Tỷ phú Steve Jobs: Bậc thầy tuyển dụng nhân tài, chỉ nhắm tới những người có đam mê
Tỷ phú Steve Jobs được coi là một trong những nhà lãnh đạo tài năng nhất, là bậc thầy tuyển dụng và trọng dụng nhân tài.
Trong quyển sách “Lãnh đạo Apple cùng Steve Jobs” của Jay Elliot, cựu phó chủ tịch của Apple là người được chính Steve Jobs tuyển dụng, đã nêu ra phương pháp mà người sáng lập của hãng đã áp dụng để khích lệ mọi người, theo đuổi sự hoàn hảo và tuyển chọn đội ngũ có óc sáng tạo cao.
Từ những ngày Apple mới chập chững thành lập, bản thân Steve Jobs – Cố CEO của Táo khuyết, luôn quan niệm rằng Apple phải được xây dựng để trở thành một công ty thành công. Trang INC cho biết ở thời điểm đó, Apple đã mời hai nhà quản lí “chuyên nghiệp” về làm việc. Nhưng sau đó Jobs ngay lập tức cho họ nghỉ việc.
“Cách làm việc chẳng mấy hiệu quả.” – Trích lời của Steve Jobs lúc trẻ trong một đoạn video được đăng tải trên YouTube. Ông nói tiếp: “Hầu hết họ đều ngốc. Họ biết cách quản lí nhưng họ chẳng biết làm một cái gì cả”.
Đoạn video đó sau này đã được Quartz at Work lưu trữ lại. Mặc dù đó là thời điểm mà Steve Jobs vẫn còn trẻ với chiếc áo cổ cao màu đen quen thuộc, nhưng những gì mà nhà sáng lập ra Apple chia sẻ dường như vẫn trường tồn với thời gian.
Sau khi sa thải những nhà quản lí chuyên nghiệp đó, Jobs chia sẻ rằng ông đã bắt đầu tìm kiếm nhân tài bằng một tiêu chuẩn rất khác: Sự đam mê. Cố CEO của Apple giải thích: “Chúng tôi cần những người thể hiện sự cuồng nhiệt của họ trong những điều họ đã làm, chúng tôi không cần những chuyên gia nửa mùa”.
“Những người vốn dĩ đã có kĩ năng và họ có đam mê lẫn sự hiểu biết về sự phát triển của công nghệ, những điều họ có thể làm được với những công nghệ đó” sẽ được Jobs chào đón. Nhà sáng lập ra Apple không quan tâm đến sự hoành tráng của bản lí lịch, hoặc các ứng viên đã từng làm việc ở đâu. Ông chỉ muốn có được những người chuyên giải quyết các vấn đề với tất cả sự đam mê.
Và để thay thế những nhà quản lí đã bị sa thải, Jobs đã mời Debi Coleman, một người đang làm ở chuyên ngành hoàn toàn trái ngược với công nghệ. Hơn nữa bà Coleman vốn dĩ chỉ là một người thiếu kinh nghiệm, đã 32 tuổi và chỉ có mỗi tấm bằng về chuyên ngành Văn học Anh. Kết quả của cuộc tuyển dụng đó ra sao ư? Sau khi làm việc dưới tư cách một nhà quản lý quy trình sản xuất, bà Coleman đã trở thành Giám đốc Tài chính của Apple ở tuổi 35.
Lúc này Jobs mới giải thích rằng những nhân viên tuyệt vời không nhất thiết phải bị quản lí bởi ai đó. Nếu họ có đủ đam mê, thông minh lẫn động lực, họ hoàn toàn có thể tự quản lí chính mình. Và những gì họ thực sự cần biết đó chính là tầm nhìn của một công ty mà thôi.
Lúc này vai trò của việc quản lí mới được thể hiện rõ. Thay vì chỉ dẫn cho các nhân viên cách để làm việc, cố CEO của Apple tin rằng các nhà lãnh đạo nên tập trung vào nghệ thuật kết nối bằng cách chia sẻ tầm nhìn, từ đó mọi người đều có thể làm việc nhằm hướng tới một mục tiêu duy nhất.
Ở cuối đoạn video, các nhân viên từ những ngày đầu của Apple chia sẻ rằng họ đã học được cách khơi dậy đam mê như thế nào trong quá trình phỏng vấn. Andy Hertzfeld, một trong những kĩ sư phần mềm đầu tiên của Apple chia sẻ rằng nhóm của ông sẽ cho các ứng viên được phỏng vấn xem một nguyên mẫu của chiếc máy Macintosh.
Sau đó sẽ xem cách những người này phản ứng. Nếu như ứng cử viên nào đó không thể hiện được quá nhiều cảm xúc của mình, lúc này đội ngũ của Apple biết rằng người đó khó có thể mà đậu phỏng vấn được. Ông Hertzfeld chốt lại: “Chúng tôi muốn thấy đôi mắt của họ (các ứng cử viên) phải sáng rực lên và thực sự hào hứng. Và đúng lúc đó, chúng tôi sẽ biết rằng họ sẽ trở thành một trong những người đồng nghiệp mới của mình”.
Theo Tạp chí Doanh nhân
Xem thêm: Marc Benioff: Từ thực tập sinh tại Apple đến tỷ phú giàu hơn cả Tim Cook
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận