Nữ thương binh hạng 1/4 "trọn tình non sông, vẹn nghĩa đồng đội": Bán vé số lấy tiền trùng tu Nghĩa trang Liệt sĩ

Trở về sau cuộc chiến, nữ thương binh hạng 1/4 Đặng Thị Bảy ngày ngày đi bán vé số cóp tiền trùng tu Nghĩa trang Liệt sĩ, thực hiện trọn vẹn lời hứa với đồng đội đã khuất.

Đỗ Thu Nga
15:59 22/04/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Sống cùng nhau chiến đấu, đến ngày độc lập, ai còn sống thì lo mồ mả cho người nằm xuống" - lời thề son sắt với đồng đội ấy đã được nữ thương binh Đặng Thị Bảy (75 tuổi, ngụ xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) khắc sâu trong tim và âm thầm lao động góp tiền cùng địa phương chăm lo, làm đẹp nơi yên nghỉ của các đồng đội.

13 tuổi bỏ học, trốn nhà theo cách mạng

Xã Long Hưng A (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) không ai là không biết cựu chiến binh Đặng Thị Bảy. Cứ nhắc đến bà là người dân địa phương ríu rít kể chuyện, khen ngợi. Người ta miêu tả, bà Bảy bị liệt nửa thân người, bàn tay co quắp, chân đi khó khăn thế mà hằng ngày vẫn tần tảo đi bán từng vé số để mưu sinh. Bà Bảy còn giúp người nghèo, bỏ tiền trong "ống heo" tiết kiệm để cùng địa phương xây mộ cho đồng đội.

Được biết, bà Bảy sinh ra và lớn lên trong gia đình có 8 chị em. Nhà không ruộng đất, cuộc sống khó khăn vô cùng. Song với truyền thống cách mạng, lại sống trong vùng chiến tranh ác liệt, gia đình một lòng theo Đảng, theo cách mạng.

nu-thuong-binh-miet-mai-ban-ve-so-lay-tien-trung-tu-mo-cho-dong-doi-7
Cứ rảnh rỗi là bà Bảy lại ra dọn dẹp nơi an nghỉ của các đồng đội

Với tinh thần căm thù kẻ địch phá làng phá nước, năm 13 tuổi (năm 1958), bà Bảy giác ngộ, tự nguyện tham gia cách mạng. “Năm đó cô 13 tuổi, cô, chú, anh, chị hoạt động cách mạng ở đây nhiều lắm. Được sự dẫn dắt của người anh thứ năm và mong muốn góp sức giành lại độc lập dân tộc nên cô bỏ học, trốn nhà theo cách mạng cả tháng trời mới về. Lúc về cha mẹ thấy việc làm đúng nên cũng ủng hộ, cô càng quyết tâm chiến đấu hơn”, bà Bảy kể.

Ngày đó do còn nhỏ tuổi nên bà Bảy được giao nhiệm vụ làm giao liên ở xã Long Hưng (nay là xã Long Hưng A). Công việc giao liên khó khăn, gian khổ nhưng bà Bảy luôn hoàn thành nhiệm vụ tổ chức cách mạng giao phí.

Năm 1964, bà Bảy được tổ chức cho đi học khóa y sĩ để phục vụ quân đội. Năm 1965, bà được kết nạp Đảng. Trong buổi lễ kết nạp Đảng viên, bà và 19 đảng viên mới hứa với nhau: "Đến ngày đất nước thống nhất, ai còn sống thì lo mộ người hy sinh".

Năm 1968, trên đường đi công tác, bà Bảy không may bị thương. Sau khi điều trị khỏi thì tiếp tục tham gia cách mạng. Vào Chiến dịch  Mậu Thân năm 1968, trong trận đánh chiếm Đồn Gò Dầu (thuộc xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò), trên đường rút quân về Mương Điều (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò), đơn vị của bà bị pháo địch tập kích làm nhiều người hy sinh.

nu-thuong-binh-miet-mai-ban-ve-so-lay-tien-trung-tu-mo-cho-dong-doi-4
Lúc nào bà Bảy cũng sắt son lời hứa với đồng đội ngày xưa

Bà Bảy bị thương ở vùng đầu dẫn đến liệt nửa thân người. Không thể trực tiếp cùng đồng đội chiến đấu, bà được tổ chức phân công ở tuyến sau làm nhiệm vụ tiếp tế quân y, làm y tá cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Những năm 1975-1979, bà Bảy làm Trưởng ban Y tế xã Long Hưng, sau đó nghỉ công tác do vết thương tái phát.

Chiến tranh qua đi, bà Bảy trở về địa phương sống đơn thân. Bà nhận nuôi 2 đứa trẻ mồ côi, con của người anh ruột và em gái ruột. Gia đình mấy miệng ăn dựa vào tiền trợ cấp thương binh là không đủ nên bà đi bán vé số để cải thiện cuộc sống. Đồng thời trích ra một phần bỏ "ống heo" để thực hiện lời hứa với đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Long Hưng A.

Trọn tình non sông, trọn nghĩa đồng đội

Người dân địa phương cho biết, bất kể trời nắng hay mưa, cứ khoảng 5h sáng là bà Bảy bắt đầu lăn lội khắp nơi bán vé số đến chiều muộn. Bà Bảy phân chia rõ ràng, tiền trợ cấp thương binh để lo cho gia đình, còn tiền vé số thì trích ra một phần bỏ "ống heo".

Năm 2010, biết tin UBND xã Long Hưng A sửa lại Nghĩa trang Liệt sĩ, bà Bảy cầm trên tay 72 triệu đồng tích cop trong suốt 13 năm bán vé số mang đến xin lãnh đạo xã góp xây dựng mộ cho đồng đội. Thời điểm đó, lãnh đạo xã rất ngỡ ngàng trước một cựu chiến binh có đời sống khó khăn lại tự nguyện đóng góp trùng tu Nghĩa trang Liệt sĩ. 

Lãnh đạo xã thuyết phục bà Bảy nên giữ lại tiền để dưỡng già vì bà thương tật, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Thế nhưng bà Bảy phân trần: "Ngày xưa, tôi cùng với đồng đội được kết nạp vào Đảng có hứa sau này người nào may mắn còn sống thì có nhiệm vụ chăm lo mộ cho những người đã hy sinh”.

nu-thuong-binh-miet-mai-ban-ve-so-lay-tien-trung-tu-mo-cho-dong-doi-4
Bất kể trời nắng hay mưa bà Bảy đều miệt mài đi bán vé số

“Số tiền này, tôi bỏ ống heo đất gần 13 năm đi bán vé số dạo, không phải bán đất, bán nhà hoặc vay mượn của ai mà UBND xã ngại nhận tiền. Đây là tâm nguyện cuối đời của tôi, không thực hiện được thì khi chết, không nhắm mắt được”, bà giải thích thêm.

Cảm động trước tấm lòng cao cả của bà Bảy với đồng đội, đại diện UBND xã đồng ý nhận số tiền trên để sử dụng vào việc ốp gạch men, làm mộ bia đá cho 144 ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Long Hưng A. 

Sau khi nghĩa trang hoàn thành, bà Bảy vui lắm. Bà còn góp thêm 2 triệu đồng từ tiền bán vé số để mua đồ về thắp hương cho đồng đội trong ngày hoàn thành việc tu sửa Nghĩa trang. 

Giờ đồng đội đã có phần mộ khang trang, bà Bảy rất vui. Hằng ngày bà vẫn dành thời gian vào buổi tối đi bộ từ nhà đến Nghĩa trang cách khoản 1km để thắp hương cho đồng đội. Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), bà lại lấy tiền bán vé số ra mua hoa quả, nhang đến thắp cho đồng đội. 

Theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, dù lời hứa với đồng đội đã hoàn thành. Nghĩa trang liệt sĩ Long Hưng A đã khang trang, đẹp đẽ nhưng bà Bảy vẫn cho rằng mình chưa làm tròn nghĩa vụ của mình. Do vậy, dù đã gần 80 tuổi, cơ thể thương tật, hằng ngày chịu những cơn đau nhức hành hạ nhưng cô vẫn đều đặn cuốc bộ khắp nơi bán vé số.

nu-thuong-binh-miet-mai-ban-ve-so-lay-tien-trung-tu-mo-cho-dong-doi-6
Bà Bảy vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

“Mấy năm nay cô bỏ con heo mới rồi, chắc cũng được kha khá, đợi thời gian nữa đập ra lấy tiền nâng cấp nền cho sạch, rồi trồng thêm hoa kiểng đẹp cho mấy anh em ngắm” - vừa lau phần mộ đồng đội, cô Bảy vừa nói. Cô cho biết hơn 20 năm nay, sau khi bán vé số về là cô lại tạt qua nghĩa trang quét dọn mộ liệt sĩ và ngồi hồi tưởng những ngày cùng đồng đội sống chết có nhau…

Với những người lính như cô Bảy, ba chữ “Đồng đội ơi!” là máu thịt, vì Dù năm tháng không nguôi/ Xin hãy để cho tôi được khóc/ Với những ngôi mộ có tên không tên hàng ngang hàng dọc/ Vì chúng tôi là đồng đội của nhau (trích thơ Trương Vĩnh Tuấn). 

Bà Đặng Thị Bảy được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong công tác xã hội từ thiện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tặng Bằng   khen về thành tích người có công với cách mạng tiêu biểu, đạt thành tích xuất   sắc trong lao động sản xuất, học tập và công tác; UBND tỉnh Đồng Tháp tặng   Bằng khen về thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước; UBND   xã Long Hưng A tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong học tập và làm   theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...  

Sau cơn mưa trời lại sáng: Chuyện bác sĩ - sĩ quan Nguyễn Quang Ánh nhiễm HIV vượt qua bi kịch cuộc đời

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận