Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh: Từ kẻ thù không đội trời chung đến quan hệ đặc biệt

Từ chuyện nhà Nguyễn không nương tay với nhà Tây Sơn sau khi giành được chính quyền thì có thể thấy Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh là đối thủ không đội trời chung. Thế nhưng ít ai biết được, hai nhân vật lịch sử này còn mối quan hệ đặc biệt khác.

Đỗ Thu Nga
07:00 12/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Quang Trung hoàng đế (Nguyễn Huệ, 1753 - 1792) là một nhà chính trị, quân sự, vị hoàng đế thứ 2 của nhà Tây Sơn. Ông không chỉ là một trong những vị tướng quân sự xuất sắc bách chiến bách thắng, mà còn là nhà cai trị tài giỏi. Ông đã đưa ra nhiều chính sách cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. 

Còn vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh, 1762 - 1820) thường được gọi là Nguyễn Ánh. Ông là nhà chính trị, quân sự, vị vua sáng lập nhà Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời 1820. Sau đó được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thế Tổ. Trong thời gian trị vì, ông chỉ sử dụng một niên hiệu là Gia Long, thường gọi là Gia Long hoàng đế.

Vậy trong tiến trình lịch sử thay triều đổi đại, Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh vì sao được gọi là kẻ thù không đội trời chung?

Từ kẻ thù không đội trời chung

Sử sách chép, các chúa Nguyễn có công rất lớn trong lịch sử phát triển dân tộc Việt Nam. Các chúa Nguyễn chính là những người khai hoang dần về phía Nam đến tận mũi Cà Mau ngày nay. Thời kỳ đó, nhân dân có cuộc sống sung túc, bình yên.

Thế nhưng, tới đời chúa Nguyễn Phúc Khoát thì thế sự thay đổi. Khi ấy, quyền thần Trương Phúc Loan chuyên quyền lộng hành khiến cho nhân dân lầm than, oán thán. 

Cũng đúng lúc đó, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã dựng cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa ấy nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ quần chúng nhân dân.

Vào năm 1777, quân Tây Sơn chiếm được thành Gia Định và giết chết Nguyễn Phúc Dương (người được Tây Sơn dương khẩu hiệu phò tá), Nguyễn Phúc Thuần cùng hoàng tộc anh em của Nguyễn Phúc Ánh đều bị giết cả. Năm ấy, Nguyễn Phúc Ánh với 15 tuổi và may mắn thoát nạn.

nguyen-hue-va-nguyen-anh-co-moi-quan-he-dac-biet-nhu-the-nao-0
Vua Quang Trung

Nguyễn Phúc Ánh cùng một số cận thần và gia quyến còn sống sót chạy vào Hà Tiên, nương nhờ sự giúp đỡ của Giám mục Ba Đa Lộc. Trong suốt 1/4 thế kỷ, Nguyễn Ánh bôn ba khắp nơi để trốn tránh quân Tây Sơn, đồng thời rèn luyện bản thân, thu phục lòng người.

Và phải nói rằng, Nguyễn Ánh cực kỳ cao số. Trong suốt những năm tháng chạy trốn đó, ông đã không ít lần cận kề cái chết nhưng đều may mắn thoát nạn. 

Trong cuộc chiến 25 năm với nhà Tây Sơn để khôi phục ngôi vị, ban đầu, Nguyễn Ánh chịu nhiều thất bại lớn, có lúc phải chạy sang cả Xiêm La và sông lưu vong ở đây trong 3 năm. Để chống quan Tây Sơn, ông nhiều lần cầu viện nước ngoài, bao gồm việc mời quân Xiêm vào đánh Nam Bộ, hứa cắt đất, cống nạp để mời quân Pháp, và chở 50 vạn cân gạo để giúp quân Thanh đang chiếm đóng Bắc Bộ.

Đến năm 1787, Nguyễn Ánh trở lại, giữ vững được Nam Bộ. Về sau, lúc Tây Sơn suy yếu sau cái chết đột ngột của Nguyễn Huệ (1792), Nguyễn Ánh bắt đầu tiến đánh nhà Tây Sơn và đến năm 1802, đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Nguyễn, thống nhất đất nước, kết thúc nội chiến ở Việt Nam.

Sau khi đăng cơ, Nguyễn Ánh chọn Phú Xuân làm Kinh Đô, đặt niên hiệu là Gia Long và bắt đầu cuộc trả thù tàn khốc nhà Tây Sơn. Các con cháu của Nguyễn Nhạc bị giết ngay sau khi bị bắt, những người có cùng huyết thống với Nguyễn Huệ đều bị xử lăng trì.

Quang Toản thì bị voi xé xác, đầu bị bỏ vào vò và giam trong ngục. Lăng mộ của nhà Tây Sơn thì bị quật lên. Sọ của Quang Trung bị xích và nhốt vào ngục tối.

... đến anh em cột chèo

Bên cạnh mối thâm thù đại hận, Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh còn có một mối quan hệ đặc biệt khác. Sử chép, vua Lê Hiển Tông có hai cô công chúa tài sắc vẹn toàn là Ngọc Hân và Ngọc Bình. Năm 1786 khi lần đầu tiên ra Bắc, Nguyễn Huệ đã kết hôn với công chúa Ngọc Hân nhờ sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh. Lúc đó, bà 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi.

nguyen-hue-va-nguyen-anh-co-moi-quan-he-dac-biet-nhu-the-nao-5
Vua Gia Long

Năm 1795, Ngọc Hân công chúa làm mối cho em mình là Ngọc Bình công chúa lấy con của vua Quang Trung là Quang Toản. Năm 1802, sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, Gia Long đã nạp Ngọc Bình công chúa làm phi bất chấp lời khuyên can của các đại thần: ""Bệ hạ nay có cả thiên hạ, thiếu gì gái đẹp, việc gì phải lấy vợ của giặc làm vợ mình!". 

Vua Gia Long cười ha hả mà nói: "Đến đất nước của giặc “tau” còn lấy, huống chi là vợ giặc, “tau” lấy vợ giặc làm vợ “tau” thì có chi mô!". Chính vì thế dân gian đã có câu ca giao: "Số đâu mà số lạ lùng/Con vua mà lấy hai chồng làm vua".

Nếu xét theo vai vế trong gia đình, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là anh em cột chèo với nhau khi lấy hai chị em ruột. Trong đó, Nguyễn Huệ là anh, Nguyễn Ánh là em.

Sự thù hận giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là chuyện mà ai cũng biết nhưng dù là hai kẻ thù không đội trời chung thì số phận dường như sắp đặt cho cả hai vẫn còn đó chút dính líu với nhau kỳ lạ như vậy. Sự thật lịch sử đôi khi mang đến cho ta những điều thật thú vị.

Xem thêm: Vua Gia Long chết vì bệnh gì mà đông y bó tay, tây y cũng bất lực?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận