CEO Microsoft và bài học "đồng cảm" từ cuộc đời của cậu con trai đoản mệnh

Cuộc đời ngắn ngủi của con trai Zain Nadella đã tác động sâu sắc đến cách CEO Microsoft suy nghĩ, lãnh đạo và kết nối với mọi người. 

Đỗ Thu Nga
14:00 05/10/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo truyền thông quốc tế, CEO Microsoft - Satya Nadella và vợ Anu Nadella kết hôn và sinh con đầu lòng tên Zain khi ông 29 tuổi. Giống như các ông bố bà mẹ khác, họ đã chuẩn bị kế hoạch chu đáo để chào đón đứa con bé bỏng. "1 tiếng trước khi thằng bé chào đời, tất cả suy nghĩ trong đầu tôi chỉ đơn giản là phòng ngủ của con đã sẵn sàng và rồi một thời gian sau, vợ tôi sẽ trở lại làm việc như bình thường", vị CEO chia sẻ với Bloomberg.

Nhưng tất cả đã thay đổi vào đêm hôm đó. Zain bị ngạt trong tử cung, sinh ra chỉ nặng 3 pound (khoảng 1,35 kg). Sau khi kiểm tra, cậu bé bị khiếm thị, giao tiếp hạn chế và liệt tứ chi.

CEO-Microsoft-va-bai-hoc-dong-cam-tu-cau-con-trai-doan-menh-9

"Tại sao điều này lại xảy ra với vợ chồng chúng tôi? Những kế hoạch trước đó đều tan thành mây khói", Satya nhớ lại cảm xúc trống rỗng lúc ấy. Mặc cho nhiều can thiệp y tế đau đớn, khi lớn lên, Zain vẫn luôn phải ngồi xe lăn. Sau Zain, vợ chồng Satya có thêm 2 bé gái nữa nhưng cô con gái út của họ lại gặp vấn đề về khả năng nhận thức.

Nhưng cũng nhờ có cậu con trai này mà CEO Microsoft đã có nhiều bài học đắt giá, tạo nên những thành công trong công việc và trong mối tương quan với mọi nhân viên.

Đồng cảm - bài học lãnh đạo lớn nhất

Sự đồng cảm, hay khả năng chia sẻ cảm xúc và kết nối với người khác là một kỹ năng quan trọng để nuôi dưỡng thành công.

Trong một tập podcast Hello Monday của Linkendln, Giám đốc điều hành Satya Nadella của Microsoft đã chia sẻ một trong những bài học lớn nhất mà ông nhận được sau khi con trai ông là Zain Nadella được chẩn đoán mắc chứng bại não.

Bằng sự đồng cảm với con trai, Nadella không chỉ hiểu được cảm xúc của người khác, ông còn cảm nhận được cách mọi người nhìn nhận thế giới.

Ở nơi làm việc, điều này đồng nghĩa với một người lãnh đạo thực sự quan tâm đến nhân viên hay đồng nghiệp của mình. Nadella nói trên podcast: "Đạt được sự đồng cảm với đồng nghiệp của mình có lẽ là cách tốt nhất để tiến bộ hơn trong sự nghiệp. Nếu bạn có sự đồng cảm với mọi người, họ sẽ làm tốt nhất phần việc của mình và giúp bạn đạt được sự thăng tiến".

CEO-Microsoft-va-bai-hoc-dong-cam-tu-cau-con-trai-doan-menh-8
Satya Nadellal, CEO đương nhiệm của Microsof

Lời khuyên của nhà lãnh đạo này về sự đồng cảm với nhân viên còn được chứng minh bởi các nghiên cứu. Theo báo cáo về Sự thấu cảm tại nơi làm việc do công ty quản lý phúc lợi Businessolver nghiên cứu, 82% nhân viên sẽ cân nhắc rời bỏ công việc của họ để đến với một tổ chức có sự đồng cảm cao hơn.

Báo cáo cũng cho thấy 72% CEO cho biết công ty của họ cần nhiều sự đồng cảm hơn, nhưng nhiều người không biết cách thể hiện điều đó. Nếu một công ty thiếu đi sự đồng cảm, nhân viên thường mất tập trung hơn và có kỹ năng lắng nghe kém hơn.

Có không ít nhà điều hành hàng đầu cũng đưa ra quan điểm giống với Nadella. Chẳng hạn như Hilton, nhà sáng lập tài năng của tập đoàn khách sạn khổng lồ, luôn đánh giá cao việc tuyển những nhân viên coi trọng sự đồng cảm. Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cũng khuyến khích các sinh viên dành sự đồng cảm cho nhau. Ông cho biết điều này sẽ có tác động đến những giải pháp mà họ cung cấp cho khách hàng trong suốt sự nghiệp của mình.

Nadella cho biết sự đồng cảm là kỹ năng mà mọi nhân viên nên phát triển trong sự nghiệp của họ. Đây là lý do sự đồng cảm đóng vai trò quan trọng trong chiến lược lãnh đạo của Nadella.

Sự đồng cảm cần được hình thành theo thời gian

Ban đầu, Nadella cũng cảm thấy rất khó khăn khi nhận tin con trai mắc bệnh bại não. Nhưng ông dần nhận ra và học cách đồng cảm.

Ông nói rằng, con trai ông có những thách thức mà chính bản thân ông cũng cần vượt qua với vai trò là người hỗ trợ cho con. Tình cảnh khuyết tật của con đã thôi thúc ông tập trung làm việc và khiến môi trường làm việc dễ tiếp cận hơn. 

CEO-Microsoft-va-bai-hoc-dong-cam-tu-cau-con-trai-doan-menh-7

Nadella nói: "Ngay cả với con trai của mình, tôi cũng gặp khó khăn khi không thể đặt mình vào vị trí của con". Thông qua việc hiểu cảm xúc của con trai mình, ông có thể kết nối nhiều hơn với chính gia đình của mình.

Nadella đã áp dụng chiến lược này tại Microsoft, nơi ông học cách lắng nghe và xác định nhu cầu của nhân viên. Nhân viên tin rằng các đồng nghiệp thể hiện sự đồng cảm bằng cách giúp đỡ lẫn nhau, cho dù đó là giúp đồng nghiệp báo cáo hoặc nói ra những khó khăn của họ trong công việc.

Đồng cảm giúp xây dựng mối quan hệ với nhân viên

Nghiên cứu cho thấy, sự đồng cảm là một trong những công cụ tốt nhất mà các nhà lãnh đạo có thể dùng để tạo ra sự thành công trong mối quan hệ với các nhân viên. 

Một chiến lược khác mà Nadella kết hợp với sự đồng cảm là "tư duy phát triển". Nói đơn giản thì đó là niềm tin rằng các kỹ năng phát triển nhờ làm việc chăm chỉ. Ví dụ, Microsoft đánh giá hiệu suất của nhân viên một phần dựa trên mức độ họ đã giúp đồng nghiệp của mình thành công.

Tuy nhiên, bạn không thể "bật nút đồng cảm", Nadella nói. Từ những gì mà ông và người con trai quá cố đã trải qua, ông tin rằng việc xây dựng sự đồng cảm đòi hỏi thời gian và sự quan tâm đặc biệt đến nhu cầu của người khác. Song, ông cũng khẳng định rằng đồng cảm là khả năng bẩm sinh của mỗi người.

Xem thêm: Lời khuyên quản trị từ CEO Microsoft Satya Nadella: 'Nâng mình lên, hạ người khác xuống' không phải là lãnh đạo

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận