Vợ vua Lê Lợi - vị phi tần hiếm có khó tìm trong sử Việt: Vì giang sơn xã tắc nguyện dùng thân "tế thần"

Trong những năm tháng ít ỏi của đời mình, Phạm Thị Ngọc Trần thực đã trọn đạo làm vợ, làm thần tử và làm mẹ. Bà theo chồng chinh chiến, trải qua binh đao loạn lạc, nhiều lần giải nguy cho nghĩa quân... Và cuối cùng, bà vì nghĩa chọn cách gieo mình xuống sông.

Đỗ Thu Nga
07:00 06/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vị phi tần tuyệt vời của vua Lê Lợi là ai?

Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) là nhân vật lịch sử có công thành lập quân đội người Việt và lãnh đạo quân đội ấy chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của nhà Minh từ năm 1418  đến lúc đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi bờ cõi Đại Việt năm 1428, sau đó xây dựng và tái thiết lập đất nước.

Ông còn là người có công lớn trong các chiến dịch quân sự đánh dẹp các tù trưởng ở biên giới phía Bắc Đại Việt và quân Ai Lao. Ông được coi là anh hùng, vị vua huyền thoại của Đại Việt với tài năng quân sự, khả năng cai trị và lòng nhân ái đối với nhân dân.

Nhưng ít ai biết rằng, đứng đằng một vị chính nhân quân tử, nhà quân sự kiệt xuất, vị vua anh minh là bóng dáng của một bà hoàng tài đức vẹn toàn. Người phụ nữ ấy là Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần.

Theo Wiki, Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần (1386 - 24/3/1425) còn gọi là Cung Từ hoàng thái hậu hay Phạm Hiền phi. Bà là người xã Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

chan-dung-vi-phi-tan-hiem-co-kho-tim-trong-su-viet-0
Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần (Ảnh: Website huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa)

Sử chép, bà là con gái ông Phạm Hoành và em gái tướng quân Phạm Vận. Về sau cả hai người đều tham gia cuộc khởi nghĩa  Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và trở thành những trung thần của nhà Hậu Lê.

Còn theo tài liệu của nhà sử học người Pháp L.Bơ-đa-xi-ê (Louis - Bazacier) bà sinh vào năm Bính Dần (1386), kém vua Lê Thái tổ một tuổi. Bà về làm vợ vua Lê Thái tổ từ nhỏ, cùng chồng lo tích trữ lương thảo, chiêu hiền đãi sĩ, thu nạp nhân tài đợi thời cơ khởi nghĩa.

Nói về mối lương duyên giữa bà Phạm Thị Ngọc Trần và vua Lê Lợi, sách Thanh hóa chư thần lục có chép: Một lần Lê Lợi sang sông, trời đã nhập nhoạng tối, sương thu một dải màn trắng mỏng, giăng đầy trên mặt sông bãi mía. Thấp thoáng đầu nương dâu, một cô gái đang thoăn thoắt đôi tay hái những lá dâu xanh cho vào lẵng, lại gần quả là một thục nữ giai nhân, chân quê mà quý phái, sắc sảo mà hiền thục, lời nói nhẹ nhàng, thanh thoát như tơ.

Lê Lợi hỏi ra mới biết người con gái ấy húy là Ngọc Trần, người làng Quần Lai, xã Đa Mỹ, huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân). Lê Lợi bèn đặt lễ hỏi làm vợ. Sau khi về làm thiếp của Lê Lợi, bà sớm hôm gánh vác việc thu xếp trang trại, coi sóc sản xuất, cây trồng. Khi vua tự xưng là Bình Định Vương dựng cờ khởi nghĩa, bà lặn lội theo hầu, trải qua nhiều gian lao nguy hiểm, đói khát, phải ăn củ nâu, măng rừng mà dạ vẫn kiên trinh giữ đạo làm tôi, làm vợ. Thân phụ của bà là Trần Hoành, anh trai là Trần Vận đều sớm tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược.

Vị phi tần son sắt, hết lòng vì chồng con, bất chấp gian khổ

Sau khi trở thành vợ Lê Lợi, bà Phạm Thị Ngọc Trần không phải được sống trong áo gấm nhung lụa ngay, bởi khi đó, vua vẫn còn đang lãnh đạo khởi nghĩa chống giặc Minh. Bà Ngọc Trần theo chồng bộ ba khắp nơi, chịu nhiều gian khổ.

Vào năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, cùng nhiều anh hào bốn phương chính thức phất cờ khởi nghĩa. Giai đoạn đầu, nghĩa quân hoạt động chủ yếu ở vùng núi rừng Thanh Hóa, thế ta còn yếu, thiếu thốn đủ bề, có lúc tưởng chừng không trụ nổi mà tan rã.

chan-dung-vi-phi-tan-hiem-co-kho-tim-trong-su-viet-9
Tranh vẽ vua Lê Lợi

Trong hoàn cảnh nguy khốn ấy, ở hậu phương, bà Ngọc Trần với sự tháo vát, khéo vun vén đã góp công lớn trong việc củng cố quân lương, giúp nghĩa quân ngoài chiến trường thêm vững lòng tin, bền ý chí đánh giặc.

Để có quân lương cung cấp cho binh sĩ, bà đã đi vận động nhân dân trong vùng tăng gia sản xuất. Khi nghĩa quân Lam Sơn bị vây hãm ở núi Linh Sơn, bà đã cùng Nguyễn Nhữ Lãm vượt vòng vây về Đa Mỹ huy động thuyền chài chở gạo muối tiếp tế cho nghĩa quân. 

Thượng thiên chiêu hiền đãi sĩ, giáng hạ đại ân. Vào năm thứ 6 của cuộc khởi nghĩa, bà hạ sinh 1 bé trai, đặt tên là Lê Nguyên Long. Người mẹ hiền mừng rỡ đón cốt nhục của mình chào đời giữ gian nan, thiếu thốn nhưng cũng lo lắng cho an nguy, tương lai của đứa trẻ giữ buổi loạn lạc không biết ngày mai ra sao.

Nếu khởi nghĩa bất thành, kết cục tang thương là khó tránh. Nếu chiến thắng, nước nhà sạch bóng quân thù, Lê Lợi xưng đế trời Nam, liệu đứa trẻ này có trụ vững trước những cuộc tranh đấu chốn cung đình không? Dù kết cục thế nào, bà Ngọc Trần cũng không muốn thấy...

Thế nhưng không ai có thể phủ nhận được, với những đóng góp nơi hậu phương của bà Ngọc Trần đã giúp nghĩa quân không bị thiếu quân lương, thúc đẩy sự nghiệp chống quân Minh, sớm giải phóng dân tộc.

Vì giang sơn xã tắc nguyện dùng thân mình "tế thần"

Năm Giáp Thìn (1424), theo lời bàn của Nguyễn Chích, nghĩa quân Lam Sơn giải phóng đồn Đa Căng tiến vào đất Nghệ An và có nhiều trận đánh lớn ở Trần Lân, Lậu Thư, Bồ Ải... buộc quân Minh phải co cụm trong thành Nghệ An.

Đến năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi vây thành Nghệ An, khi đến thành Triều Khẩu ở huyện Hưng Nguyên nơi đây có đền thờ thủy thần phổ hộ, đã mấy hôm cửa triều khẩu sóng to gió lớn, nghĩa quân và voi không thể qua sông được.

Đêm hôm ấy, khi đang ngủ trong đền thần, Lê Lợi chiêm bao thấy một vị thần báo mộng nói rằng: "Tướng quân nhường cho tôi một người thiếp, tôi hứa hết sức phù hộ tướng quân đánh thắng giặc, giữ vững nghiệp đế". 

chan-dung-vi-phi-tan-hiem-co-kho-tim-trong-su-viet-6
Đoạn sông Chu, nơi người dân phát hiện ngôi mộ được cho là mộ của Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần (Ảnh: Báo Lao động)

Tỉnh dậy, trong lòng phân vân nửa thực nửa hư. Đến khi nhớ lại những sự kiện linh thiêng của các bậc tiền nhân như Vũ Phục nhảy sông tế thủy thần giúp được Vua nhà Lý chữa khỏi bệnh về mắt, hay Lý Thường Kiệt dàn trận đánh quân Tống, nói rằng có thần căn dặn ngâm thơ giúp đuổi giặc, quả nhiên hôm sau quân ta phá được giặc Tống bên sông Như Nguyệt nhờ bài thơ Nam quốc sơn hà, Lê Lợi bèn nghĩ, hôm nay biết đâu chỉ cần thí một người là ông có thể cứu sống muôn người và thu về lại được giang sơn nước Nam?

Sáng hôm sau, Lê Lợi gọi tất cả những người vợ của mình đến, bao gồm cả bà Phạm Thị Ngọc Trần. Ông nói: "Có ai chịu đi làm vợ thủy thần không? Sau này khi ta lấy được nước, sẽ lập con của người đó làm thiên tử". Nghe xong, các nàng phi tần đều im lặng đắn đo, duy chỉ có Phạm Thị Ngọc Trần khí khái quỳ xuống tâu với chồng: "Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con của thiếp".

Nghe lời này từ vợ, Lê Lợi cảm thấy vô cùng xót xa nhưng cũng đành nhắm mắt mà tế nàng làm vợ thủy thần. Năm đó, con trai Nguyên Long của ông mới vừa tròn 2 tuổi. 

Chẳng bao lâu, sau khi Phạm Thị Ngọc Trần nhắn gửi gắm đứa con trai bé bỏng của mình cho những người thân cận nuôi dưỡng săn sóc, bà liền gieo mình xuống dòng sông Lam để tế thần. Hôm đó là ngày 24 tháng 3 năm 1925.

Giai thoại về sự linh thiêng của bà Ngọc Trần

Quả nhiên, sau khi bà Phạm Thị Ngọc Trần gieo mình xuống sông tế thần thì cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi diễn ra vô cùng thuận lợi, đánh đâu thắng đó và sớm đuổi sạch bóng quân thù ra khỏi nước Nam. Về sau Lê Lợi xưng đế.

Sau khi đăng cơ, để nhớ ơn người vợ hy sinh thân mình vì giang sơn xã tắc, vua Lê Lợi đã sai người rước quan tài của bà Ngọc Trần về Thanh Hóa chôn cất và xây dựng nơi thờ phụng. Nhưng khi quan tài ấy đến xã Thịnh Mỹ, hiện tượng lạ đã xảy ra. Chỉ sau một đêm, xung quanh quan tài đã bị mối đùn thành một đống đất cao trông như nấm mộ.

Nghe tin ấy, Lê Lợi biết đây là ý trời nên sai người chôn cất quan tài bà Phạm Thị Ngọc Trần ở đó luôn và xây dựng điện hiến nhân để thờ. Đồng lời lập miếu, lập thần chủ ở Lam Kinh để cúng tế.

chan-dung-vi-phi-tan-hiem-co-kho-tim-trong-su-viet
Đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần tại xã Xuân Hòa (Thọ Xuân)

Dù cho đã trọn vẹn nghĩa tình như thế nhưng lời hứa năm xưa là lập con trai của Phạm Thị Ngọc Trần là Nguyên Long thành người nối dõi, Lê Lợi lại không giữ, ông đã quên mất người con trai này. Cho đến khi trong một giấc ngủ trưa, Lê Lợi chợt nằm mộng thấy Ngọc Trần hiện về oán trách rằng: "Đức hoàng phụ công của thiếp, từ hồi mới khởi binh dẹp loạn, đã đem thiếp cho vị thần. Nay được thiên hạ rồi mà ơn thánh chẳng được hưởng".

Giật mình tỉnh mộng, lòng bồi hồi lạ thường rồi Lê Lợi sai người ban chiếu  lập Nguyên Long làm con trai trưởng, sẽ kế nghiệp nối ngôi khi mình qua đời. Năm 1433, Lê Lợi (lúc này là Vua Lê Thái Tổ) băng hà, Nguyên Long trở thành Vua mới, lấy hiệu là Lê Thái Tông. 

Vì biết ơn người mẹ quá cố đã hy sinh cao cả nên mình mới có ngày hôm nay, Lê Thái Tông truy phong Phạm Thị Ngọc Trần thành Cung Từ Quốc Thái mẫu. Đến tháng 2, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), ông lại tiếp tục truy tôn mẹ mình thành Cung Từ Quang Mục Hoàng thái hậu, thờ phụng ở Thái Miếu. Về sau người ta đều gọi bà là Cung Từ Cao hoàng hậu.

Gần 600 năm qua, Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần đã hóa thân đi vào lịch sử dân tộc. Sự hi sinh ấy như là tiếng kèn xung trận, hồi trống thúc giục để nghĩa quân Lam Sơn tiến lên tiêu diệt giặc Minh, giải phóng đất nước. Và cũng sự hy sinh cao cả ấy, cho đến ngày nay vẫn còn vang vọng, thổi truyền thành ngọn lửa niềm tin, niềm tự hào để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước truyền thống, noi gương người anh hùng liệt nữ chung sức, đồng lòng bảo vệ và dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Xem thêm: Hoàng Thái hậu Từ Dũ: Thọ gần 100 tuổi, sống qua 10 đời vua Nguyễn

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận