Người phụ nữ đất Quảng bỏ qua mọi lời dị nghị nhận người dưng về chăm sóc, phụng dưỡng như mẹ đẻ

Người ta đồn thổi vì cụ Mịch có tiền, có đất nên vợ chồng bà Thu nhận về nuôi để lấy gia tài. Nhưng người phụ nữ này chẳng quan tâm, ngày ngày tận tụy chăm sóc cụ bà mù lòa.

Đỗ Thu Nga
14:36 07/04/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cho đến ngày hôm nay, người dân xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) vẫn truyền tai nhau câu chuyện tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích: Đó là việc bà Lê Thị Mộng Thu (52 tuổi, ngụ tại thôn Tân Quý, xã Tam Vinh) bất chấp người đời dị nghị vẫn nhận nuôi cụ Nguyễn Thị Mịch (80 tuổi bị mù lòa). 

Theo người dân trong xóm, gia đình bà Thu cũng chẳng khá giả gì vậy mà vẫn nhận nuôi cụ Mịch đến cuối đời. Vợ chồng bà Thu và cụ Mịch sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm giữa làng. Tuy nhà chẳng có đồ vật gì quý giá nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình người.

Thấy phóng viên đến nhà, bà Thu gọi với lại xin lỗi, bảo khách đợi một tí vì vừa kết thúc việc đồng áng. Khi mọi người đi vào trong nhà đợi bà Thu thì thấy cụ Mịch đang nằm trên giường đợi các con chuẩn bị cơm nước.

cam-phuc-nguoi-phu-nu-nhan-nguoi-dung-ve-phung-duong-nhu-me-de-7
Cuộc sống của cụ Mịch trở nên khó khăn hơn khi người anh trai qua đời

Xong xuôi công việc, bà Thu chạy lên nhà kể: "Do mẹ tôi lớn tuổi và sức khỏe yếu, không còn minh mẫn nên chẳng làm được việc gì. Mấy hôm nay, chúng tôi đang vào vụ gieo sạ nên ra đồng từ sớm để mẹ ở nhà một mình, giờ đến trưa rồi nên phải nhanh chóng đưa đi vệ sinh”.

Ngay sau đó, bà Thu chạy xuống bếp tất bật nấu cơm nước cho cả gia đình. Trong lúc đợi chồng về bà tranh thủ xới cơm và thức ăn mang lên nhà đút cho cụ Mịch ăn. Bà Thu chậm rãi đút từng thìa một, vừa ăn vừa dỗ.  "Mẹ ăn xong con dẫn đi chơi", "Mẹ ăn đi mai con mua áo quần mới cho"… Nghe vậy, cụ Mịch mới "hợp tác" ăn hết bát cơm. 

Mỗi bữa, bà Thu "tốn" khoảng 20 phút đút cho cụ Mịch ăn. Khi nào mẹ ăn xong, nằm xuống giường nghỉ ngơi thì bà cùng gia đình mới vào bữa ăn.

Theo bà Thu, cụ Mịch có hoàn cảnh hết sức thương tâm từ lúc còn nhỏ. Gia cảnh cụ Mịch có hai anh em nhưng mồ côi cha mẹ. Lúc cụ lên ba tuổi bị mù lòa nên người anh trai tên Nguyễn Khoái không lấy vợ để chăm sóc em gái mình. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng cụ Mịch được anh chăm sóc chu đáo, nhiều lúc thiếu thốn thì người dân trong làng chung tay phụ giúp.

cam-phuc-nguoi-phu-nu-nhan-nguoi-dung-ve-phung-duong-nhu-me-de-72
Mỗi lần đút cho cụ ăn cơm, bà Thu phải dỗ dành cụ như một đứa trẻ. Công việc chăm sóc cụ tuy có vất nhưng hạnh phúc

Thế nhưng vào năm 2014, ông Khoái qua đời ở tuổi 85 do mắc bệnh để lại cụ Mịch một mình trong căn nhà trống vắng. Mắt không nhìn thấy gì, sức khỏe lại yếu khiến cuộc sống của cụ càng khó khăn hơn. Những ngày cụ sống một mình, bà con lối xóm thay nhau mang cơm đến cho cụ ăn, tắm giặt, vệ sinh... giúp cụ. Trong số những người hàng xóm tử tế ấy có bà Thu.

Thế nhưng, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, hàng xóm cũng không thể chăm sóc cụ tận tâm như với cha mẹ đẻ được. Nhất là vào những ngày mùa, mọi người bận đồng áng, thường mang cơm nước không đúng giờ cho cụ. Trong những ngày mưa gió, rét mướt việc mang đồ ăn thức uống cho cụ càng khó khăn hơn. 

Trong thời gian cùng xóm làng chăm sóc cụ Mịch, bà Thu nhận thấy sự bất tiện trên nên đã nảy ý định nhận cụ về nuôi. Cuối năm 2014, bà Thu bàn với chồng con việc muốn đưa cụ Mịch về nhà sinh sống cùng gia đình để tiện chăm sóc cũng như cho cụ một gia đình để cụ bớt tủi thân. Thấy suy nghĩ của vợ của mẹ sâu sắc, các thành viên trong gia đình ai cũng đồng ý.

Nhà bà Thu vốn chẳng rộng rãi gì nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng thu dọn đồ đạc để đặt một chiếc giường nhỏ cho cụ Mịch nghỉ ngơi. Ngôi nhà này còn nhiều thứ thiếu thốn nhưng nó là mái ấm đầy tình thân giúp bà cụ Mịch vơi bớt đi nỗi cô đơn trong những năm tháng cuối đời.

cam-phuc-nguoi-phu-nu-nhan-nguoi-dung-ve-phung-duong-nhu-me-de-72

Nói về quyết định nhận nuôi cụ Mịch, ông Nguyễn Công Dũng (53 tuổi, chồng bà Thu) cho biết: Ông làm thuê ở trang trại chăn nuôi kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học. Còn bà Thu làm ruộng, nuôi lợn. Khi biết tin bà Thu nhận nuôi cụ Mịch nhiều người thân trong gia đình ra sức ngăn cản, bảo đón cụ về rồi rước khổ vào người. Có người còn nói, chắc vì tiền vì đất đai nên vợ chồng bà Thu làm vậy để hưởng gia tài khi cụ qua đời.

Cũng theo ông Dũng, khổ thì cũng khổ rồi, cụ Mịch về sống chung, gia đình ăn gì cụ ăn nấy. "Đưa cụ về nuôi coi như làm phước cho con mình sau này. Tôi mong vợ chồng mình luôn mạnh khỏe để phụng dưỡng cụ Mịch đến cuối cuộc đời”, ông Dũng nói.

Nghe được nhiều lời đồn thổi của người đời nhưng bà Thu cứ im lặng, tận tụy chăm sóc cụ Mịch. Bà nói: "Họ nói thế nào tôi cũng mặc kệ. Tôi nghĩ mình đã có nợ kiếp trước với cụ, xem như kiếp này phải trả”.

Theo tìm hiểu, bà Thu cũng từng trải qua thời thơ ấu cô đơn và khó khăn nên bà hiểu hoàn cảnh của cụ Mịch khi người thân duy nhất đã qua đời. Bà Thu mồ côi mẹ từ năm 6 tuổi, sống chung với mẹ kế nên bà hiểu sự đau buồn khi mất đi người thân. Khi đưa bà Mịch về ở cùng để chăm sóc, bà Thu chấp nhận vất vả. Bởi nuôi dưỡng người già đã khổ nhưng cụ Mịch bị mù lòa, sau này già yếu nằm liệt giường còn khổ hơn.

cam-phuc-nguoi-phu-nu-nhan-nguoi-dung-ve-phung-duong-nhu-me-de
Bà Thu bỏ qua mọi lời dị nghị để đưa cụ Mịch về nhà chăm sóc, phụng dưỡng như mẹ đẻ

"Tôi xem cụ là mẹ của mình, mà con cái thì có bổn phận nuôi dưỡng mẹ khi về già. Được chăm sóc mẹ, với tôi là hạnh phúc. Biết cuộc sống khi đón cụ về nhà sẽ thêm phần khó khăn nhưng đổi lại tăng cường lao động, nuôi thêm con lợn, còn gà bán có thu nhập thì bù lại được”, bà Thu tâm sự.

Suốt 5 năm qua, ngày nào bà Thu cũng thức dậy từ sớm để nấu cơm, nấu cháo cho cụ Mịch. Xong xuôi đâu đó rồi mới lao vào việc đồng áng. Mặc dù chăm sóc cụ Mịch tốn thời gian nhưng bà Thu chấp nhận tất cả. 

“Khoảng một năm nay, cụ Mịch không còn minh mẫn, tính khí bắt đầu thay đổi, ăn rồi nói chưa ăn. Nhiều lúc cụ quậy phá, chửi mắng vì bệnh tuổi già. Đôi lúc tôi phải năn nỉ, nhiều khi dọa trả cụ về nhà, thế là cụ mới ngoan, nghe lời”, bà Thu chia sẻ và bày tỏ tính khí người già, cụ có mắng mình cũng phải chịu thôi, còn đưa qua nhà thì ai nuôi, ai lo cho cụ.

Bà Lê Thị Loan (hàng xóm nhà bà Thu) cho biết, không có mấy người được như chị Thu, dám đưa người dưng về nuôi dưỡng, coi như mẹ đẻ. Nhiều gia đình, con cái còn đùn đẩy chăm sóc bố mẹ già nhưng bà Thu thì ngược lại. Dù cụ Mịch chẳng phải máu mủ ruột già nhưng vẫn chăm sóc như mẹ đẻ. Việc làm của bà Thu thật khiến mọi người khâm phục. 

Bà Võ Thị Phượng - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Vinh cho hay: “Địa phương mới phát hiện trường hợp này được 2 năm nhưng theo tìm hiểu thì cụ Mịch được đón về nhà chị Thu là đầu năm 2015, cụ Mịch và bà Thu không có quan hệ gì cả. Hoàn cảnh gia đình chị Thu không phải là gia đình giàu có về vật chất. Năm 2018, bà Thu là cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Cảm phục 9x quê Thanh Hóa hàng tháng hiến tiểu cầu cứu những người xa lạ 

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận