Cô gái khiếm thị nhiễm chất độc màu da cam không đầu hàng số phận, nuôi ước mơ làm nhà báo
Hải Anh là một trong những đại diện tiêu biểu cho nghị lực phi thường. Dù bị khiếm thị do nhiễm chất độc màu da cam nhưng luôn sẵn sàng đối đầu với nghịch cảnh, ngày đêm nuôi dưỡng giấc mơ của mình.
Chất độc màu da cam đã và đang ám gieo rắc nỗi buồn trong nhiều gia đình Việt Nam. Và Vũ Thị Hải Anh (SN 2000, quê Nam Định) là một nạn nhân của chất độc màu da cam. Hải Anh bị khiếm thị bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. Nhưng Hải Anh lại sống vô cùng mạnh mẽ, giống như một đóa hoa nhỏ dám đương đầu trước nghịch cảnh...
Mới đây, Hải Anh xuất hiện trên sân khấu "Trạm yêu thương" số tháng 3 một cách vô cùng thanh nhã. Hải Anh mặc váy trắng cùng áo khoác đỏ, đi giày cao gót, trang điểm nhẹ nhàng. Hải Anh thu hút mọi ánh nhìn bởi vẻ ngoài dễ thương, tự tin.
Trước mắt Hải Anh là biển trời màu đen, thế nhưng trong trí óc, trái tim Hải Anh hiện lên rất nhiều sắc màu, đó là một cuộc sống đầy hi vọng. Giới thiệu về bản thân, Hải cho biết "dù không thể nhìn thấy mọi thứ nhưng em có rất nhiều bạn và họ thường ấn tượng với giọng nói ấm áp của em".
Tự nhận mình là một người lạc quan, Hải Anh cho biết mọi biến cố, mọi khó khăn càng làm em có thêm quyết tâm, cố gắng hơn trong cuộc sống.
Khi nói về đôi mắt của mình, Hải Anh chia sẻ rất tự nhiên, cảm giác như đó là một điều đặc biệt trên cơ thể mình chứ không phải nỗi bất hạnh. Em kể, gia đình phát hiện em mắc căn bệnh đục thủy tinh thể khi mới chỉ 1 tháng tuổi. Gia đình nuôi gi vọng tìm lại ánh sáng cho em với các cuộc phẫu thuật mổ mắt. Nhưng may mắn đã không mỉm cười. Mọi việc nghiêm trọng hơn khi bác sĩ tiếp tục phát hiện ra căn bệnh teo nhãn cầu, đồng nghĩa với việc mất hoàn toàn chức năng thị giác.
"Nếu còn thị lực thì mới có thể quan sát được mọi thứ xung quanh, nhưng em hoàn toàn sống trong bóng tối và theo lời chỉ dẫn của mẹ. Mẹ đồng hành cùng em từ nhỏ, dạy cho em từ những điều nhỏ nhất như cầm đũa, cầm thìa, cầm dao gọt hoa quả", Hải Anh chia sẻ.
Với Hải Anh, mẹ không chỉ là người sinh thành mà còn là đôi mắt, là người thầy dạy em từ kỹ năng sống đến chữ viết. "Nhớ lại ngày bé, sau buổi đi học lớp mẫu giáo đầu tiên ở quê, em bị từ chối nhận vào học. Khi ấy, mẹ là người đồng hành bên cạnh và dạy chữ cho em. Đặc biệt, mẹ còn cùng em đi học chữ nổi để em có thể hòa nhập với cộng đồng", khuôn mặt của cô gái khiếm thị rạng rỡ hẳn lên khi nói về mẹ.
Suốt tuổi thơ, Hải Anh làm bạn với chiếc đài nhỏ, lắng nghe âm thanh cuộc sống bằng tất cả các giác quan của mình: "Ngày mà em nhận ra hướng đi của mình chính là hôm mà em nghe được tiếng phát thanh viên trên sóng radio. Tiếng nói truyền cảm như dẫn dắt, thôi thúc ý chí của em phải tìm hiểu, học tập và trở thành một phát thanh viên".
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Hải Anh hào hứng lắm. Em nói: "Nghề báo có thể giúp em làm cầu nối để kết nối mọi người với nhau, lan tỏa đến cộng đồng những điều tích cực, xóa đi những định kiến về cộng đồng người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng và chứng minh cho mọi người thấy người khuyết tật có thể làm được mọi thứ".
Để theo đuổi ước mơ ấy, Hải Anh xác định chỉ có một con đường duy nhất, đó là học tập. Năm 2013, Hải Anh cùng mẹ lên Hà Nội tham gia lớp hòa nhập của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Do lớn tuổi nên Hải Anh thi vượt cấp, không học lớp tiền hòa nhập như các bạn đồng trang lứa.
Cũng do xuất phát chậm nên Hải Anh phải nỗ lực không ngừng nghỉ. Bên cạnh 9 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi, em còn có năng khiếu đàn, vẽ tranh, dẫn chương trình, viết báo, viết tập san, báo tường. Hải Anh cũng tham gia Câu lạc bộ Nhà báo tương lai, theo học khóa đào tạo kỹ năng nghề báo do Hội Người mù Việt Nam tổ chức. Cô còn được biết tới là hội viên tích cực trong Hội Người mù quận Hoàn Kiếm.
Không chỉ học tập giỏi, Hải Anh còn tích cực tham gia các cuộc thi truyền cảm hứng tới cộng đồng. Cô gái khiếm thị đã giành giải đặc biệt trong cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019; giải Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô năm 2019; được tuyên dương học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô năm học 2019 - 2020… Mới đây, Hải Anh còn vinh dự được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2022 tại Hà Nội.
Trong tương lai, Hải Anh sẽ tiếp tục tham gia các dự án truyền cảm hứng cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, em mong muốn lựa chọn được trường Đại học phù hợp với bản thân và có thêm công việc ổn định, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Làm giàu từ vải vụn Hà Đông - Câu chuyện về nghị lực phi thường của người giám đốc bại liệt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận