Vua Gia Long chết vì bệnh gì mà đông y bó tay, tây y cũng bất lực?

Sử chép, thái y viện triều Nguyễn thừa nhận bất lực trước bệnh tình của vua Gia Long. Sinh thời, vua giấu kín bệnh, bí mật mời các bác sĩ tây y trị bệnh nhưng cũng không qua khỏi. Rút cuộc, vua Gia Long mắc bệnh nan y gì?

Đỗ Thu Nga
07:00 17/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong quá trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của vua Gia Long, các sử gia hậu thế nhận xét rằng: Vua Gia Long (Nguyễn Ánh) là vị hoàng đến gian khổ nhất triều Nguyễn. 25 năm bôn ba viễn xứ, ăn mật nằm gia, bao phen đói lạnh, lắm lúc cận kề cái chết.

18 năm làm vua thì phải lo khắc phục hậu quả gần 300 năm nội chiến. Bên cạnh đó còn phải cật lực tái dựng vương triều, thống nhất một đất nước rộng lớn với hàng loạt cuộc nổi dậy.

Có thể thấy rằng, gánh nặng giang sơn xã tắc đã bào mòn sức lực của một vị vua xuất thân võ tướng cường tráng. Châu bản triều Nguyễn có ghi lại việc chăm sóc vua của Thái y viện. Trong đó chỉ rõ, bệnh tình của vua trầm trọng từ tháng 10 năm Kỷ Mão (năm Gia Long thứ 18 - tháng 11/1819). 

Thái y viện lo lắng, các hoàng tử cùng các đại thần cũng đứng ngồi không yên. Nhưng vua dụ rằng: "Nay việc lớn của thiên hạ đã định rồi. Ta cũng sắp chết, không nói gì, chỉ có một việc là ngày sau phải cẩn thận, chớ nên gây hấn ngoài biên". Ngày Đinh Mùi (19 tháng chạp Kỷ Mão, nhằm 3-2-1820), vua băng hà, thọ 58 tuổi.

Vua Gia Long chết vì bệnh gì?

Theo báo Tuổi trẻ, việc chăm sóc sức khỏe cho vua Gia Long khi ấy do Thái y viện và các quan ngự y thực hiện. Việc chăm sóc sức khỏe của vua được thực hiện cẩn trọng, chu đáo. Và mọi hoạt động đều được ghi chép rõ ràng trong châu bản triều Nguyễn là "Ngự dược nhật ký".

Hiện nay tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 ở Hà Nội có lưu giữ 94 tờ châu bản ghi lại việc chăm sóc nhà vua, từ ngày 15 tháng giêng đến ngày 15 tháng chạp Kỷ Mão, năm Gia Long 18, năm cuối cùng nhà vua tại thế. 

vua-gia-long-chet-vi-benh-gi-ma-dong-y-bo-tay-tay-y-cung-bat-luc
Một trang châu bản triều Nguyễn ghi lại nội dung Thái y viện thăm khám sức khỏe cho vua Gia Long những ngày cuối đời (Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia 1)

Hội Đông y Thừa Thiên Huế do hai vị lương y Lê Quý Ngưu và Thích Tuệ Lâm đã dịch các tờ châu bản này sang chữ quốc ngữ và in thành sách, lấy tên "Ngự dược nhật ký trong châu bản triều Nguyễn".

Những người dịch sách và các nhà sử học sau này cho biết, tài liệu bị mất mát khá nhiều và ghi chép không đầy đủ, nên đến nay vẫn chưa thể xác định vua Gia Long qua đời vì bệnh gì.

Lương y Phan Tấn Tô (Hội Đông y Thừa Thiên Huế cho biết: Châu bản ngự dược nhật ký cho thấy các quan ngự y chỉ chữa bệnh cho vua theo triệu chứng chứ không trị tận gốc bệnh tình. 

Mặc dù trong châu bản không nhắc vua Gia Long bị bệnh gì nhưng qua mô tả ngự mạch và ngự phương, các ngự y đã điều trị chứng "tì - thận dương hư" là bệnh ở gan, thận và lá lách, có liên quan đến tì vị.

Lương y Lê Quý Ngưu thì cho rằng, có thể vua Gia Long bị tiêu chảy dài ngày, mất nước trong người dẫn đến suy kiệt rồi băng hà. Triệu chứng tiêu chảy, nhưng do nguyên nhân gì dẫn đến, chẳng hạn do lao ruột hoặc nhiễm ký sinh trùng, tức là gốc bệnh, thì thời đó không biết được nên bệnh dễ cũng thành khó trị.

Đông y bó tay, tây y bất lực

Trong Ngự dược nhật ký cũng có nhắc đến việc nhà vua ngoài dùng thuốc của Thái y viện thì còn dùng thuốc của thầy lang ở bên ngoài cung. Đó là lang y Nguyễn Văn THành (người xã Quan Chiêm, phủ Hà Trung,  Thanh Hóa). Người này dâng bài thuốc "Hồng thăng đơn" cho vua. Lang y Nguyễn Ngọc Thiền dâng bài thuốc bôi lên chỗ ngứa ngoài da.

Bên cạnh đó còn có, danh y ở miền Bắc là Nguyễn Quang Lương (biệt danh Trần Quang Chiếu) được quan Tổng trấn Bắc là Lê Chất tiến cử vào kinh chữa bệnh cho vua Gia Long vào tháng 11 năm Kỷ Mão. 

Trong quá trình giải mã bệnh tình trước khi lâm chung của vua Gia Long, Tiến sĩ Nguyễn Thị Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã phát hiện một tài liệu quý liên quan đến việc chẩn trị bệnh cho vua Gia Long. Đó là hai tờ phiến của danh y Nguyễn Quang Lượng. Sau khi thăm khám, ông đã phân tích kỹ nguyên nhân và đưa ra đường hương trị liệu:

Trong tờ phiên thứ nhất, ông Lượng tâu: "Chứng bệnh đi lỏng khi mới phát tác, dùng phương bình thường là đỡ; bệnh đã lâu ngày thì đa phần do tì thận hỏa hư hàn gây nên... Nay thần phỏng đoán, trị chứng tiết tả lâu ngày không ngoài việc trị tì thận cho khá lên rồi mới bắt đầu dùng phép bồi bổ tì... 

Mối quan hệ giữa tì và thận như vậy càng nên xin (nhà vua) tiết chế ẩm thực, chú ý chuyện nghỉ ngơi thì việc điều trị chứng đi ngoài không phải lo lắng gì nữa". Trong ngự dược nhật ký cũng chép rằng vua có triệu chứng tiêu chảy.

Đem đối chiếu với Ngự dược nhật ký, Tiến sĩ Nguyễn Thị Dương cho biết, đơn thuốc của danh y Lượng dâng lên trong tháng 11 đã không được Thái y viện thực hiện ngay. Mãi đến gần những ngày cuối đời của vua mới thấy ghi hai phương thuốc mà ông Lượng đề cập đến.

Trong tờ phiến thứ hai, danh y Nguyễn Quang Lượng dự đoán đến tiết lập xuân (ngày 21 tháng chạp) bệnh vua sẽ phát nặng. Quả nhiên đến ngày 19 tháng chạp thì vua băng hà. 

vua-gia-long-chet-vi-benh-gi-ma-dong-y-bo-tay-tay-y-cung-bat-luc-0
Tranh vẽ mô phỏng Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) với dung mạo của một võ tướng

Sau khi vua qua đời, các quan ngự y gồm chính ngự y Nguyễn Tiến Hậu, phó ngự y Đoàn Đức Hoảng và ngay cả cai bạ doanh Quảng Đức là Trần Vân Đại vào hầu thuốc, đều bị bắt giam vào ngục. Nhưng danh y Nguyễn Quang Lượng được miễn tội.

Không chỉ sử dụng các phương thuốc đông y, trong một số tài liệu phương Tây còn tìm thấy các dữ liệu cho thấy, vua Gia Long cố tình giấu bệnh tình của mình. Sử gia Wynn Gadkar Wilcox (Đại học Western Connecticut State, Mỹ) trong cuốn "Việt Nam và phương Tây - Cách tiếp cận mới" (NXB Đại học Cornell, 2010), tiết lộ rằng vua Gia Long đã bí mật triệu bác sĩ Treillard của tàu buôn Henri (Pháp) vào cung để điều trị bệnh cho mình.

Lúc ấy, Treillard đang mang theo một kỹ thuật y học mới của phương Tây về tiêm phòng bệnh đậu mùa. Người này cũng đang chữa bệnh cho con gái vua là Ngọc Nguyệt. Treillard cùng với bác sĩ J. M. Despiau, một người Pháp thân cận vua Gia Long, đã bí mật điều trị cho nhà vua trong khoảng bốn tháng. 

Vì là bí mật nên trong các sách sử triều đình như Đại Nam thực lục dù có chép diễn biến sức khỏe của vua Gia Long nhưng vẫn không ghi câu chuyện này. Sau 4 tháng bí mật điều trị, bác sĩ Treillard đã lên tàu Henri rời Huế vào đầu tháng 11-1819 về lại Pháp. Sức khỏe nhà vua yếu dần đi và hai tháng sau thì qua đời.

Như vậy, cả đông y và tây y đều "bó tay" trước bệnh tình của vua Gia Long. Kết quả, nhà vua băng hà ở tuổi 58 và cho đến nay, vua mắc bệnh gì mà qua đời vẫn là một bí mật chưa có lời giải.

Xem thêm: Hổ tướng nhà Tây Sơn nào khiến viên tướng khét tiếng của Nguyễn Ánh đại bại?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận