Cướp biển thời chúa Nguyễn: Vì sao có nhóm bị tận diệt, có nhóm lại được dung nạp?
Thời Nguyễn cướp biển hoành hành khiến cho dân chúng lầm than, khốn khổ. Bằng nhiều cách thức, các vua Nguyễn đã cố gắng giải quyết thậm chí là "lợi dụng" lực lượng này.
Dung nạp hải tặc để "lợi dụng"
Nguyễn Phúc Ánh sinh năm 1762, là cháu nội của Nguyễn Phúc Khoát - vị Chúa ở Đàng Trong. Đất nước bị phân hai từ hơn 100 năm trước hình thành 2 xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đàng Ngoài của vua Lê - chúa Trịnh và Đàng Trong của các chúa Nguyễn, chia cắt bởi Lũy Thầy ở Quảng Bình - một công trình chiến lược xuất sắc của Đào Duy Từ đã góp phần giúp lực lượng non trẻ của Nguyễn Hoàng và con cháu chống đỡ được những trận tiến quân từ Đàng Ngoài.
Khi Đàng Ngoài vẫn mang dáng vẻ của những triều đại cũ và ảnh hưởng của phương Bắc thì Đàng Trong là một cơn gió mới. Đất đai màu mỡ, sản vật phong phú cùng chính sách khai khẩn, mở rộng bờ cõi của Chúa Nguyễn khiến nơi đây trở nên trù phú.
Năm 1765, Võ Vương qua đời, quyền thần Trương Phúc Loan chuyên quyền, tống giam cha của Nguyễn Ánh - người nhẽ ra kế vị để lập Nguyễn Phúc Thuần 12 tuổi lên ngôi nhằm dễ bề thao túng, lấy hiệu là Duệ Tông. Từ đó đời sống nhân dân khổ cực. Nhà Tây Sơn nhân cơ hội rối loạn này đã dựng cờ khởi nghĩa. Ở Đàng Ngoài, Trịnh Sâm cũng sai Hoàng Ngũ Phúc đem quân tiến vào Phú Xuân.
Trước những biến cố dồn dập này, Chúa Nguyễn đành chạy vào Quảng Nam. Khi họ Nguyễn bị truy quét, Nguyễn Ánh may mắn thoát thân được.
Và đợi đến khi nhà Tây Sơn rơi vào tình cảnh rối ren, Nguyễn Ánh mới nhân cơ hội lật ngược thế cờ. Đồng thời tiến quân tiêu diệt nhà Tây Sơn. Trong 10 năm, ông đã giành lại được đất Đàng Trong của tổ tiên.
Có thể ít người biết, cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX, trên con đường tìm cách khôi phục ngai vàng cho dòng họ, Nguyễn Ánh đã khéo léo kết giao và tìm kiếm sự ủng hộ từ lực lượng cướp biển trong vùng Vịnh Thái Lan.
Bấy giờ, nhóm cướp của Hà văn Hỉ bị nhà Thanh truy đuổi phải dạt sang vùng Phú Quốc, Hà Tiên đã giúp đỡ Nguyễn Ánh (sau thất bại trước quân Tây Sơn ở trận thủy chiến Rạch Gầm, Nguyễn Ánh bị vua Xiêm lạnh nhạt).
Tại đảo Cổ Cốt thuộc Vịnh Thái Lan, để đáp trả ân tình, Nguyễn Ánh phong cho Hà Văn Hỉ chức Quản tuần Hải đô dinh đại tướng quân, các tướng dưới quyền khác cũng được trao các chức Khâm sai, Tổng binh, Phó Kỵ úy,…
Theo Đại Nam thực lục, ngoài việc dựa vào lực lượng cướp biển để chống lại nhà Tây Sơn, trong một vài trường hợp, vua Nguyễn còn dùng những tù binh cướp biển người Hoa cho mục đích bắc cầu ngoại giao với nhà Thanh để tìm kiếm sự ủng hộ về mặt quân sự.
Tận diệt cướp biển
Trong tư tưởng của Nguyễn Ánh lúc nào cũng phân chia rạch ròi 2 nhóm cướp, một là trung sức lực tấn công các nhóm ủng hộ nhà Tây Sơn cũng như các nhóm gây hại cho phe Nguyễn Ánh và hai là dung nạp các lực lượng muốn tham gia và có lợi cho hoạt động chính trị của ông.
Song theo thời gian và những chiến thắng quân sự với nhà Tây Sơn, quan điểm và chính sách của Nguyễn Ánh đối với cướp biển cũng có sự điều chỉnh căn bản, đó chính là tập trung truy quét và tiêu diệt lực lượng này nhằm bảo vệ nền độc lập trên biển.
Có thể bạn chưa biết, trên đường truy quét quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã thẳng tay tiêu diệt nhóm cướp biển của Tề Ngô, Tàu Ô. Sau khi lên ngôi, ông còn tận dụng sức mạnh quân sự của đạo quân hùng mạnh bước ra từ chiến thắng tập trung truy kích các nhóm cướp biển hoạt động ở vùng biển Quảng Ninh. Nhờ đó mà khoảng 3 thập kỷ đầu của nhà Nguyễn nạn cướp biển gần như không có.
Từ khoảng những năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng, cướp biển người Hoa có xu hướng nổi dậy, hoạt động mạnh. Trước tình hình đó, nhà nước và quân đội đã có nhiều biện pháp cứng rắn cũng như những động thái kỳ quặc nhằm kiềm chế và tiêu diệt lực lượng này.
Vào thời vua Tự Đức, theo đề nghị của tướng Nguyễn Tri Phương để gia tăng lực lượng quân đội và chống lại nạn cướp biển, nhà vua đã cho mua lại những súng đại bác lớn từ thuyền buôn Trung Quốc. Thậm chí người đứng đầu nhà Nguyễn còn cử đại diện ra nước ngoài mua cả tàu máy hơi nước.
Dưới thời vua Minh Mạng, cướp biển cũng bị trừng trị nghiêm khắc. Tiêu biểu là việc trấn áp bọn cướp biển ở cửa Đại Chiêm. Vua Minh Mạng mạnh tay trấn áp với bọn cướp biển thể hiện ông là một vị vua anh minh bởi ông biết đó là một việc làm để củng cố chủ quyền đất nước mà ông đang là người đứng đầu.
Khi các biện pháp quân sự và sử dụng vũ khí đương thời không mấy hiệu quả, vì quá túng cùng triều đình nhà Nguyễn đã buộc phải nhờ cậy đến các thuyền buôn Trung Quốc và lực lượng hải quân Pháp để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, các lực lượng này chỉ đồng ý hợp tác trong thời gian ngắn và đưa ra nhiều yêu sách gây phiền lòng nhà vua, nên cách này không đạt được hiệu quả.
Có thể thấy, mặc dù đã có ý thức ngay từ đầu trong việc đối phó với hải tặc người Hoa, và các vua đầu triều Nguyễn đã tiến hành nhiều kế sách quan trọng, nhưng những kế sách này càng về sau càng tỏ ra bị động và kém hiệu quả.
Xem thêm: Những chính sách bài bản, quyết liệt của vua Minh Mạng với chủ quyền biển đảo Việt Nam
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận