VNG là công ty gì và VNG đang kinh doanh trong lĩnh vực nào?
VNG là một trong những công ty công nghệ nổi bật ở Việt Nam, thường được biết đến là nhà phát hành nhiều trò chơi điện tử.
VNG là công ty gì?
VNG là Công ty Cổ phần VNG (VNG Corporation), tiền thân là công ty VinaGame (VNG). Đây là một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin khá nổi bật ở Việt Nam.
VNG ban đầu được biết tới là nhà phát hành nhiều trò chơi điện tử khá nổi tiếng, chiếm ưu thế ở thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng là nhà phát triển các dịch vụ và ứng dụng thông dụng với người Việt, chẳng hạn như Zing và Zalo. Năm 2019, VNG trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân đầu tiên ở Việt Nam khi được định gái trên 1 tỷ USD.
VNG được thành lập vào ngày 09/09/2004, tên ban đầu là VinaGame. Tháng 7/2005, công ty này ký hợp đồng với Kingsoft, phát hành tựa game Võ Lâm Truyền Kỳ ở Việt Nam. Chỉ sau 1 tháng, trò chơi này đã trở thành một cơn sốt, thu hút hơn 300.000 người chơi trong cùng một thời điểm.
Từ năm 2006 - 2007, công ty này phát hành phần mềm CSM, trang thương mại điện tử 123 mua lại cổng thông tin Zing. Tháng 8/2007, Zing MP3 -công cụng nghe và tìm kiếm nhạc trực tuyến ra đời. 2 năm sau, mạng xã hội Zing Me ra đời.
Năm 2010, công ty đổi tên thương hiệu thành VNG Corporation. Vào năm 2012 - 2013, VNG ra mắt ứng dụng Zalo - app nhắn tin, gọi điện miễn phí trên nền tảng di động.
Năm 2015, VNG được vinh danh "Doanh nghiệp phát triển nhanh toàn cầu tại khu vực Đông Á" tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2015 (Manila, Philippines). Cuối năm 2017, VNG ra mắt ZaloPay, ứng dụng thanh toán trên di động được nhiều người sử dụng.
Tiếp đó, vào năm 2021, các tựa game PUBG Mobile, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến và Mobile Legends: Bang Bang do VNG phát hành được lựa chọn thi đấu chính thức tại SEA Games 31 ở nội dung Thể thao điện tử. 1 năm sau, công ty này gia nhập Liên Minh Game Việt Nam.
Năm 2023, VNG lọt top 10 công ty châu Á đáng mong đợi. App Zalo 3 năm liên tiếp là ứng dụng liên lạc phổ biến nhất Việt Nam.
VNG có trụ sở ở đâu?
Hiện tại, Công ty CP VNG đang có trụ sở chính tại VNG Campus, Z06 Đường số 13, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP.Hồ Chí Minh.
CEO VNG là ai?
CEO của VNG là ông Lê Hồng Minh, sinh năm 1977 ở Hà Nội. Ông từng theo học ngành Tài chính ngân hàng ở Monash University Clayton Campus (Úc). Ông Lê Hồng Minh là nhà sáng lập kiêm CEO kiêm Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần VNG. Hiện tại, vị doanh nhân này đã rời ghế Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp.
Năm 2001, ông về Việt Nam và bắt đầu xây dựng sự nghiệp. Đầu tiên, ông là nhân viên tín dụng ở công ty Vina Capital. Đến năm 2003, ông cùng một số người cộng sự khởi nghiệp, thành lập Công ty cổ phần Vinagame và nay là Công ty cổ phần VNG.
Ngoài CEO Lê Hồng Minh, VNG còn có các thành viên chủ chốt như sau:
- Vương Quang Khải (Đồng sáng lập, Phó chủ tịch điều hành của VNG)
- Nguyễn Lê Thành (Phó chủ tịch, Công nghệ thông tin)
- Kelly Wong (Phó chủ tịch, Giải trí trò chơi)
- Raymond Tan (Giám đốc tài chính, VNG)
- Gary McKinnon (Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh, VNG)
VNG đang làm ăn ra sao?
VNG là một doanh nghiệp kỳ lân công nghệ ở Việt Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Được biết, công ty này có vốn điều lệ 358,4 tỉ đồng, trong đó, VNG Ltd là cổ đông chính, nắm 49% vốn, Công ty CP Công nghệ BIGV nắm 17,84% vốn, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG nắm 8,846% vốn…
Đầu năm 2023, VNG chính thức IPO với mã cổ phiếu là VNZ trên sàn UpCoM. Mức giá cổ phiếu ban đầu là 240.000 đồng/cổ phiếu, sau đó liên tục tăng giá kỷ lục lên tới 1.434.700 đồng/cổ phiếu và liên tục đi xuống đến thời điểm hiện tại còn 488.000 đồng/cổ phiếu. VNG từng có kế hoạch lên sàn chứng khoán Mỹ nhưng sau đó tuyên bố hoãn kế hoạch này.
Về tình hình kinh doanh, tính tới tháng 6/2024, VNG đang có oanh thu thuần 4.314 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, VNG báo lỗ sau thuế 585,7 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 1.205 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây là quý lỗ thứ 11 liên tục của công ty này.
Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính, vào ngày 30/6/2024, một phần của tiền gửi ngân hàng của VNG đã được dùng để bảo đảm cho các khoản phải thu được giữ hộ cho người bán chưa hoàn tất các giao dịch mua, số dư ví điện tử của người dùng ZaloPay có liên quan đến hoạt động kinh doanh tài chính của Tập đoàn và một lượng tiền nhất định được ngân hàng yêu cầu dự trữ để đảm bảo.
Đến cuối quý II/2024, nợ phải trả của VNG đang ở mức 8.445 tỉ đồng (chiếm phần lớn là chi phí phải trả ngắn hạn) trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ 1.680 tỉ đồng. Như vậy, tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu hơn 4 lần, điều này có thể thấy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong tài chính.
Theo báo Người lao động, VnExpress, Dân Việt
Xem thêm: Hiểu 3 quy luật chuyển vận, người trẻ kiếm tiền dễ như trở bàn tay
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận