Vợ chồng trẻ vượt khó làm giàu từ tay trắng, mua đất mua nhà ở Sài Gòn
Đã có lúc, vợ chồng trẻ nghèo khó đến mức không đủ tiền mua 3 bát bún riêu. Nhưng giờ đây, họ đã có cuộc sống ổn định, mua đất mua nhà ở Sài Gòn.
Cái nghèo bủa vây, từng không mua nổi tô bún riêu cho cả nhà
Chị Phạm thị Ngọc Trinh (SN 1989, quê Đắk Nông) quen chồng là anh Huỳnh Thanh Tuấn (SN 1984, quê Bình Định) khi lên Sài Gòn sinh sống. Họ hẹn hò khoảng 1 năm, quyết định kết hôn vào năm 2011 và định cư ở đây.
Sau khi cưới, vợ chồng chị thuê trọ ở quận Tân Bình với giá 1 triệu/tháng. Khi ấy, chị Trinh làm lương nhà nước, thu nhập chỉ 2,5 triệu/tháng. Chồng chị là tài xế công ty nước ngoài, thu nhập khá hơn chút nhưng cũng chẳng là bao.
Ở đó được 3 năm, vợ chồng chị lại dọn nhà qua thuê trọ ở quận Tân Phú. 8x nhớ lại: "Hồi đó vì em bé, nhà mình đêm ngủ nóng quá nên 2 vợ chồng lắp máy lạnh, 1 tháng cả tiền nhà, tiền điện tầm 3 triệu. Mỗi lần đi ngang mấy cái nhà lầu ước ao không biết khi nào 2 đứa mới có nhà, ước thôi chứ không dám nghĩ một ngày 2 vợ chồng có nhà riêng".
Sau đó, anh Tuấn động viên bà xã nên học tiếp lên cao đẳng, có bằng chất lượng thì dễ kiếm việc hơn. Nghe lời chồng, chị Trinh ngày đi làm, tối đi học kế toán. Để chống đói, chị mua tạm ổ bánh mì, cứ thế ăn suốt 3 năm, đến giờ nhìn bánh mì là "nổi da gà".
Thế nhưng, khó khăn đó chưa là gì khi chị phải chứng kiến cảnh gia đình nhịn ăn nhịn mặc. Mẹ bỉm sữa nhớ lại: "Có một giai đoạn rất khó khăn, lúc đó mình nghỉ việc ở công ty nhà nước, cùng chồng con đi Vũng Tàu chơi. Mà trong người còn có 100 ngàn không à. Vậy là 2 vợ chồng dắt nhau ra công viên, lúc đó còn không đủ tiền mua 3 tô bún riêu. Nhưng vì lỡ hứa với con trai nên hai vợ chồng vẫn chở bé đi.
Chồng mua 2 tô cho mình với con trai ăn. Nhưng mình giả bộ nói ăn không hết, kêu ổng ăn chung tô với mình. Còn giờ có nhà có xe riêng rồi, đi Vũng Tàu chơi vẫn rớt nước mắt nhớ về cái tô bún riêu đó".
Đổi đời nhờ chăm chỉ tiết kiệm, mua nhà mua đất ở Sài Gòn
Năm 2015, chị Trinh học xong, xin vào làm kế toán cho 1 công ty tư nhân, mức lương nhờ vậy cũng khá hơn. 1 năm sau đó, chị mang bầu bé thứ hai. Lúc này, nghĩ cảnh cả nhà không thể chen chúc trong phòng trọ chật chội, nóng bức mãi, nên vợ chồng trẻ bàn nhau mua nhà.
8x Đắk Nông là người quán xuyến chi tiêu, cực kỳ đề cao việc tiết kiệm. Khi ấy, lương không nhiều, nhưng chỉ cần để ra một khoản nhỏ nào, họ lại gửi đi ngân hàng. Các khoản phí sinh hoạt khác, cả hai không được tiêu lậm vào, mọi tính toán đều rất chi tiết ngay từ những bước đầu.
Chị tâm sự: "Cứ mỗi lần lãnh lương, mình sẽ đi gửi tiết kiệm, vì sợ để ra là xài hết. Thời điểm mua nhà, mình ôm bụng bầu đi rút lắt nhắt ở các ngân hàng, đi hết một buổi sáng rút 100 triệu mỏi cả chân vì lúc có tiền 1 triệu, 2 triệu gì là đi gửi tiết kiệm.
Mình có thói quen mua gì là ghi vào sổ nên tiền gì trả cho cái gì là cất riêng ra. Hầu như hồi đó không động đến tiền để dành. Chứ nếu quan điểm mà cứ xài hết xong rút trong ngân hàng ra thì không bao giờ dành dụm được".
Tiếp đó là những ngày tháng mà vợ chồng chị rong ruổi khắp TP.HCM tìm nhà, thấy ở đâu được giá là lại lên đường. Cuối cùng, họ chọn mua nhà đất rộng 66m2, có 2 phòng ngủ. Toàn bộ tiền mua nhà là hai anh chị tích cóp mà ra, không phải trả góp hay vay thêm gia đình. Ngày cầm cuốn sổ đỏ đầu tiên trên tay, mẹ bỉm sữa mừng đến quên cả trời đất.
Chị Trinh cười, nhớ lại: "Chiều hôm đó mình một mình vác bụng bầu đi đặt cọc tiền vì ông xã đi công tác. Lúc đưa tiền cọc xong, vui quá mà nên đi về luôn không cầm giấy cọc. Đi về nhà tưởng mơ nên khóc tu tu. Mà hên quá chủ nhà gọi điện thoại nói con ơi, con quên giấy cọc tiền nè con". Chồng chị cũng phấn khởi, dành hẳn 1 tuần sang nhà mới dọn dẹp, sẵn sàng chuyển về.
Thành quả đầu tiên đã nhanh chóng biến thành động lực để hai vợ chồng phấn đấu. Năm 2017, chị mày mò bán bánh online, kiếm thêm thu nhập. Sau 5 năm bén duyên với nghề bán hàng, giờ đây vợ chồng họ có cuộc sống ổn định, mua thêm 2 lô đất và một chiếc ô tô để di chuyển.
Gia đình nhỏ của chị vô cùng hạnh phúc với tổ ấm khang trang ở Sài Gòn. Chị tâm sự: "Không có chồng thì cũng không có mình của ngày hôm nay. Một người sẵn sàng hy sinh, chấp nhận thiệt thòi để mình có thời gian làm bánh, một người có thể bỏ hết công việc đưa đón mình đi làm hay chui vào bếp lau dọn bãi chiến trường cho vợ.
Lấy chồng giàu hay nghèo không quan trọng bằng việc lấy một người có bản lĩnh hay không. Mình xuất thân không mấy khá giả, giờ như hiện tại là được rồi. Ngó lên không bằng ai, ngó xuống cảm thấy an phận. Biết đủ sẽ hạnh phúc!".
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm: Lương chục triệu, vợ chồng trẻ quyết tâm "liệu cơm gắp mắm", tích đủ tiền mua nhà ở Hà Nội
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận