Người trẻ Gen Z đầu tư tiền tỷ khởi nghiệp mà không có lãi: Kinh doanh hàng quán không dễ thế đâu!
Dốc hết tiền của để khởi nghiệp, nhưng không ít người trẻ đã phải nhận cái đắng ê chề khi kinh doanh thua lỗ.
Tự mình khởi nghiệp vẫn luôn là mong ước của nhiều bạn trẻ. Điều này giúp họ nhanh chóng độc lập về mặt tài chính, cũng như thoát khỏi vòng xoáy đi làm dân văn phòng được xem là nhàm chán.
Tuy nhiên, đời không chỉ toàn màu hồng. Nhiều người đã thua lỗ khá đau sau những lần khởi nghiệp, đổi lại là nhiều bài học đáng nhớ trên chặng đường làm giàu.
21 tuổi mở 2 quán cafe cùng lúc nhưng lỗ 1 tỷ đồng
Kim Nhung (SN 2001) hiện tại đang cộng tác Marketing với một số công ty tại Bắc Ninh và đồng thời cũng làm KOL. Nói về kinh nghiệm khởi nghiệp, cô bạn đã bắt đầu kinh doanh online từ sớm, đồng thời từng làm phục vụ tại quán cafe và học thêm cơ bản về pha chế.
Sau 2 năm tốt nghiệp THPT, cô bạn cật lực đi làm tại các quán ăn, quán cà phê, nhà hàng, trung tâm tiếng Anh... Bên cạnh đó, Kim Nhung còn tích góp thêm từ tiền bán hàng online, tiền lì xì, tiền tiêu vặt được một số vốn để khởi nghiệp.
Vào đầu năm 2021, Kim Nhung tự mở quán cafe đầu tiên ở Bắc Ninh. Trong 3 tháng đầu, chi nhánh này kinh doanh khá thuận lợi nên Nhung quyết định cùng với một người bạn mở thêm chi nhánh thứ 2. Tổng vốn đầu tư mà cô bạn dành cho 2 quán này là 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay khi mở chi nhánh thứ 2, dịch bệnh Covid-19 bùng trở lại. Mỗi chi nhánh, Kim Nhung đã phải tạm đóng cửa 4,5 tháng và khoảng 2 tháng chỉ bán mang về.
Sau đó, vì phong cách quán không phù hợp, kinh doanh rơi vào tình trạng thiếu ổn định, Kim Nhung đã phải chuyển nhượng cả 2 quán cafe. Sau khi sang nhượng quán, cô bạn thu về được gần 200 triệu đồng, còn lại máy móc và chút đồ dụng cụ pha chế. Tổng kết lại, Kim Nhung bị lỗ khoảng 1 tỷ đồng nhưng may mắn đã trả được khoản nợ vay khi mở quán.
23 tuổi đầu tư hơn 700 triệu đồng vào quán ăn nhưng chưa thấy lãi
Tháng 11/2023, vợ chồng Quốc Sỹ (SN 2000) khai trương quán ăn tại quê nhà Bình Định. Mô hình của quán là kinh doanh cơm quê, bún đậu mắm tôm và lẩu.
Để chuẩn bị cho lần khai trương này, Quốc Sỹ đã dành 700 triệu đồng. Đây là số tiền mà vợ chồng anh chàng tích lũy sau đám cưới (300 triệu đồng), kết hợp vay mượn từ họ hàng (200 triệu đồng) và tiền nợ công hàng hóa và mua trả góp nhiều mặt hàng (200 triệu đồng).
Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, tuy nhiên sau vài tháng hoạt động thì đến hiện tại, quán ăn vẫn chưa thấy lãi. Hàng tháng, vợ chồng anh chàng tốn khoảng 50 triệu đồng cho chi phí duy trì hoạt động của quán ăn, kết hợp 1-3 triệu đồng cho tiền làm Marketing. Sau gần 5 tháng, họ vẫn phải gồng lỗ 20 - 30 triệu đồng/tháng, trong khi lượng khách hàng ngày càng sụt giảm.
Quốc Sỹ nhớ lại, thời gian đầu quán ăn được nhiều người dân xung quanh ghé thăm và ủng hộ. Tuy nhiên, sau này lượng khách hàng không chỉ sụt giảm mà họ còn có những ấn tượng không tốt với quán ăn về cả chất lượng và dịch vụ. Nguyên nhân thất bại gói gọn trong những sai lầm về chọn địa điểm bán, cách quản trị nhân sự và vận hành kinh doanh của ông chủ trong lần đầu tiên khởi nghiệp.
- Thứ nhất, quán chọn sai mặt bằng
Quốc Sỹ mở quán nằm trong hẻm sâu nên gặp khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới. Anh chàng cũng chủ động làm Marketing online thông qua các hội nhóm, bài đăng trên MXH. Nhưng ở vùng quê, hoạt động này không mang về nhiều hiệu quả.
“Quán mình lớn, chi phí duy trì cao trong khi khả năng tiếp cận khách hàng cực thấp đã tạo thành trở ngại khi mình muốn thay đổi bất cứ điều gì”, Quốc Sỹ ngậm ngùi.
Bên cạnh đó, do quán ăn mở đúng vào thời điểm kinh tế khó khăn nên chịu ảnh hưởng khá lớn do người dân thắt chặt chi tiêu. Khách hàng chọn ăn nhà hơn đến nhà hàng nên lượng khách có sự sụt giảm đáng kể.
- Thứ hai, non nớt trong quản lý con người
Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên những ngày đầu mở quán, chàng trai chưa có hướng dẫn và quy trình tuyển dụng, làm việc với nhân viên. Điều này dẫn đến nhân sự làm việc theo cảm tính, tinh thần uể oải ảnh hưởng tới cả khách hàng. Ngoài ra về phía đầu bếp, anh chàng ủy toàn quyền cho họ vì không có nhiều kinh nghiệm nấu nướng. Cũng vì thế, những nhân viên này tự ý làm điều họ muốn, nên chất lượng món ăn cứ thế lao dốc.
“Lúc đầu quán mình buôn bán rất đông, nhưng bản thân còn non nớt trong khâu quản lý và quản trị con người nên chất lượng dịch vụ đi xuống, không đồng đều. Với mình, một khi khách đã có những trải nghiệm không tốt thì việc cải tạo lại mô hình hay chuyển hướng kinh doanh để quán đi lên cũng gặp nhiều khó khăn.
Đến giờ, mình vẫn tiếc vì bản thân mắc quá nhiều sai lầm trước đó, khiến khách mất niềm tin. Tới độ nhiều người nghe đến tên quán mình đã vội gạt qua một bên luôn” .
Chia sẻ về dự định tương lai, Quốc Sĩ cho rằng anh sẽ nỗ lực thay đổi để cứu vớt tình hình kinh doanh. Tuy nhiên, chàng trai cũng đã nghĩ đến viễn cảnh xấu nhất khi phải tự tay đóng cửa quán ăn của mình.
Quốc Sỹ chia sẻ : “Hiện tại, tài chính của vợ chồng mình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Vì khoản nợ không phải vay ngoài quá nhiều mà chủ yếu là từ người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, mình nghĩ sẽ có 1 thời điểm bản thân không còn tiếp tục kinh doanh nữa, chắc là gần thôi (cười). Tuy nhiên lúc đó mình sẽ ngồi lại xem lại hành trình đã đi qua, rồi chuẩn bị thật kỹ trước khi bắt đầu một dự định mới và hạn chế mắc phải sai lầm trải qua”.
Học được gì từ sai lầm khi làm chủ?
Tất nhiên, một lần thất bại khi khởi nghiệp không đồng nghĩa chặn hết con đường làm giàu của bạn, nhất là khi hội "ông bà chủ" này còn trẻ và cơ hội làm lại còn nhiều. Quan trọng hơn cả là sau mỗi lần kinh doanh, họ nhận được bài học gì để tiếp tục phát triển hơn trong tương lai.
Về phía Kim Nhung, cô bạn cho rằng có 4 lý do dẫn đến kết quả khởi nghiệp thất bại. Đó là thiếu kinh nghiệm; quá tự tin theo phong cách riêng, khác biệt - độc lạ; không nghiên cứu thị trường rõ ràng và chi tiết; thiếu kiến thức kinh doanh cũng như không có sự chuẩn bị cho những sự cố hay dự trù cho các trường hợp xảy ra.
"Mình đã rút ra bài học lớn nhất là quản lý tài chính, đặc biệt là mục rủi ro trong các trường hợp, mọi vấn đề có thể xảy ra như dịch bệnh hay suy thoái kinh tế như hiện nay", Kim Nhung tâm sự.
Còn về phía Quốc Sỹ, anh nhận định bài toán lớn nhất với hội làm chủ như anh là làm sao quản lý được con người và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, bạn phải có một quy trình rõ ràng trong cách vận hành thì sẽ mang đến tính ổn định cho nhà hàng, cũng như khách hàng thấy yên tâm hơn khi lựa chọn quán mình. Thêm nữa, anh hiểu rằng một khi đã đánh mất niềm tin từ khách hàng thì mọi thứ sẽ khó lấy lại được.
Theo Nhịp sống thị trường
Xem thêm: Tâm sự của một môi giới bất động sản: Xưa đạt doanh thu 48 tỷ, nay nợ nần vì đầu tư thua lỗ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận