Lời khuyên đầu tư cho người trẻ: Đừng nghĩ cứ xin "3 chữ cái" rồi dồn tiền mua là lãi lớn
Đầu tư bắt chước - tức là xin mã cổ phiếu của người này rồi mua theo người đó đang được nhiều người áp dụng, nhưng thực tế có dễ ăn như vậy?
Hiện nay, thị trường chứng khoán ghi nhận một lượng lớn nhà đầu tư mới hàng tháng, được gọi là nhà đầu tư F0. Những người này thường thiếu kinh nghiệm đầu tư, chưa có nhiều thời gian tìm hiểu nhưng vẫn muốn làm giàu nhờ chứng khoán. Đó là lý do họ tham gia các hội nhóm của các môi giới trên Facebook, Zalo,... với kì vọng được "phím hàng".
Quả thực, có không ít người làm giàu nhờ việc được "mách nước" như vậy. Những cũng có nhiều người gánh chịu thiệt hại, lỗ chổng vó khi đầu tư theo hình thức này. Đây gọi là "đầu tư bắt chước" (copycat investing), là một hình thức đầu tư khá phổ biến. Ta chỉ cần theo dõi các động thái đầu tư của một nhà đầu tư nổi tiếng và sao chép danh mục các giao dịch mua và bán của họ.
Không thể phủ nhận là đầu tư bắt chước có khá nhiều ưu điểm, giúp nhiều người thu lời lớn. Và tất nhiên, đằng sau những phi vụ "ngon ăn" là nhiều rủi ro tiềm ẩn. Hoa hậu chứng khoán Mai Phương Thúy từng chia sẻ về vấn đề này: "Các bạn nên chịu trách nhiệm với khoản đầu tư của chính mình, không nên đi theo ai cả, vì lúc lỗ thì mình các bạn chịu, những người khuyên các bạn mua nọ mua kia thì chả mất gì cả đâu".
Vậy đâu là ưu điểm và nhược điểm của đầu tư bắt chước?
Ưu điểm của đầu tư bắt chước
Dễ dàng đầu tư
Đầu tư bắt chước rất dễ thực hiện. Ta chỉ cần tìm một nhà đầu tư mình tin cậy, sau đó mua bán theo các giao dịch của người này.
Cơ hội trúng lời cao
Những nhà đầu tư lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trước khi mua bán cổ phiếu đều đã phân tích và nghiên cứu rất kỹ. Có thể nói, các yếu tố dù kinh tế vĩ mô hay vi mô đều được cân đo đong đếm trước khi họ quyết định xuống tiền. Do đã phân tích kỹ càng như vậy, khả năng xảy ra sai sót là rất khó. Nói cách khác, khi ta đầu tư bắt chước, khả năng trúng lời sẽ cao hơn.
Tìm được những mã cổ phiếu tuyệt vời
Với những nhà đầu tư F0, dấn thân vào thị trường chứng khoán giống như bước vào ma trận. Khi ta không có quá nhiều kiến thức hay thời gian, các nhà đầu tư chuyên nghiệp hay môi giới sẽ giúp ta tìm ra nhiều cổ phiếu tiềm năng.
Nhược điểm của đầu tư bắt chước
Danh mục đầu tư của họ khác với ta
Nhà đầu tư lâu năm thường có danh mục đầu tư đa dạng, giúp họ giảm thiểu rủi ro. Trong khi đó, là nhà đầu tư cá nhân, vừa bước chân vào thị trường, ta khó có một danh mục đầu tư đa dạng như vậy. Nếu ta chỉ biết bắt chước giao dịch của họ mà không cân nhắc mã nào nên - mã nào không, ta sẽ rất dễ gặp rủi ro.
Mục tiêu và nhu cầu tài chính khác nhau
Một nhược điểm lớn của đầu tư bắt chước đó là mục tiêu và nhu cầu tài chính của ta hoàn toàn khác biệt với người ta đang bắt chước. Chẳng hạn, ta chỉ muốn có thêm tiền để tiêu xài hàng tháng, nhưng họ lại muốn "cá kiếm" để mua được xe mới. Hơn nữa, họ là người chơi lâu năm, có nguồn vốn dồi dào, nếu không may thua lỗ cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Ta chỉ mới là nhà đầu tư mới, nếu thua lỗ lớn, tình hình tài chính có thể tệ đi trông thấy.
Không tránh khỏi sai lầm
Dù nghiên cứu kỹ lưỡng đến đâu, có một thực tế là ta không thể dự đoán được tương lai. Ngay cả các chuyên chứng khoán lâu năm cũng mắc sai lầm. Tuy nhiên, trong khi họ có khả năng chịu lỗ, một khoản lỗ nặng có thể là một thảm họa cho danh mục đầu tư của ta.
Lưu ý khi đầu tư bắt chước
Đừng sao chép mù quáng
Sao chép toàn bộ doanh mục đầu tư của người khác một cách mù quáng rất nguy hiểm. Bởi chúng ta có mục tiêu đầu tư khác nhau, tài chính khác nhau. Việc sao chép không chỉ không đáp ứng nhu cầu của ta, mà còn khiến ta thua lỗ.
Thông tin công khai chưa chắc đã đúng thời
Không ít môi giới chứng khoán sẽ công khai danh mục của họ lên mạng xã hội, thường có mức lời lãi 5-10%. Trong trường hợp đó, nếu ta mù quáng đầu tư bắt chước theo, rủi ro thua lỗ là rất lớn. Nguyên do là ta có thể đang mua vào lúc cổ phiếu đã lên "đỉnh", giá tăng cao. Hơn thế nữa, lúc họ đăng lên như vậy, có thể họ đã bắt đầu chốt lời.
Tự phân tích trước khi giao dịch
Thay vì sao chép toàn bộ, hãy chỉ chọn ra 1-2 mã cổ phiếu tiềm năng trong danh mục đầu tư mà ta được khuyến nghị. Sau đó, hãy học cách phân tích các chỉ số, chỉ báo để xem đâu là điểm mua vào tốt, đâu là điểm bán ra có lời.
Ngoài ra, hãy đọc báo cáo tài chính và các tin tức liên quan tới công ty đó để xem tình hình kinh doanh của họ. Làm được điều này không chỉ giúp ta dễ dàng tìm được cổ phiếu tốt mà còn cảm thấy tự tin hơn về khoản đầu tư của mình.
Đầu tư sao chép có thể là một cách tuyệt vời để tìm cổ phiếu tốt cho danh mục đầu tư. Đó là vì các nhà đầu tư lớn thường rất khôn ngoan và có thể phân tích sâu về cổ phiếu, giúp họ tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, ta nên có trách nhiệm với khoản đầu tư của chính mình. Việc sao chép một cách mù quáng có thể gây hại vì các nhà đầu tư khác nhau có chiến lược đầu tư và thời gian khác nhau.
Theo Pháp luật & Bạn đọc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận