Đời "không khuất phục" của ông thợ cơ khí liệt 2 chân tự chế tạo hàng chục máy nông nghiệp
Để có tiền nuôi thân và nuôi con, người đàn ông liệt 2 chân tự học nghề cơ khí. Để hôm nay, ông trở thành thợ cơ khí giàu kinh nghiệm, tự sáng chế hàng chục máy nông nghiệp các loại.
Gia tài của ông Cao Công Thành (55 tuổi ở Tân An) bây giờ là "một đống" máy móc, gang, sắt thép nằm ngổn ngang trong ngôi nhà khang trang. Ngày ngày, ông đẩy xe lăn "tự chế" đi vào giữa đống đồ nghề làm việc, sáng chế ra các loại máy móc để phục vụ bà con nông dân.
Ngồi trên chiếc xe lăn di chuyển bằng điện do mình tự chế, ông Thành kể: "Thời trẻ tôi làm đủ thứ nghề nhưng nghĩ phải có một cái nghề chắc trong tay mới nuôi nổi gia đình nên đã tự học hàn rồi chế các loại máy móc".
Theo VnExpress, ông Thành bị liệt hai chân sau một con sốt năm 2 tuổi. Nhà nghèo nên, "cậu bé" Thành chỉ có thể học hết lớp 3 - đủ biết đọc, biết viết. Từ năm 13 tuổi, ông đã tự học nghề sửa xe đạp, mở tiệm để giúp cha mẹ.
Hơn 10 năm sau, khi một loạt tiệm sửa xe khác mọc lên, tiệm của ông không cạnh tranh nổi, ngày càng vắng khách. Trong lúc tiệm ế ẩm, có một người hàng xóm mang bình xịt thuốc sâu đến nhờ sửa, ông Thành đánh liều nhận luôn.
Ông tháo tung cái bình xịt mò mẫm tìm hiểu nguyên lý hoạt động của nó để sửa. Khi sửa xong, dùng được, ông thấy chiếc bơm hơi yếu nên nghĩ cách làm cho nó mạnh như bình xịt.
"Trước cái bình chỉ nén được một ký hơi, tôi chế thêm để nén được hai ký. Mình chậm hơn người ta thì phải cố làm hay hơn khách mới đến", ông Thành cho biết. Từ đó, ngoài dịch vụ sửa xe, tiệm của ông Thành còn nhận thêm cả dịch vụ sửa nông cụ.
Năm 25 tuổi, ông Thành lập ra đình, sinh con. Nhưng thu nhập từ tiệm sửa chữa không đủ lo cho gia đình nên ông đi bán vé số bằng chiếc xe lắc. Gọi là đi bán vé số, nhưng trên đường đi cứ thấy ai có cái gì hay hay là ông dừng xe vào tìm hiểu, hỏi han. Trong số đó, ông thích nhất là nghề cơ khí.
Trong một thời gian đi bán vé số, tiết kiệm từng đồng một, ông Thành có chút vốn trong tay. Ông quyết định mua một chiếc máy hàn về tự học nghề. Vậy là cứ ban ngày đi bán vé số, tối về ông Thành lại trong đèn, bật máy lên tập hàn. Hồi đầu không có kính bảo hộ mắt ông cay xè, sưng húp.
Và sự nỗ lực của người đàn ông khuyết tật đã được đền đáp bằng đơn hàng "khủng" đầu tiên. Theo ông Thành, khi đó có một người đến đặt 1.000 cây trụ trồng thanh long. Họ nói "xấu đẹp không quan trọng, miễn là dính nhau chắc chắn".
Với ông Thành, đây là cơ hội vàng để ông vừa có thể kiếm tiền vừa có thể nâng cao tay nghề. "Khách họ thương mới tạo điều kiện. Tôi phải cố làm chất lượng, nếu làm không đạt mà vẫn lấy tiền thì họ cũng không thể thương tôi mãi", ông tâm sự.
Cũng từ đó, ông Thành nghỉ bán vé số, chuyên tập nâng cao tay nghề của mình. Ông tập trung tìm hiểu sâu hơn về nghề cơ khí, rồi tự chế tạo dụng cụ, máy móc giúp ích cho bản thân và bán cho người dân địa phương.
Cách đây 4 năm, trong một lần đi uống cà phê thấy bà chủ cầm dao chặt dừa vất vả, ông Thành nảy ra ý tưởng chế tạo dụng cụ chặt dừa nhanh và ít tốn sức. Hôm đó, ông không về nhà mà đi thẳng đến tiệm mua vật liệu về làm.
Sau gần 1 tháng nghiên cứu, chặt thử nghiệm gần 200 quả dừa, thay cả chục lưỡi dao, ông Thành mới hoàn thiện sản phẩm. Đến nay sáng chế này đã trở thành thương hiệu của ông. Ông Thành đã thành công bán hàng trăm chiếc ra thị trường.
Không chỉ là máy chặt dừa, ông Thành còn cho ra đời hàng chục loại dụng cụ, máy móc khác nhau. Từ máy cắt tỏi đến chiếc xe lăn chạy điện cho người khuyết tật. Dần dần tiệm hàn xì nhỏ của ông trở thành một xưởng cơ khí có tiếng nhất vùng Tân An.
Khi bước vào tuổi trung niên, tay không còn khỏe như ngày trẻ nữa, ông Thành dành nhiều thời gian để điều trị và suy nghĩ về việc chế tạo chiếc xe cho riêng mình. Trong quá trình nằm viện, ông đã phác thảo hình dáng khung xe trong đầu. Khi ra viện, ông bắt tay vào làm luôn mà chẳng cần bản vẽ hay số liệu gì cả.
Đầu tiên là khung xe, rồi đến chỗ ngồi, nơi đặt bình điện và thêm các chức năng như mái che, đèn xi nhan, ống pô... Sáu tháng sau, chiếc xe ra đời.
"Người ta khỏe mạnh thì có nhiều lựa chọn, họ lái xe gì cũng được. Tui có tật mà làm ra chiếc xe phù hợp với mình, lái đi chơi được là điều tui tự hào lắm. Thích thì cứ làm, không nản, không bỏ cuộc thì sẽ làm được", ông nói.
Mới đây, ông Thành tân trang "siêu xe" của mình bằng cách "độ" thêm hệ thống nâng cả xe và người quay 180 độ, giúp việc quay đầu xe trở nên đơn giản hơn.
"Tui gắn cái gương này để lâu lâu nhìn coi 'dung nhan' mình ra sao. Nhìn lại, mình có cái nghề để nuôi mình, nuôi con là may mắn và hạnh phúc nhất rồi", ông nói rồi cười.
Người đàn ông cả đời ngồi xe lăn, gặp đủ khó khăn trong cuộc sống khi còn trẻ nhưng chưa bao giờ nhụt chí. Để hôm nay, không chỉ xây dựng được một nhà xưởng khang trang với những đơn hàng lớn mà ông còn tạo ra cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cả gia đình.
"Cô bé H'Mong giỏi tiếng Anh" Lò Thị Mai trở thành y tá, tham gia phòng dịch COVID-19 tại Bỉ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận