Vợ chồng khuyết tật về quê khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nuôi gà thu lời chục triệu
Dù bản thân còn trẻ, lại là người khuyết tật, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Thưởng vẫn khiến nhiều người nể phục vì vượt khó vươn lên.
Không để bản thân mình gục ngã
Anh Nguyễn Ngọc Thưởng (28 tuổi, trú tại phường 3, thành phố Vị Thanh, Hậu Giang) cho hay, hồi năm 6 tuổi, anh không may bị một trận ốm thập tử nhất sinh. May mắn qua khỏi, nhưng di chứng từ cơn sốt bại liệt đã khiến chân anh vĩnh viễn không còn có thể đi lại bình thường. Giấc mơ được đi học, đến trường của anh bỗng dưng khép lại khi đó.
Sau này, địa phương mở lớp dạy may, dù đi lại bất tiện anh vẫn chịu khó hoàn thành khóa học 3 tháng. Học xong, anh đi tìm khắp nơi để mong kiếm việc làm nhưng các nơi tuyển dụng đều lắc đầu. Không nản chí, anh lại tự học, thử nghiệm mô hình khởi nghiệp nuôi gà, nuôi vịt,... Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm chăn nuội, lại bán đúng thời điểm rớt giá, anh thua lỗ nặng nề.
Muốn tìm cơ hội mới, anh chàng khuyết tật đầy nghị lực lại lặn lội lên Tp.HCM. Nào ngờ, anh liên tục bị những công ty từ chối thẳng thừng. Anh Thưởng nhớ lại: "Họ lắc đầu vì không có vị trí nào phù hợp cho người khuyết tật". Dù buồn nhưng anh vẫn không bỏ cuộc, quyết tâm đi khắp nơi để xin việc. Cuối cùng, nhờ người quen giới thiệu, anh xin vào làm ở một cơ sở sản xuất bao bì, nơi hầu hết nhân viên là người khuyết tật.
Hai mảnh khuyết đồng điệu
Vợ anh là chị Diệp Thị Bé Thu (27 tuổi), cũng bị khuyết tật bẩm sinh. Chị không thể đi lại bình thường, cũng vì thế mà không được học hành đến nơi, đến chốn. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn cố gắng khưởi nghiệp, nuôi gà mới hi vọng kiếm được đồng ra đồng vào.
Năm ngoái, nhờ Đoàn phường hỗ trợ vốn, vợ chồng 9x Hậu Giang đã mở rộng được mô hình. Dù giữa mùa dịch, họ vẫn xuất bán được 5.000 con gà, thu lời hơn 40 triệu đồng. Anh Thưởng tâm sự, nuôi gà không quá khó, nhưng những việc bình thường với vợ chồng anh cũng thật gian nan. Không thể mang vật nặng, việc bưng bê thức ăn, tiêm thuốc cho vật nuôi, vợ chồng anh phải làm chậm, nhiều lần mới xong. Những lúc việc chăm sóc vượt quá khả năng, anh Thưởng và chị Thu phải nhờ người thân, hàng xóm giúp đỡ.
Vợ chồng anh đã có với nhau một bé trai kháu khỉnh, đặt tên là Minh Nhật. Chị tâm sự: "Khuyết tật, lại khởi nghiệp từ tay trắng, vợ chồng tôi khuyên nhau cố gắng làm thì khó khăn cũng chỉ là thử thách. Chúng tôi mong muốn con lớn lên sẽ có điều kiện học hành tử tế để có tương lai xán lạn hơn".
Hiện tại, ngoài việc chăn nuôi gà, anh Thưởng còn là chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật ở phường 3. Ngoài việc kết nối người khuyết tật tham gia CLB, anh còn vận động xe lăn, tặng quà hỗ trợ thanh niên cùng cảnh ngộ và trẻ em nghèo. Dù di chuyển khó khăn, nhưng nếu có ai ủng hộ gì anh lại sẵn sàng đi xe máy tới nơi để nhận.
Vừa qua, anh chàng đầy nghị lực ấy đã phối hợp Đoàn phường đi trao trực tiếp 15 phần quà cho thanh niên và 25 suất cho các em thiếu nhi khuyết tật. Năm 2021, anh Nguyễn Ngọc Thưởng vinh dự là 1 trong 50 tấm gương khuyết tật được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương danh hiệu Toả sáng nghị lực Việt 2021.
Theo Thanh Duy/Thanh Niên
Xem thêm: Nhờ bán nước mía, mẹ đơn thân tích đủ tiền mua nhà chung cư tiền tỷ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận