Vì sao mấy người làm chủ ai cũng khó tính?
Đại đa số những người làm chủ đều rất khó tính và cầu toàn. Bởi họ nắm bắt được chân lý, nếu con thuyền lớn mình đang chèo lái mà thủng một lỗ nhỏ thì có thể đắm cả con tàu!
Vào tháng 9/2017, tôi có 1 người chị kinh doanh ngành khách sạn, ghé công ty tôi chơi.
Khi đi ngang chỗ làm việc của 1 bạn, thấy bạn ấy ăn vặt trong giờ làm việc (ở công ty tôi lúc đó cho phép nhân viên ăn uống khi đang làm nếu cảm thấy thiếu năng lượng, tuy nhiên giờ tôi đã cấm tuyệt việc này), và bạn này ăn xong không bỏ rác vào thùng rác góc phòng mà vứt ngay trên bàn.
Chị nói tôi:
“Hùng, sao em không nhắc ngay tụi nó việc nhỏ là ăn xong vứt rác vô thùng rác”.
Tôi:
“Chuyện nhỏ vậy bắt bẽ có khó quá không chị, em tưởng mở công ty lo giải quyết sứ mệnh lớn lao chứ?”.
Chị:
“Lỗ nhỏ đắm thuyền. Việc đơn giản tụi nó làm không xong. Em nghĩ tụi nó sẽ theo em đủ lâu giúp em làm việc lớn được sao? Khi 1 ai đó làm sai, em phải chỉnh liền, em cả nể tình anh em là em chết đó, em vậy là hiền quá”
Bài học đó tôi vẫn nhớ đến bây giờ.
Tôi cũng dần hiểu tại sao làm chủ ai cũng khó tính, cũng cầu toàn từng ly từng tý.
Vì thành công của một tập thể có thể bị phá hỏng bất kỳ lúc nào từ 1 lỗi rất nhỏ của 1 nhân viên.
Như 1 con tàu khổng lồ vẫn có thể bị đắm bởi 1 lỗ nhỏ nếu không ai phát hiện ra kịp thời.
Hiền không cầm được binh, lãnh đạo không nghiêm minh nhân viên khó mạnh
Hiền không cầm được binh, nghĩa không giữ được tài, lãnh đạo không “gấu” nhân viên sẽ không mạnh, vậy nên trong việc dùng người cũng cần đến một chút khắc nghiệt…
Muốn trở thành một người lãnh đạo giỏi thì cần phải có những kỹ năng gì?
Mà muốn làm một cấp dưới tốt, thì lại cần có thái độ như thế nào?
Thực tế rất khốc liệt, không hề dễ dàng chút nào.
1. Người lãnh đạo đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc đối với bạn, mới thực sự là lãnh đạo tốt, mới có thể giúp đỡ bạn trưởng thành.
2. Bất kỳ công ty lớn nào cũng sẽ không tạo cho cấp dưới 100% cảm giác an toàn, họ sẽ dùng biện pháp áp lực, kích phát để nhân viên luôn mạnh mẽ, không ngừng tiến lên.
3. Những công ty mà tạo ra cho cấp dưới 100% cảm giác an toàn chắc chắn sẽ hủy hoại họ.
Bởi vì một người dù tài giỏi đến đâu, nếu sống trong môi trường nhẹ nhàng thoải mái, thì sẽ mất đi tính cầu tiến của mình.
4. Những công ty tìm mọi cách để tận dụng khả năng, khai phát tiềm năng của nhân viên, thì sẽ không ngừng lớn mạnh.
Bởi vì trong môi trường này, mọi người chỉ có hai lựa chọn, hoặc là biến thành sói hoặc bị sói ăn mất.
5. Công ty tạo cảm giác bất an cho nhân viên nhất mới là giúp nhân viên an toàn thực sự, bởi vì như vậy chính là dồn ép họ phải mạnh mẽ, ép họ phải trưởng thành, cũng vì thế mà tiền đồ của họ sẽ tốt hơn.
6. Nếu thật sự yêu mến cấp dưới, thì hãy khảo hạch họ, đòi hỏi họ cao hơn, đặt ra mục tiêu, tiêu chuẩn cao hơn, bức bách họ trưởng thành.
7. Nếu bạn sợ bị ảnh hưởng đến tình cảm, đặt ra mục tiêu thấp, yêu câu thấp thì tương đương với nuôi dưỡng họ thành một đàn cừu nhỏ, một đàn thỏ trắng nhỏ bé đáng yêu, sẽ rất yếu ớt và khó lòng tồn tại được.
Đây mới chính là không có trách nhiệm với cấp dưới, bởi vì nó chỉ có thể cổ vũ cho sự đố kỵ, buông thả và lười biếng của họ.
Cảm ngộ: Giúp cho cấp dưới có được cái nhìn đúng đắn và hoàn thiện phẩm hạnh, khiến họ không ngừng trưởng thành, chính là sự yêu mến của lãnh đạo đối với cấp dưới vậy!
Nếu bạn có người sếp như vậy, thì hãy biết trân trọng nhé!
Trở thành người sếp nghiêm khắc chứ đừng làm người sếp độc tài
Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên chưa bao giờ là hết căng thẳng. Câu chuyện sếp nghiêm khắc hay nhân viên không biết điều luôn là cuộc chiến tranh ngầm trong mỗi doanh nghiệp. Trên cương vị là người lãnh đạo, bạn cần biết ranh giới giữa nghiêm khắc và độc tài là vô cùng mong manh.
Vậy làm sao để không trở thành người sếp độc tài trong mắt nhân viên? Làm sao để nghiêm khắc nhưng vẫn có thể khiến nhân viên vui vẻ phục tùng và giữ được mối quan hệ ôn hòa tại doanh nghiệp? Chúng ta sẽ cùng nhau gỡ rối vấn đề này ngay sau đây.
Hãy là người sếp nghiêm khắc thay vì kẻ cậy quyền
Quyền lực chính là thứ giúp chúng ta phân biệt các vị trí trong một công ty. Và bắt nạt công sở vẫn luôn là cái gai đâm âm ỷ trong nội bộ nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để phân biệt giữa nghiêm khắc và bắt nạt. Bởi ai cũng muốn làm những công việc dễ dàng trong một môi trường thoải mái.
Nhưng nhìn nhận từ phía một nhà lãnh đạo thì điều sự lỏng lẻo đem lại hiệu quả công việc không cao. Trong khi đó họ luôn muốn tối đa hóa giá trị nhận được. Chính vì vậy, bắt buộc phải đặt ra những chế tài, và quy định khắt khe.
Ngược lại, đôi khi chính nhà lãnh đạo cũng không thể nhận thức hết được giới hạn quyền lực của mình. Bằng chứng là họ luôn mong muốn nhân viên cống hiến tối đa, cống hiến càng nhiều càng tốt. Dẫn đến tình trạng áp đặt quá nhiều nguyên tắc và quy định. Khiến họ thấy ngột ngạt, nặng nề, áp lực và không muốn tôn trọng lãnh đạo của mình nữa.
Hãy là người sếp có yêu cầu cao thay vì những yêu cầu vô lý
Một người sếp nghiêm khắc luôn đưa nhân viên của mình vào khuôn khổ thông qua các nguyên tắc với yêu cầu cao. Thậm chí, họ sẵn sàng phá vỡ vòng an toàn ban đầu để nhân viên được tiếp xúc với các thử thách.
Nhờ đó giúp họ cải thiện kỹ năng, tiếp thu kinh nghiệm. Đồng thời cũng cho họ biết cần làm những gì mới có thể chạm tới thành công.
Tuy nhiên, người sếp yêu cầu vô lý luôn thích bóc lột sức lao động của nhân viên với những tiêu chí khó có thể thực hiện được. Kìm hãm sự phát triển của họ bằng những thông tin sai lệch, định hướng mơ hồ.
Xem nhân viên như một cỗ máy, bất chấp khả năng làm việc chỉ để dễ kiểm soát tình hình. Và chắc chắn những người sếp này sẽ không bao giờ tìm được một người cộng sự trung thành hay lâu dài.
Hãy là người sếp nghiêm khắc đánh giá thay vì sếp đánh giá thiếu công bằng
Việc đánh giá nhân viên chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với bất cứ ai. Bởi nó không chỉ dựa trên những con số thống kê kết quả thông thường mà còn dựa trên khả năng, độ tận tâm với công việc, cống hiến,…
Người sếp nghiêm khắc sẽ đưa ra đánh giá nghiêm khắc với tất cả mọi người. Không có bất cứ trường hợp nào là cá biệt. Họ luôn đưa ra được lý do cho sự quyết định của mình. Và hầu như mọi nhân viên đều đồng ý với những đánh giá đó.
Tuy nhiên, một người sếp chuyên quyền sẽ đánh giá dựa trên cảm tính và quan điểm cá nhân nhiều hơn. Họ thường có xu hướng bắt bẻ và phê bình một vài đối tượng bản thân không vừa ý. Không cần quan tâm họ đã cống hiến những gì.
Điều này chính là con dao hai lưỡi làm cho nhân viên không còn tinh thần hay mục tiêu phấn đấu. Họ sẵn sàng ra đi để tìm cho mình một người sếp công tâm và công nhận những cống hiến của mình.
Hãy là người sếp nghiêm khắc vì lợi ích công ty thay vì tham lam quyền lực
Sếp nghiêm khắc vì muốn mọi người tập trung và nghiêm túc với lợi ích của công ty. Sẵn sàng chịu phần thiệt để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Họ luôn mong muốn thúc đẩy mọi cá nhân trong tổ chức cống hiến và tìm ra tiềm năng phát triển. Luôn lan tỏa cái nhìn dài hạn đến tập thể để mọi người cùng cố gắng.
Trái lại, sếp tham lam quyền lực lại chỉ thích chi phối người khác và ngồi chỉ tay năm ngón. Họ bị sự hào nhoáng của chức vị làm cho u mê. Mà quên đi rằng, thực chất nhà lãnh đạo mới là người nên làm việc và hy sinh nhiều nhất.
Kiểu sếp này luôn muốn nhân viên phục tùng mình, tạo ra đế chế riêng nơi mà mình được làm vua. Họ đòi hỏi công lao thậm chí là giành giật công lao từ người khác. Trong khi bản thân không muốn làm bất cứ điều gì.
Trở thành người sếp nghiêm khắc không hề xấu. Nhưng bạn phải biết được giới hạn trong quyền lực và cách quản lý của mình. Bởi bức tường ngăn cách sự nghiêm khắc và độc đoán là vô hình. Một khi nó đã bị phá vỡ rất khó để bạn quay trở lại vị trí ban đầu.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận