Chi 10 tỷ xây nhà lưu trú "0 đồng" và hành trình 20 năm chung sức đồng lòng cứu người, giúp đời của vợ chồng bác sĩ Nga

Khu nhà lưu trú 0 đồng dành cho bệnh nhân nghèo được xây dựng trên nền đất rộng 300m2 với đầy đủ trang thiết bị cần thiết. Đây là dự án tâm huyết của bác sĩ Lê Thanh Nga (44 tuổi) và chồng là lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy (47 tuổi).

Đỗ Thu Nga
08:00 03/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chi 10 tỷ xây nhà lưu trú 0 đồng

Khu nhà lưu trú 0 đồng tọa lạc tại số 340/14 đường Long Phước, phường Long Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM mới được khánh thành vào ngày 17/12/2022. Khu nhà có kết cấu 1 tầng lầu, có phân khu bao gồm: khu sinh hoạt chung, khu nấu ăn, khu tắm rửa, khu sân vườn. Các trang thiết bị trong nhà đầy đủ từ giường, quạt, chăn, mềm, chiếu, gối, quạt hút... Tổng chi phí đầu tư lên đến 10 tỷ đồng.

Chan-dung-vo-chong-bac-si-chi-10-ty-xay-nha-luu-tru-0-dong-9
Bác sĩ Nga

Khu nhà lưu trú 0 đồng dự kiến là điểm lưu trú miễn phí cho bệnh nhân xa quê từ khắp mọi miền tổ quốc vào TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh, có hoàn cảnh khó khăn, cần một nơi nghỉ ngơi thuận tiện cho việc đi lại điều trị ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Chan-dung-vo-chong-bac-si-chi-10-ty-xay-nha-luu-tru-0-dong-5
Ngày ra mắt nhà lưu trú, vợ chồng chị Nga tặng 100 suất quà cho bà con nghèo trong địa phương

"Vợ chồng mình đã mua sẵn gạo, nhu yếu phẩm và để ở một phòng kho. Ngoài ra, nếu số lượng người đến ở đông thì mình sẽ chuẩn bị một tủ cơm, tủ lạnh để đảm bảo bệnh nhân được ăn uống đầy đủ và qua đó mình cũng sẽ là người theo dõi dinh dưỡng của các bệnh nhân. Toàn bộ nhà lưu trú đều sẽ chỉ dùng điện, không dùng ga để đảm bảo an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy", bác sĩ Nga cho biết.

Ngoài điều kiện sinh hoạt thoải mái, tiện nghi, vợ chồng bác sĩ Nga còn thiết kế sân vườn trong khuôn viên nhà. Khoảng sân vườn này có trồng đầy đủ rau củ như cà tím, cà chua... Ngoài ra, bên cạnh sân vườn còn có lối đi bộ, hồ cá. 

Chan-dung-vo-chong-bac-si-chi-10-ty-xay-nha-luu-tru-0-dong-8
Khu sân vườn của nhà Lưu trú 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Mục đích thiết kế khoảng sân vườn này là để bệnh nhân đến đây có cảm giác thoải mái, không bí bách. Ngoài thời gian chữa bệnh, nghỉ ngơi, họ có thể chăm sóc cây cối, ngồi thiền, đi bộ để tâm trạng được thoải mái hơn. 

Được biết, ngay sau khi khánh thành, nhà lưu trú đã đón bệnh nhân đến ở miễn phí. Quy trình đăng ký ở nhà 0 đồng rất đơn giản, không phân biệt bất kỳ ai. Khi có bệnh nhân đến ở, bác sĩ Nga sẽ xem căn cước công dân của họ để làm cơ sở đăng ký tạm trú với chính quyền. 

Chan-dung-vo-chong-bac-si-chi-10-ty-xay-nha-luu-tru-0-dong-7
Một bệnh nhân cho biết rất thích không gian của "Nhà lưu trú 0 đồng" mà vợ chồng bác sĩ Nga xây dựng

“Thường các bạn bè làm nghề y của tôi đều biết những công việc thiện nguyện tôi đang làm. Khi thấy bệnh nhân nào cần giúp đỡ thì họ giới thiệu đến chỗ tôi ở miễn phí, không cần xác minh gì cả. Còn những bệnh nhân ở xa đến có giấy khám bệnh của địa phương, tôi căn cứ vào đó để nắm bắt thông tin. Tôi mong có nhiều người khó khăn tìm đến đây để ở, đỡ phần nào chi phí khi đến TP của mình chữa bệnh”, bác sĩ Nga tâm sự. 

Ngày ra mắt nhà lưu trú 0 đồng, vợ chồng bác sĩ Nga đã tặng 100 xuất quà cho bà con nghèo. 

Tại buổi lễ ra mắt, ông Nguyễn Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND phường Long Phước, cho biết chính quyền địa phương rất quan tâm và phối kết hợp để thực hiện công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo trên địa bàn.

Ông cho hay, mô hình này khá mới tại địa phương nên phường sẽ cố gắng phối hợp tốt hơn để hỗ trợ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và đăng ký tạm trú tạm vắng.

Đồng vợ, đồng chồng cùng làm thiện nguyện

Chia sẻ về cơ duyên đến với công tác thiện nguyện, bác sĩ Lê Thanh Nga cho biết: Chị xuất thân từ một gia đình khó khăn, từng gặp nhiều biến cố nên hiểu được những vất vả của người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo.

“Nỗi lo lớn nhất của bệnh nhân nghèo không phải bệnh tật, mà là chi phí điều trị. Nhiều người đi khám, nhưng trong đầu luôn sợ không đủ tiền để trả. Có khi mình khám, nhưng bệnh nhân không dám nói hết triệu chứng vì sợ khám nhiều, tốn nhiều tiền”, bác sĩ Nga cho hay.

Thời sinh viên, bác sĩ Nga cũng tham gia các đoàn tình nguyện đi khám bệnh miễn phí cho mọi người trên khắp đất nước. Đến nay, bác sĩ Nga đã đi qua 63 tỉnh thành và số lượng bệnh nhân đã khám thì không thể nhớ hết.

Chan-dung-vo-chong-bac-si-chi-10-ty-xay-nha-luu-tru-0-dong-4
Bác sĩ Lê Thanh Nga trong một lần đi phát quà cho bà con vùng sâu, vùng xa

Lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy dù không phải xuất thân từ ngành y. Nhưng từ khi nên duyên cùng bác sĩ Nga, anh nhận thấy công tác thiện nguyện của vợ cần có người đồng hành. Từ đó, anh bắt đầu theo học ngành Y học cổ truyền, cùng vợ giúp đỡ mọi người.

Đến nay, lương y Văn Huy đã khám, chữa bệnh cho rất nhiều người, có bệnh nhân đã được anh giành lấy sự sống từ tay :tử thần". 

Nói về hành trình theo nghề y, lương y Huy tâm sự: "Nhiều khi đứng ở bệnh viện, mình nhìn thấy bệnh nhân đã đi đến cổng nhưng không dám vào khám, vì không đủ tiền. Mình là bác sĩ, phải tạo được niềm tin cho bệnh nhân, để họ sẵn sàng nói hết những cơn đau đang gánh phải. Chữa bệnh trước hết phải để bệnh nhân tin tưởng, chia sẻ cùng họ, phải tâm an thân mới an”.

Chan-dung-vo-chong-bac-si-chi-10-ty-xay-nha-luu-tru-0-dong-1
Lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy thăm hỏi bệnh nhân tại Nhà lưu trú 0 đồng (Ảnh: Dân Việt)

Hiện vợ chồng bác sĩ Nga đang công tác ở những bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh. Dù công việc bận rộn nhưng vẫn dành thời gian cho công tác thiện nguyện. Mỗi ngày họ đều dành ra 4 - 5 giờ đồng hồ để khám bệnh miễn phí cho người nghèo tại nhà riêng. Ở bệnh viên, họ xây dựng bếp ăn 0 đồng phát cháo, cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

“Khi đi làm, tôi thấy có nhiều bệnh nhân buổi chiều phải truyền dịch, nhưng buổi trưa chỉ ăn vội cái bánh mì để bớt đói. Ăn uống như vậy rất lâu khỏi bệnh, nhưng tôi hiểu rằng không phải ai cũng có điều kiện để ăn uống đầy đủ. Vì vậy, chúng tôi mở bếp ăn để nấu và phát cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân. Mặc dù bếp ăn không lớn, nhưng phần nào sẽ giúp bệnh nhân no bụng, đủ dinh dưỡng và bớt gánh nặng về kinh tế để yên tâm điều trị”, bác sĩ Nga tâm sự.

"Quả ngọt" là niềm vui của bệnh nhân

Cho đến nay, mô hình phòng khám 0 đồng của vợ chồng bác sĩ Nga vẫn hoạt động thường xuyên. Phòng khám mở từ 17h30 đến khi hết bệnh nhân. Mô hình bếp ăn 0 đồng đã có thêm nhiều đơn vị đồng hành. Bếp ăn "đỏ  lửa" tất cả các ngày trong tuần, riêng chủ nhật, vợ chồng bác sĩ Nga trực tiếp đến thăm hỏi, gửi tặng thức ăn bà con.

Và cứ hễ có thời gian rảnh, vợ chồng bác sĩ Nga lại mang thức ăn đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Có những bệnh nhân không thể di chuyển đến phòng khám, hai vợ chồng sẵn sàng chạy xe đến tận nhà thăm khám. 

Chan-dung-vo-chong-bac-si-chi-10-ty-xay-nha-luu-tru-0-dong-3
Vợ chồng lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy và bác sĩ Lê Thanh Nga (bên trái) đang chuẩn bị cháo để phát cho bệnh nhân nghèo tại mô hình Bếp ăn 0 đồng

“Chúng tôi làm công việc này trước hết là giúp người, từ đó mong lan tỏa giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng, xã hội. Mình giúp một người, sau đó họ khỏe lại và có thể giúp được thêm nhiều người khác. Đó là điều rất tuyệt vời”, lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy chia sẻ.

Hết lòng hết sức vì bệnh nhân nhưng vợ chồng bác sĩ Nga cũng không tránh khỏi "lời ra tiếng vào". Nhiều người nói rằng, vợ chồng bác sĩ Nga lo chuyện bao đồng.

Bỏ ngoài tai, bác sĩ Nga quan niệm: “Chúng tôi rất vui khi làm những công việc thiện nguyện. Nhiều người nói, chê nhưng có lẽ do quan điểm của họ khác với vợ chồng tôi. Thứ khẳng định rõ nhất việc làm của vợ chồng tôi đúng hay sai, đó là nụ cười, niềm vui của bệnh nhân mỗi khi gặp chúng tôi. Có những bệnh nhân sau khi được chữa lành, họ xem chúng tôi như gia đình, thường xuyên ghé qua trò chuyện, thăm hỏi rất tình cảm”.

Xem thêm: Ông Thương "nghĩa hiệp" nhặt rác không lương mặc cho người gọi là "khùng điên"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận