Nhà Tây Sơn: Nguyễn Huệ quá nổi bật, vậy Nguyễn Nhạc ở vị trí nào, có công trạng gì?
Trong các sự kiện lịch sử của nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ nổi bật đến mức khiến ít người quan tâm đến Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ. Thế nhưng phải nói rằng, Nguyễn Nhạc từng có 1 sự nghiệp phi thường gắn với nhiều chiến công vang dội.
Đôi nét về nhà Tây Sơn
Nhà Tây Sơn (hay Tây Sơn triều) là một triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam tồn tại từ năm 1778 đến 1802. Vương triều này được thành lập trong bối cảnh tranh chấp quyền lực cuối thời Lê Trung hưng (1533 - 1789). Theo cách gọi của phần lớn các sử gia, nhất là các sử gia hiện đại thì nhà Tây Sơn được dùng để gọi triều đại của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ để phân biệt với nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh (vì cùng họ Nguyễn).
Bên cạnh đó, "Tây Sơn" cũng chỉ các lãnh tụ và quân đội khởi nghĩa xuất thân từ ấp Tây Sơn; cũng được dùng làm tên cuộc chiến của nghĩa quân Tây Sơn.
Theo sử sách, người nắm quyền nhà Tây Sơn đầu tiên là Nguyễn Nhạc - anh cả, lên ngôi năm 1778/ Tới năm 1788, Nguyễn Nhạc nhường ngôi cho em là Nguyễn Huệ, chính là vua Quang Trung sau này.
Một trong những công tích lớn nhất của nhà Tây Sơn trong lịch sử đó là đã tiến đến rất gần công cuộc thống nhất và mở rộng lãnh thổ sau hàng trăm năm nước Việt bị chia cắt bởi cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực lớn Mạc - Trịnh - Nguyễn kể từ khi nhà Lê sơ (1428–1527) bị sụp đổ, đồng thời triều đại này đã 2 lần đánh bại quân xâm lược ngoại quốc (quân Xiêm La và quân nhà Thanh) bằng những chiến dịch quân sự thần tốc.
Tuy nhiên, năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời khi còn khá trẻ, người kế vị là Quang Toản lúc đó mới 9 tuổi đã khiến nhà Tây Sơn không có lãnh đạo đủ năng lực, ưu thế dần chuyển sang tay Nguyễn Ánh - một hậu duệ của dòng họ chúa Nguyễn nắm giữ quyền trên đất Đàng Trong trước kia.
Triều đại Tây Sơn tồn tại vỏn vẹn trong vòng 24 năm, sau đó sụp đổ khi Nguyễn Ánh tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện tiêu diệt nhà Tây Sơn và thành lập nhà Nguyễn. Đối với nhà Nguyễn, nhà Tây Sơn là giặc phản loạn do họ đã đánh đổ thế lực của chúa Nguyễn.
Chính vì thế, nhà Nguyễn tìm nhiều cách xóa bỏ uy tín và những di tích liên quan tới nhà Tây Sơn, nhưng những người mến mộ vẫn ghi nhớ các chiến tích và công lao của nhà Tây Sơn, nhiều nơi đã lập đền thờ các vị vua, tướng lĩnh của triều đại này.
Ngày nay, nhà Tây Sơn được coi là triều đại chính thống của Việt Nam. Hoàng đế Quang Trung được coi là người anh hùng dân tộc với những chiến công chống ngoại xâm và cũng là người đề ra nhiều cải cách quan trọng trong xây dựng đất nước.
Nguyễn Nhạc có công trạng gì trong vận mệnh nhà Tây Sơn?
Nói về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, trong các sách giáo khoa lịch sử khẳng định, đó là phong trào nông dân nổi dậy ở hậu bán thế kỷ XVIII, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đứng đầu. Trong tất cả các sự kiện lịch sử của nhà nước này, vị trí của Nguyễn Huệ đặc biệt nổi bật, tới mức khiến ít người quan tâm: Vậy thì Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đã ở đâu, làm gì, số phận ra sao?
Về Nguyễn Lữ, quả thực có rất ít tư liệu lịch sử. Nhưng về Nguyễn Nhạc - người anh cả trong 3 anh em thì không phải là không có chuyện gì để nhắc đến, thậm chí có những chuyện rất hấp dẫn, hiển hách.
Nguyễn Nhạc (1743 - 1793) hay còn gọi là Nguyễn Văn Nhạc. Ông là vị hoàng đế sáng lập ra nhà Tây Sơn, ở ngôi từ năm 1778 đến năm 1788, xưng là Thái Đức Hoàng đế. Từ năm 1789 – 1793, ông từ bỏ đế hiệu để nhường ngôi hoàng đế cho em trai là hoàng đế Quang Trung, còn ông tự hạ tước hiệu của mình xuống thành Tây Sơn vương.
Ở điểm xuất phát, Nguyễn Nhạc chính là linh hồn của phong trào Tây Sơn. Những dòng đầu tiên chép về việc Tây Sơn trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, sử quan nhà Nguyễn đã giành để nói về Nguyễn Nhạc: “Tiên tổ Nguyễn Nhạc, người huyện Hưng Nguyên, xứ Nghệ An, khoảng năm Thịnh Đức (niên hiệu Lê Thần Tông, 1653 – 1657) bị quan quân ta bắt được đem về, cho ở tại huyện Tuy Viễn thuộc phủ Hoài Nhân, kế tiếp vài đời, đến Nguyễn Nhạc được giữ chức Biện lại ở tuần Vân Đồn. Vì đánh bạc tiêu mất tiền công, Nhạc bèn trốn vào Tây Sơn làm trộm cướp, những người vô lại và người nghèo đói phần nhiều phụ theo, vì thế thủ hạ có đến vài ngàn người”.
Đằng sau những dòng chữ này có thể dễ dàng nhận thấy cái định kiến đầy khinh thị và sự ác cảm của sử quan nhà Nguyễn đối với nguồn gốc của "ngụy triều". Những có lẽ, cần phải hình dung vấn đề theo cách khác: Nguyễn Nhạc đã đứng về phía dân chúng, đã biết nương theo sự chống đối của nhân dân trước chế độ thuế má khắt khe; rồi bằng uy vọng với dân chúng, bằng thói quen tổ chức và óc chỉ huy của một "nậu nguồn" kỳ cựu trong nghề buôn trầu, ông tập hợp dân chúng để thực hiện mục đích của mình.
Vào tháng 9/1773, Nguyễn Nhạc đánh chiếm thành Quy Nhơn rồi tiếp tục thừa thắng đánh rộng ra chiếm toàn bộ vùng Quảng Nam. Từ cuối năm 1773 đến giữa 1774, quân Tây Sơn và quân chúa Nguyễn liên tục đụng độ nhau, ăn miếng trả miếng, đất Quảng Nam bị giành đi giật lại giữa hai thế lực. Cái thế giằng co còn chưa đi đến ngã ngũ thì quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc thống lĩnh kéo vào. Giáp mặt với Quận Việp một trận ở Cẩm Sa, Nguyễn Nhạc thua to. Nhưng rồi ông nhanh chóng đi một nước cờ khôn ngoan, là xin đầu hàng quân Trịnh.
Khi đó, Nguyễn Nhạc đã giải quyết trước mắt được mối đe dọa từ phía Bắc Hà. Kể từ đây, ông hoàn toàn có thể tập trung chỉnh đốn quân đội, tính bước thôn tính giang sơn Nam Hà của chính quyền chúa Nguyễn đã rệu rã. Thực tế chứng minh: mặc cho Tây Sơn mấy lần “nhập khấu” - chữ của sử quan nhà Nguyễn - Gia Định, đánh cho quân chúa Nguyễn thất điên bát đảo, truy cùng bức tận Nguyễn Phúc Ánh và đám bề tôi vong gia thất thổ, quân Trịnh ở Bắc Hà vẫn im hơi lặng tiếng.
Năm 1776, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ tiến quân về phía Nam theo lệnh của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc... Như vậy, có thể thấy, những chiến công giai đoạn đầu của nhà Tây Sơn đều gắn liền với vai trò chỉ huy của Nguyễn Nhạc.
Năm 1787, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Thái Đức. Nhưng tham vọng cai trị của ông chỉ đóng khung trong lãnh thổ Nam Hà mà thôi. Chính vì vậy, khi chiếm được Thuận Hóa, ông lập tức cho xây lại lũy Thầy với mục đích duy trì cái thế phân liệt Nam - Bắc thành hai chính quyền, hai quốc gia giống như Trịnh - Nguyễn trước kia.
Nhưng Nguyễn Huệ, ở tuổi 33 lại cương cường đầy phấn khích và thực tế chưa hề biết mùi thua trận thì không nghĩ như vậy. Được sự tham mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ từ Thuận Hóa thừa thắng kéo quân ra Bắc, đánh thốc vào Thăng Long, đập tan cơ đồ mấy trăm năm của chúa Trịnh.
Ngay cả kết quả tuyệt vời ấy cũng không làm "giãn nở" tham vọng của Nguyễn Nhạc. Ông cũng ra Bắc sau đó, nhưng vì mục đích khác: Làm đạo quân tiếp ứng, mà thực ra là để xem xét kiềm chế Nguyễn Huệ. Trên đường lật đật ra Bắc, khi Nguyễn Nhạc gặp ở Nghệ An một đám dân quê khúm núm dâng lễ vật, gọi “quan lớn”, ông gạt đi: “Tôi không phải quan lớn. Tôi là họ ngoại của chúa Nam Hà vẫn quen gọi là biện Nhạc đây” (Hoàng Lê nhất thống chí).
Từ sau chuyến Bắc phạt này, vết rạn nứt trong quan hệ anh em giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ xuất hiện và ngày một thêm trầm trọng. Trở về Nam, Nguyễn Huệ dừng lại ở Phú Xuân với đội quân Bắc phạt của mình chứ không về Quy Nhơn cùng Nguyễn Nhạc như những lần đánh Gia Định trước kia.
Hoàng Lê nhất thống trí đã mượn lời của Nguyễn Hữu Chỉnh tâu với vua Lê để nói cụ thể về phản ứng của Nguyễn Huệ: “Vua Tây (tức Nguyễn Nhạc) từ khi về Nam thì kéo về luôn quốc thành, còn thượng công (tức Nguyễn Huệ) thì ở Phú Xuân, nghỉ quân mua vui, hoặc là ban bố mệnh lệnh, sửa sang thành lũy, bao nhiêu quân tướng, khí giới, các vật báu lấy được ở Bắc đem về, thượng công đều chứa vào một chỗ, vua Tây cho người ra vời, thượng công cũng không chịu vào chầu. Rồi thì phong quan ban chức, thượng công đều tự quyết định, không hỏi gì đến vua Tây”.
Tháng 2/1787, Nguyễn Huệ tấn công thành Quy Nhơn. Quân của Nguyễn Huệ chiến đấu dũng mãnh và thiện chiến đến mức, Nguyễn Nhạc phải lên mặt thành, nhắc đến tình ruột thì thì Nguyễn Huệ mới động lòng rút quân về Thuận Hóa. Từ đó lực lượng của ông chỉ ở khu vực phía Nam Quảng Nam rồi ngày càng suy yếu.
Sau trận công thành năm 1787 của Nguyễn Huệ, ông càng ngày càng “buồn rầu và xấu hổ” đến tháng 12/1793, thì qua đời (có sách chép ông bị đầu độc) hưởng dương 56 tuổi.
Dù cuộc đời ông còn nhiều tranh luận, tuy nhiên, những chiến công phi thường và cống hiến cho sự nghiệp nhà Tây Sơn là không thể phủ nhận. Công trạng của ông được người dân ghi nhớ qua huyền thoại tuấn mã trung thành.
Tương truyền, Nguyễn Nhạc có một con tuấn mã lông trắng gắn bó suốt cuộc trường chinh. Khi ông mất, con tuấn mã này xổng chuồng, chạy thẳng một mạch về Tây Sơn cất tiếng hí não nề. Chủ được dân yêu quý tôn làm thần, ngựa quý cũng được dân tôn làm thần Bạch Mã.
Khi triều Nguyễn được dựng lên, một cuộc trả thù tàn bạo đối với Tây Sơn đã được tiến hành. Mộ của Nguyễn Nhạc bị đào lên, thần Bạch Mã đến Núi Ngang, cất tiếng hí bi ai rồi đi thẳng vào rừng xanh.
Vào năm 1885, đất Tây Sơn lại sôi động bởi một phong trào yêu nước. Lãnh tụ của phong trào này là Mai Xuân Thưởng. Trong ngày ông kêu gọi nhân dân vùng dậy chống Pháp, thần Bạch Mã lại xuất hiện và hí vang. Người dân cho rằng, thần Bạch Mã hí vang như là để chào đón cuộc gặp gỡ khí phách của hai thế hệ ngoan cường của vùng đất hiển hách này.
Xem thêm: Khám phá thú vị về "lá số tử vi" của vua Quang Trung
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận