Nuôi cá linh đặc sản ngay trên ruộng lúa, nông dân Đồng Tháp thu hàng trăm triệu đồng
Từ dự án sinh kế mùa lũ, nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đã triển khai mô hình nuôi cá linh non trên ruộng lúa, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Cá linh là một trong những loài cá đặc sản khó có thể bỏ qua của miền Tây Nam Bộ mùa nước nổi. Cá linh được chia làm nhiều loại như linh rìa, linh ống hay linh cám,... tất cả được coi là "món quà" mà nước lũ đem lại cho bà con miền Tây giữa mùa nước nổi. Trong đó, cá linh đầu mùa hay cá linh non, cá linh sữa được xem là ngon nhất, ngọt thịt nhất, dù chỉ bé như đầu đũa nhưng lại có xương mềm, thịt béo ngậy.
Loài cá này xuất hiện khi nước lũ từ thượng nguồn sống Mekong ở Campuchia đổ về, là lúc mà bà con các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp có thể đánh bắt cá. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nước lũ về muộn và mực nước thấp hơn nhiều so với những năm về trước nên con cá đặc sản mùa lũ ít dần.
Trưởng phòng Kinh tế TP Hồng Ngự, ông Dương Phú Xuân thông tinh, cá linh, đặc biệt là cá linh non chỉ có vào thời điểm đầu mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dựa trên nhu cầu thực tế, trường Đại học Đồng Tháp đã tìm hiểu, nghiên cứu cho ra cá linh đẻ trứng thành cá bột nhỏ như sợi tóc và sau đó nuôi thử nghiệm trên đồng ruộng.
Mùa lũ năm nay, anh Bùi Trí Nhân (27 tuổi, phường An Bình B, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã thả nuôi cá linh non và tôm càng xanh trên ruộng lúa. Anh được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, từ đó thả 5 triệu con cá linh bột (giá 3 đồng/con) và thu về gần 2,2 tấn cá linh non sau khoảng 30 ngày.
Anh Nhân cho biết, nuôi cá linh trên ruộng lúa không tốn chi phí thức ăn, chỉ cần dẫn nước vào ruộng và chờ tới ngày thu hoạch. Anh thông tin thêm, với 5 triệu con cá bột nhỏ như sợi tóc, sau 30 ngày nuôi trên ruộng lúa sẽ thành cá linh non to bằng đầu đũa. Vào thời điểm thu hoạch, anh Nhân bán cá với giá khoảng 130.000 đồng/kg, doanh thu lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ông Dương Phú Xuân cho biết, do vốn thấp, nuôi trồng lại dễ, ngày càng nhiều bà con ở Đồng Tháp áp dụng mô hình này. Từ thành công của anh Nhân, vào mùa nước nổi năm tới địa phương sẽ tiến hành mở rộng mô hình, giúp bà con vùng lũ tận dụng mặt nước ruộng để nuôi cá linh hay các loại các nước ngọt khác.
Về phần anh Nhân, anh sẽ tiếp tục sử dụng nguồn lợi có sẵn này để nuôi tôm càng xanh, trồng lúa. Giống lúa anh chọn sử dụng là lúa mùa chịu sâu bệnh tốt, chưa kể tăng trưởng tốt, dù nước cao đến đâu cũng có thể vượt lên được. Ngoài ra, khi xuống giống lúa, anh cũng thả khoảng 300.000 con tôm càng xanh ở ao kế bên.
Sau 3 tháng, anh kì vọng sẽ lựa được tôm to, bẻ bớt càng để tôm phát triển phần thịt rồi sẽ thả lại vào ruộng lúa, tôm nhỏ thì nuôi tiếp trong ao. Tới tháng 11, khi mùa nước lũ rút thì lúa sẽ trổ bông, số tôm thả vào ruộng lúa sẽ không còn phải lo chi phí thức ăn nữa. Tôm càng xanh phát triển tốt cùng lúa, tự tìm thức ăn là ấu trùng quanh gốc lúa, các loại rong tảo khác.
Dự án sinh kế mùa lũ, do Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp triển khai từ tháng 6/2021 trên diện tích 11ha kết hợp trồng lúa nuôi cá linh và tôm càng xanh, trong đó có một ao rộng một ha dùng để nuôi tôm giống và 10 ha trồng lúa.
(Theo Dân Việt)
Xem thêm: Gắn bó với nghề nuôi ếch suốt 5 năm, thanh niên 9x xây dựng cơ ngơi thu tiền tỷ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận