Khám phá thú vị về "lá số tử vi" của vua Quang Trung

Theo "lá số tử vi" của vua Quang Trung, nhân mệnh không thắng được thiên mệnh. Ông từ nhỏ đã có cốt cách của người lãnh đạo, khi trưởng thành làm nên nghiệp lớn nhưng kết thúc cuộc đời bằng cái chết không rõ ràng.

Đỗ Thu Nga
08:00 12/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vua Quang Trung (1753 – 1792) tên thật là Nguyễn Huệ, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Ông không những là 1 trong những vị tướng quân sự xuất sắc mà còn là vị vua tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam. 

Cuộc đời ông được biết đến qua các bộ sử của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn, các sử gia cận đại, hiện đại và cả trong văn học dân gian. Khi Quang Trung mất, nhân dân nhiều nơi đã xây lăng, lập đền thờ, dựng tượng đài và bảo tàng để tưởng nhớ công lao của ông. Dù sau này nhà Nguyễn (đối thủ của nhà Tây Sơn) tìm nhiều cách xóa bỏ uy tín của Quang Trung (phá bỏ đền thờ, cấm người dân thờ cúng, truy lùng các bề tôi, con cháu của Quang Trung...) và gọi ông là "giặc" trong các tài liệu triều đình, nhưng ký ức về các chiến công của ông vẫn được những người mến mộ ông truyền tụng suốt 150 năm.

kham-pha-thu-vi-ve-la-so-tu-vi-cua-vua-quang-trung-9
Vua Quang Trung (Ảnh minh họa)

Cuộc đời của vua Quang Trung đã được nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu. Ở bài viết này xin đưa ra những khám phá thú vị về cuộc đời của ông qua "lá số tử vi" theo quan niệm của người Phương Đông.

20 năm cầm quân "bách chiến bách thắng"

Tương truyền, Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ) là những người giỏi võ nghệ và là những người khai sáng ra một số võ phái Bình Định. Nguyễn Huệ khai sáng Yến Phi quyền; Nguyễn Lữ tại ra Hùng Kê quyền; cả ba anh em Nguyễn Huệ cùng sáng tạo ra Độc Lư Thương. Tây Sơn Tam kiệt có vai trò lớn cho sự hình thành và phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định, là những đầu lĩnh sáng tạo, cải cách các bài quyền, bài binh khí truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa.

Vào năm Mậu Tuất 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi, Nguyễn Huệ được phong làm Long Nhương tướng quân. Lúc bấy giờ, nhà Nguyễn lập Nguyễn Ánh (1762 - 1820) làm chúa, chiếm lại Gia Đinh.  Đến tháng 3/1782, Nguyễn Huệ vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) mang quân thủy, bộ nam tiến đánh tan quân của chúa Nguyễn. Nguyễn Ánh bỏ chạy về Hậu Giang. Sau đó bỏ chạy ra Hà Tiên rồi trốn ra đảo Phú Quốc bị quân Tây Sơn truy kích. Cuối cùng Nguyễn Ánh chạy sang cầu Xiêm.

kham-pha-thu-vi-ve-la-so-tu-vi-cua-vua-quang-trung-07jpg
Vua Quang Trung từng là vị tướng "bạch chiến bách thắng"

Nguyễn Huệ bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến Rạch Giá - Xoài Mít (ở phía trên Mỹ Tho hiện nay) để tránh đánh một trận lớn, tiêu diệt quân Xiêm. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút của quân Tây Sơn khiến quân Xiêm khiếp đảm. Chiến thắng này đi vào lịch sử là 1 trong những trận thắng kinh điển của vua Quang Trung.

Sau đó, Càn Long (1711- 1799) sai Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân, vượt ải Nam Quan tiến vào Đại Việt.  Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, ngay sau đó cất quân ra Bắc tiêu diệt gọn quân Thanh xâm lược trong chiến dịch thần tốc, đầu năm Tết Kỷ Dậu - 1789.

Vua Quang Trung chết do bị yểm bùa?

Tương truyền, vào một buổi chiều đầu thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, vua cho triệu trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về triều bàn việc thiên đô ra Phượng Hoàng Trung Đô. Nhưng việc chưa xong thì bệnh tình nguy kịch. Trước khi mất, vua dặn Trần Quang Diệu và các quần thần:

"Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định là quốc thù, mà Thái Đức thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân!"

Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16 tháng 9 năm 1792), vào khoảng 11-12 giờ đêm, Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, ở ngôi được 4 năm, hưởng thọ 40 tuổi. Miếu hiệu là Thái Tổ Vũ hoàng đế. Sự ra đi đột ngột của ông là một tổn thất không thể bù đắp và là điều không may cho nhà Tây Sơn. Cơ nghiệp ông để lại không được người thừa kế xứng đáng bảo tồn nên đã nhanh chóng mất về tay Nguyễn Ánh.

kham-pha-thu-vi-ve-la-so-tu-vi-cua-vua-quang-trung-6jpg
Vua Quang Trung qua đời đột ngột sau khi đăng cơ được 3 năm

Sau khi vua Quang Trung qua đời có rất nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng giả thuyết được lan truyền nhiều nhất là việc vua mắc chứng huyễn vận (ngày nay gọi là tai biến mạch máu não) dẫn đến qua đời. Song cũng có giả thuyết khác cho rằng, vua Quang Trung bị yểm bùa.

Theo "Hoàng Lê nhất thống trí" chép thì khi vua Quang Trung giả làm sứ giả sang Bắc Kinh (Trung Quốc) gặp vua Càn Long, được vua Càn Long tặng cho chiếc áo, có thêu 7 chữ: Xa tâm chiết trục, đa điền thử. Nghĩa là: Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng.

Theo phép chiết tự, chữ "xa" và chữ "tâm" ghép lại thành chữ "Huệ" là tên của Nguyễn Huệ; "chuột" nghĩa là năm Tý (Nhâm Tý 1792). Ý của dòng chữ trên áo là Nguyễn Huệ sẽ chết vào năm Tý. Giả thiết này ý nói rằng, vua Quang Trung chết do áo bị yểm bùa?

Sách Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu chính sử của Sử quán triều Nguyễn ghi chép cái chết của vua Quang Trung như sau: "Một hôm, về chiều, Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm, tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: "Ông cha người sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân Chúa Nguyễn, sao phạm đến lăng tẩm...". Rồi lấy gậy đánh vào trán Quang Trung, mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự lâu lắm... Từ đó, bệnh chuyển nặng...".

Sách "Ngụy Tây liệt truyện" có phần hư cấu để nâng cao sự mê tín vào "thiên mệnh" của nhà Nguyễn, nhưng nó cũng cho thấy Quang Trung bị bất tỉnh đột ngột, có lẽ là do tai biến ở vùng não bộ.

Sách Tây Sơn thực lục cũng có ghi "Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi… Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụt, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…". 

Sau khi Quang Trung mất, vào tháng 1 năm Càn Long thứ 58 (1793), Quách Thế Huân cũng báo cáo với Càn Long: "Quang Trung đã chết vì bệnh". 

Một giáo sĩ tên Longer, có mặt ở Đàng Ngoài vào những thời điểm này, đã viết trong một bức thư đề ngày 21 tháng 12 năm 1792 là vua Quang Trung chết vì bệnh, nhưng không rõ là bệnh gì. Các nhà nghiên cứu về sau gạt bỏ các chi tiết mê tín trong Ngụy Tây liệt truyện thì họ cho rằng Quang Trung đã bị một cơn tăng huyết áp đột ngột. Bác sĩ Bùi Minh Đức qua khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử, kết luận rằng Nguyễn Huệ bị "Xuất huyết não dưới màng nhện; nguyên nhân tử vong: do viêm phổi sặc" (tràn dịch màng phổi).

Khám phá "lá số tử vi" của vua Quang Trung

Theo tử vi phương Đông thì vua Quang Trung có sao Thất Sát miếu địa thư mệnh, mà mệnh của ông lại ở cung thân, thuộc Kim, các sao chiếu mệnh của ông thuộc Thất sát, Tham Lang, Phá Quân. Tức là thuộc cánh sát phá liêm tham, nghĩa là cốt cách của một võ tướng. Cộng với hoàn cảnh xuất thân ở Bình Định là nơi đất võ, nên ông nghiễm nhiên từ nhỏ đã có cốt cách của con nhà võ.

Vào năm Tân Mão 1771, ông tròn 18 tuổi đã là 1 trong những tướng chủ chốt của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Ông vốn mang mệnh Kim nên nó phù hợp cho sự phát triển của một võ tướng. Ở cung Nô Bộc (bạn bè, người dưới quyền) có thiên cơ ở vị trí đắc địa, nên Quang Trung có rất nhiều người tài phò tá, giúp đỡ. Vì vậy mà trong cuộc đời binh nghiệp vua Quang Trung đã lập được nhiều chiến công hiển hách.

Vua Quang Trung cũng là người có nhiều tham vọng bởi cung tài của ông có sao Tham Lang vượng địa, mà cung tài của ông lại ở cung Thìn (Thổ) - một trong 4 cung tứ mộ (Thìn- Tuất- Sửu- Mùi), nên sau này ông đã tự xưng là hoàng đế.

kham-pha-thu-vi-ve-la-so-tu-vi-cua-vua-quang-trung-3

Về cung Thê (vợ) của Quang Trung thì có sao Liêm Trinh vương địa cộng với Hữu Bật và sao Thai, nên ông có rất nhiều vợ. Tuy nhiên, cung Phúc Đức của Quang Trung có sao Đà La Hóa Ky, lại gặp sao Tuần án ngữ, nên tuổi thọ của ông không dài.

Năm Nhâm Tý 1792 thuộc Mộc, khắc với bản mệnh của ông là Thổ, nên ông đã không qua khỏi được năm đại hạn này.  Tất nhiên đây chỉ là những giả thiết, chưa có căn cứ khoa học nào giải thích, chứng minh, chỉ đơn thuần là tác giả cung cấp thêm những tư liệu để độc giả tham khảo... Sau cái chết của vua Quang Trung, nhà Tây Sơn suy yếu dần.

Người kế nhiệm của ông đã không thể tục những kế hoạch mà ông đã đề ra để cai trị nước Đại Việt, lâm vào mâu thuẫn nội bộ và thất bại trong việc tiếp tục chống lại kẻ thù của Tây Sơn. Chính vì vậy mà đến năm Nhâm Tuất 1802 triều đại nhà Tây Sơn đã hoàn toàn sụp đổ.

Các sử gia đánh giá, cuộc đời của Quang Trung đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất của triều đại Tây Sơn. Tuy chỉ sống 40 năm, nhưng ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách sau hơn 20 năm liên tục chinh chiến và trị quốc, ông là vị tướng trên thế giới chưa thua một trận nào (bách chiến bách thắng).

Theo quan niệm phương Đông, vua Quang Trung kết thúc cuộc đời theo "lá số tử vi" của ông, nhân mệnh không thắng được thiên mệnh. Sự ra đi của ông đã để lại 1 lỗ hổng không gì bù đắp được của bánh xe lịch sử.

(Theo Một thế giới)

Xem thêm: Giai thoại ly kỳ về "mệnh đế vương" của vua Lý Thái Tổ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận