Chàng trai xứ Nghệ đi thi đại học 17 lần vì đam mê, khởi nghiệp với sáo trúc và ống hút tre kiếm cả chục tỷ/tháng
Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng nếu kiên trì ắt sẽ thành công. Câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai xứ Nghệ này là minh chứng cho điều đó.
17 lần thi đại học vì đam mê
Trước khi nổi tiếng với dự án khởi nghiệp thu hàng chục tỷ mỗi tháng, anh Nguyễn Văn Mão (SN 1987, Tân Kỳ, Nghệ An) được cư dân mạng biết đến vì thú vui độc đáo: Thi đại học. Được biết, vào năm 2006, anh Mão thi đại học lần đầu tiên nhưng bị trượt. Tới năm sau, anh thi lại rồi đỗ vào khoa Sư phạm Toán, ĐH Sư phạm Vinh.
Tuy nhiên, sau 1 năm đi học sư phạm, anh cảm thấy chán nản nên bỏ học, thi lại vào Đại học Kiến trúc Hà Nội. Từ đó đến nay, gần như năm nào anh Mão cũng đăng ký đi thi đại học, và tất nhiên đều thi đỗ với số điểm hầu như trên 20. Ngôi trường mà anh đã tốt nghiệp là Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Công Đoàn, gần nhất là thi đỗ Đại học Giao thông Vận tải năm 2019. Đến nay, anh đã từng theo học ở 7 trường đại học khác nhau.
Anh Mão giải thích: "Đây là sở thích của mình. Thứ nhất là để truyền cảm hứng cho các bạn thi trượt nên cố gắng thi lại. Thứ 2 là vì mình thích đến với sinh viên. Các bạn ấy chưa phải lo cơm áo gạo tiền, rất thoải mái về tinh thần. Đến với các bạn ấy là mình được lây cái tinh thần ấy. Ngoài ra, mình đi thi, đi học là để cho cái đầu đỡ ù lì, để giữ vững sự nhanh nhẹn".
Được biết, trong kỳ thi THPT năm 2024, 8x Nghệ An lại tiếp tục tham gia. Lần này, anh đăng ký đi thi ở điểm trường THPT Lê Lợi (xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An), chỉ vì muốn giữ tinh thần hiếu học.
Khởi nghiệp kinh doanh sáo trúc
Song song với niềm đam mê... thi đại học, anh Mão còn nổi tiếng là chủ dự án khởi nghiệp "Sáo Trúc Mão Mèo". Được biết, tình yêu với sáo trúc của anh được ươm mầm từ năm anh 8 tuổi. Khi ấy, cha anh đã dạy anh cách thổi sáo trúc, và anh dần nhận ra những bản nhạc sáo trúc là quê hương đất nước, là văn hóa Việt Nam.
Ban đầu, anh Mão không định khởi nghiệp từ việc làm sáo trúc, mà chỉ chế tác để đem tặng bạn bè cũng như dạy mọi người thổi sáo miễn phí. Một ngày nọ, bạn thân của anh góp ý: "Cậu làm sáo mang tặng là tốt, nhưng tự bỏ tiền ra làm mà không tính công thì không có giá trị". Từ đấy, ý tưởng khởi nghiệp nhen nhóm trong tâm trí chàng trai xứ Nghệ, đến năm 3 đại học anh đã bắt đầu kiếm sống bằng việc bán sáo trúc online. Thị trường bán một cây sáo giá 150.000 đồng, anh chỉ bán giá 1/3. Lại thêm quen biết cộng đồng người yêu sáo, khách hàng cứ thế tìm đến anh.
Thấy một mình bán hàng không xuể, anh bắt đầu nghĩ tới việc kinh doanh chuyên nghiệp. Năm 2013, anh cùng 4 người bạn cùng quê mở cửa hàng sáo trúc đầu tiên ở 366 Nguyễn Trãi. Được biết, đến 2 năm cuối đại học, mỗi tháng anh Mão đã có thu nhập 60-70 triệu đồng từ sáo trúc. Năm 2012, anh đăng ký thành công quản quyền trí tuệ Sáo trúc Mão Mèo, sau đó 5 năm thì thành lập công ty cùng tên. Tới năm 2019, 8x Nghệ An đã có tới 28 cửa hàng bán sáo trên khắp cả nước. Anh mở nhà máy, lập xưởng sản xuất Sáo trúc tại Tân Kỳ, Nghệ An tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và đã xuất khẩu Sáo trúc Mão mèo đến 20 quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh việc kinh doanh, anh Nguyễn Văn Mão còn xây dựng hàng trăm CLB Sáo trúc ở khắp các tỉnh thành cả nước, có cả website và fanpage hơn 100.000 người tham gia. Ngoài ra, anh còn lập kênh Youtube "Sáo trúc Mão Mèo", đến nay đã có gần 400.000 lượt đăng ký. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Mão được Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phong tặng nghệ nhân quốc gia trong chế tác nhạc cụ truyền thống và là nghệ nhân trẻ nhất Việt Nam nhận được danh hiệu này.
Kiếm bộn tiền nhờ sản xuất ống hút tre
Cách đây khoảng 5 năm, anh Mão được một người bạn gợi ý kinh doanh ống hút tre. Tuy nhiên, ban đầu anh không tin đây là thị trường đắt khách, dần lãng quên ý tưởng đó. Chỉ đến khi một người bạn làm xuất nhập khẩu đặt hàng anh sản xuất thứ 1.000 ống hút tre để xuất sang nước ngoài, anh mới để ý tới lĩnh vực này.
Ở tuổi 30, anh quyết định thử sức với công việc kinh doanh mới. 8x Nghệ An nhớ lại, anh liên lạc với Việt kiều năm xưa anh từng gửi tặng sáo trúc, nhờ kiếm nguồn khách hàng quốc tế, đặc biệt là ở những nước cấm ống hút nhựa. Sau khi nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu 20.000 ống hút tre với giá cao trong khi nguyên liệu rẻ, anh Mão nhận ra đây là mảnh đất màu mỡ.
Mão nhớ lại: "Tôi ở Tây Nguyên cả tháng trời, chạy xe máy hàng trăm kilomet mỗi ngày để tìm vùng nguyên liệu. Biết tiêu chuẩn của doanh nghiệp nước ngoài gắt gao nên tôi kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất đồng thời đăng ký sở hữu trí tuệ, thiết kế nhãn hàng". Đến giữa năm 2019, anh đã mở tới xưởng sản xuất thứ ba ở quê nhà Nghệ An, trước đó là Tây Nguyên và Biên Hòa (Đồng Nai).
Cũng trong thời gian này, anh vấp phải một sai lầm lớn. Khi kho hàng ở quê chưa hoàn thiện, anh tiếp tục cho thêm 10 xe tải chở nguyên liệu từ Đồng Nai về sản xuất. Thông thường, nguyên liệu thô phải phơi 3 tháng mới sử dụng được, nhưng ở Nghệ An đợt đó không may gặp mưa lớn. Cuối cùng, 700 triệu đồng tiền nguyên liệu tiêu tan chỉ trong một ngày.
Anh Mão tâm sự: "Tôi quên mất thời tiết miền trung không giống trong nam. Những lần sau, đưa hàng về, tôi chỉ nhập nguyên liệu đã được phơi rồi. Các kho chứa hàng, tôi cũng phải xây dựng hoàn thiện hơn". Các xưởng cứ mỗi ngày sản xuất được 100.000 ống hút tre, tương đương doanh thu 60-80 tỷ/năm. 90% sản phẩm được xuất khẩu sang Pháp, Đức, Ấn Độ, trong đó Ấn Độ chiếm đa số.
Những năm gần đây, thị trường này ngày càng phát triển khi ý thức bảo vệ môi trường của mọi người được nâng cao. Trong tương lai, anh dự định sẽ cho ra đời thêm nhiều sản phẩm thân thiện môi trường khác, chẳng hạn như dĩa tre, thìa tre,... thay thế đồ nhựa.
Mùa dịch vùa qua, việc kinh doanh của anh chàng xứ Nghệ bị ảnh hưởng ít nhiều. Anh phải đóng cửa 10 địa điểm, thậm chí có ngày mất trắng vài trăm triệu đồng. Thế nhưng, anh vẫn giữ tâm thế vô tư, thoải mái, ngay cả khi mất tiền vẫn cố gắng vực dậy và làm lại từ đầu.
Anh chia sẻ: "Một ống hút tre đưa ra thị trường không quá đắt, nhưng nếu không tính toán hợp lý thì các bạn dễ bị lỗ. Cũng như khi khởi nghiệp, bạn chưa cần nghĩ kiếm lời được từ nó hay không, quan trọng rằng, trước tiên hãy "cháy" với niềm đam mê đó. Mọi thứ sẽ được đền đáp xứng đáng. Thực ra khởi nghiệp rất dễ, chỉ cần bạn có tinh thần thì mọi vấn đề đều có cách giải quyết. Thay vì nhìn vào khó khăn như nguồn vốn, kinh nghiệm,... bạn hãy lấy cái thuận lợi làm tiền đề bước về phía trước".
(Tổng hợp nhiều nguồn)
Xem thêm: Nuôi cá linh đặc sản ngay trên ruộng lúa, nông dân Đồng Tháp thu hàng trăm triệu đồng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận