa vời của cô học trò nghèo

Hoàn cảnh khốn khó, mẹ tâm thần, thi thoảng lại bị bạn bè trêu chọc khiến Tuyên trở nên tự ti, ít nói và sống khép kín. Ngày nào cũng vậy, sau giờ lên lớp, Tuyên lại lầm lũi về nhà để chăm sóc mẹ, lo bữa ăn từng ngày cho 2 mẹ con.

Cuộc sống của Tuyên và mẹ hiện nay chỉ biết nhìn vào số tiền trợ cấp ít ỏi của chị Lình. Để vượt khó, cô học trò nghèo Đinh Thị Tuyên còn trồng rau, nuôi thêm gà, đi gặt lúa thuê, mò cua, bắt ốc để bán… Cũng vì lam lũ mà cô học trò nghèo trở nên đen nhẻm, nhỏ thó.

Gia tài quý giá nhất của Tuyên là con bò được một đơn vị tặng cách đây mấy năm. Tuyên tâm sự, con bò chính là hy vọng để em được đến trường, trung bình mỗi năm, nó sẽ đẻ được 1 chú bê con, bán đi em mới có tiền mua sách vở, quần áo, trang trải việc học tập.

Tuyên đang học lớp 12, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Lệ Thủy, cô học trò nghèo hiểu rõ, muốn vượt qua cái đói, cái nghèo, có điều kiện chạy chữa, chăm lo cho mẹ, học tập chính là con đường duy nhất. Thế nhưng với gia cảnh của Tuyên hiện tại, giấc mơ đó thực sự nằm ngoài tầm với.

"Cháu ước mơ được làm cô giáo, ít ngày nữa là cháu thi tốt nghiệp cấp 3 rồi, cũng muốn vào đại học lắm, nhưng giờ mẹ cháu bệnh tật, tiền chẳng có lấy gì mà đi học hả chú. Mẹ bị như vậy, chẳng có người chăm sóc nên cháu cũng khó mà đi làm thuê, ở quê thì chẳng có việc gì cả", Tuyên buồn bã.

xot-xa-hoan-canh-nu-sinh-ngheo-troi-me-tam-than-tren-giuong-8
Dù rất thương mẹ nhưng Tuyên chẳng còn cách nào khác (Ảnh: Dân trí)

Cô giáo Trần Thị Việt Hà, giáo viên chủ nhiệm của em Tuyên tâm sự, mặc dù chịu nhiều thiệt thòi, gia cảnh vất vả nhưng Tuyên là một học sinh hết sức chịu khó, luôn nỗ lực vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống.

"Trong những năm qua, nhà trường đã động viên, tạo mọi điều kiện để Tuyên đến lớp, bản thân em cũng cố gắng rất nhiều, học lực đủ sức để vào đại học, thế nhưng với hoàn cảnh hiện tại, rất khó để Tuyên theo đuổi ước mơ, tìm con đường có thể thay đổi tương lai, điều này cũng khiến tôi hết sức trăn trở", cô Hà nói.

Ông Nguyễn Hữu Nước, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy, cho hay, gia đình em Tuyên là trường hợp thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn của địa phương.

Theo ông Nước, nhiều năm qua, chính quyền cùng người dân địa phương luôn tạo mọi điều kiện, động viên, giúp đỡ mẹ con Tuyên. Tuy nhiên để Tuyên có cơ hội vào đại học, chăm sóc mẹ tốt hơn thì rất cần sự chung tay, quan tâm từ cộng đồng, tấm lòng của các nhà hảo tâm.

Về tình trạng của chị Đinh Thị Lình, chính quyền địa phương cũng đang nghiên cứu, đề xuất phương án để sớm đưa chị vào trung tâm tâm thần để được chăm sóc, điều trị tốt hơn, không phải chịu cảnh xích, trói, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho em Tuyên.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Địa chỉ: Thôn Đoàn Kết, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

ĐT: 0934.406.352

(Theo Dân trí)

Xem thêm: Cha mẹ nghèo khóc nghẹn vì đã bán sạch nhà mà vẫn chưa cứu được con trai thoát khỏi ung thư

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận