Yoshiko Shinohara: Từ người chỉ học hết trung học đến nữ tỷ phú tự thân đầu tiên Nhật Bản

Chỉ học hết trung học, nhanh chóng lập gia đình rồi lại ly hôn, Yoshiko Shinohara vẫn vươn mình vượt qua khó khăn và trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên Nhật Bản.

Chi Nguyễn
13:16 21/05/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Yoshiko Shinohara (篠原欣子) là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên Nhật Bản, sở hữu khối tài sản 1,15 tỷ USD. Bà được coi là một trong những người phụ nữ quyền lực giới kinh doanh xứ hoa đào, dám khởi nghiệp trong giai đoạn phụ nữ trong xã hội Nhật Bản vẫn phải chịu nhiều định kiến về giới tính.

Tuổi thơ cơ cực vì mất cha

Khi bà Yoshiko Shinohara mới được 8 tuổi, cha bà - vốn là một hiệu trưởng đã qua đời. Ông ra đi để lại gánh nặng trên vai người mẹ góa phụ làm hộ sinh, một tay nuôi dạy 2 người con. Shinohara nhớ lại: "Hình ảnh người phụ nữ một thân một mình làm đủ mọi việc để nuôi con đã ám ảnh tôi suốt phần đời còn lại".

yoshiko-shinohara-nu-ty-phu-tu-than-dau-tien-o-nhat-chi-hoc-het-thpt
Mong muốn được làm một điều gì đó có ý nghĩa cho bản thân và cả xã hội, bà Shinohara sang châu Âu và châu Úc để học hỏi và làm việc

Bà chỉ học hết trung học phổ thông, rồi sau đó lập tức kết hôn. Thế nhưng, không lâu sau đó, Shinohara nhận ra rằng đó không phải là người đàn ông dành cho mình. Ngay sau đó, bà ly dị chồng ngay lập tức mặc cho gia đình ngăn cản.

Với Yoshiko Shinohara, cuộc sống của một người nội trợ quanh năm bên bếp núc như hầu hết phụ nữ khác vào thời điểm đó không phải là ước mơ của bà. Bà mong muốn được làm một điều gì đó có ý nghĩa cho bản thân và cả xã hội. Đó là lý do bà quyết định rời Nhật Bản, sang châu Âu và châu Úc làm việc. 

Bà Shinohara nhớ lại: Tôi thấy mình phải rời Nhật Bản. Thời điểm đó tôi nghĩ mình sẽ đến Châu Âu, và rồi quyết định chọn Úc làm điểm đến. Đây cũng là lúc tôi nhìn thấy cách những người phụ nữ làm việc theo kiểu thời vụ".

Khởi nghiệp đầy mạo hiểm

Năm 1973, Shinohara trở lại Nhật Bản và thành lập công ty của riêng mình. Bà sử dụng căn hộ nhỏ chỉ có 1 phòng ngủ ở Tokyo để làm văn phòng đầu tiên cho công ty của mình, ban đầu có tên là Tempstaff. Đó là một quyết định đầy mạo hiểm và rủi ro của Yoshiko Shinohara lúc bấy giờ.

Khi đó, việc cung ứng nhân sự thời vụ là một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ. Bên cạnh đó, bà cũng không có bằng đại học, lại ít kinh nghiệm. Để có thể trang trải chi phí duy trì công ty và cuộc sống, bà đã phải đi dạy thêm tiếng Anh vào ban đêm.

yoshiko-shinohara-nu-ty-phu-tu-than-dau-tien-o-nhat-chi-hoc-het-thpt
"Đức tính của tôi là ghét trở thành kẻ thua cuộc"

Hơn nữa, đây là một dịch vụ bị coi là bất hợp pháp ở Nhật Bản thời điểm đó. Dù không ít lần bị Bộ Lao động Nhật Bản gọi lên "nói chuyện", Shinohara vẫn giữ nguyên ý tưởng, thậm chí còn liên tục vân động thay đổi luật về việc làm thời vụ.

Nữ tỷ phú tự thân này từng tự nhận xét về bản thân rằng: "Đức tính của tôi là ghét trở thành kẻ thua cuộc". Với bà, dẫu có phải vào tù vì cung cấp nhân lực ngắn hạn, Shinohara vẫn sẽ cố gắng thay đổi tư tưởng bảo thủ của mọi người về ngành kinh doanh này. Quả thực, với ý chí quyết tâm, dám nghĩ dám làm để đạt được mục tiêu, Shinohara đã làm nên điều không tưởng.

Thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường

Thời điểm đầu, công ty của bà chỉ cung ứng việc làm bán thời gian cho nhân viên nữ. Thông thường, phụ nữ Nhật BẢn sẽ nghỉ làm sau khi kết hôn và ở nhà nội trợ, khiến lực lượng lao động giảm dần. Đến độ tuổi nhất định, họ sẽ khó có cơ hội xin việc hơn. Shinohara chia sẻ: "Giáo dục và việc làm cho phụ nữ luôn là mối quan tâm thường trực của tôi. Tôi mong muốn tìm ra giải pháp giúp những phụ nữ đã có gia đình có thể vừa đi làm vừa nuôi dạy con cái".

yoshiko-shinohara-nu-ty-phu-tu-than-dau-tien-o-nhat-chi-hoc-het-thpt
Theo Shinohara, ta không nên tự hài lòng với bản thân, đứng mãi trong vùng an toàn nếu muốn công ty phát triển

Tuy nhiên, sau này tình hình kinh doanh của TempStaff đã bị chững lại. Bà nhận ra việc quá an toàn trong kinh doanh chính là "mồ chôn" của doanh nghiệp. Ta không nên tự hài lòng với bản thân, đứng mãi trong vùng an toàn nếu muốn công ty phát triển. Bà cũng muốn tạo ra một sự cân bằng, do đó đã thay đổi chiến lược và tuyển thêm nam giới.

Shinohara nhớ lại: "Năm 1988, nữ quản lý của tôi đã bác bỏ ý kiến tuyển dụng nhân công nam. Cô ấy cho rằng công ty không cần những “sinh vật” như vậy. Thế nhưng tôi lại cho rằng sự cân bằng nam giới và nữ giới là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của công ty. Hiện nay, công ty của tôi đã có 40% nhân sự là nam giới, một sự thay đổi khác hoàn toàn so với những ngày đầu thành lập".

Theo các chuyên gia, lý do khiến TempStaff có được thành công như vậy là nhờ 2 yếu tố. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1990 đã khiến doanh nghiệp không muốn thuê lao động toàn thời gian mà muốn tuyển nhân sự thời vụ. Sau cùng là việc tuyển thêm lao động nam đã giúp công ty chiếm nhiều thị phần hơn trong mảng nhân sự.

Trở thành tỷ phú tự thân năm 82 tuổi

Năm 2008, TempStaff chính thức đổi tên thành Temp Holdings, là dấu ấn cho thấy công ty đã có một vị thế hoàn toàn mới. Đây cũng là thời điểm công ty phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ở sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Shinohara nhận định: "Khi ốc mượn hồn lớn lên, chúng rời bỏ lớp vỏ cũ và tìm tới những nơi trú ngụ khác. TempStaff cũng giống như vậy! Khi chúng tôi lớn hơn, bộ máy quản lý cũng sẽ phải tương xứng với tốc độ phát triển." 

yoshiko-shinohara-nu-ty-phu-tu-than-dau-tien-o-nhat-chi-hoc-het-thpt
Năm 2017, Yoshiko Shinohara chính thức trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên Nhật Bản

Sau đó, bà tiếp tục mua lại 4% cổ phần của công ty Kelly Services tư vấn quản lý tại Mỹ. Năm 2012, hai doanh nghiệp cùng thành lập liên doanh TS Kelly Workforce Solutions, cung cấp nhân sự cho các nước Trung Quốc và Hàn Quốc, đưa Temp Holdings mở rộng thị trường ra toàn cầu.

Năm 2017, Yoshiko Shinohara chính thức trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên Nhật Bản với lợi nhuận từ công ty là 5,2 tỷ USD. Hiện tại, bà đang là Chủ tịch danh dự của Tập đoàn Temps Holding, một công ty có quy mô hơn 300 chi nhánh trên toàn thế giới.

Khác với nhiều triệu phú, tỷ phú tự thân khác, Yoshiko Shinohara không hề có ý định trở thành 1% người giàu có nhất thế giới. Không tái hôn, không sinh con, người phụ nữ này chỉ muốn đóng góp vào nền kinh tế của đất nước, đấu tranh cho phái nữ để họ không còn phải làm những công việc vô ích, thu nhập thấp. 

yoshiko-shinohara-nu-ty-phu-tu-than-dau-tien-o-nhat-chi-hoc-het-thpt-6
Yoshiko Shinohara được Tạp chí Fortune vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất trong giới kinh doanh

Bà đã dùng 5% cổ phần tại công ty để thành lập quỹ Yoshiko Shinohara Memorial Foundation. Đây là quỹ cung cấp học bổng cho học sinh có nguyện vọng trở thành y tá, nhân viên xã hội. Năm 2011, bà được tạp chí Fortune vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất trong giới kinh doanh. Việc Yoshiko Shinohara trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên nước Nhật chính là tấm gương truyền cảm hứng, tạo sự khích lệ rất lớn cho phụ nữ Nhật Bản dám vượt qua định kiến và khó khăn để khởi nghiệp, vươn đến thành công. 

Triết lý kinh doanh của 'nữ hoàng khởi nghiệp' Nhật Bản Akiko Naka: "Tất cả thất bại là cơ hội để học hỏi"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận