Cám cảnh của nhiều người trẻ hiện nay: Có bằng thạc sĩ vẫn thất nghiệp, sống tạm bợ nhờ mã giảm giá
Nhiều người trẻ hiện nay khó kiếm việc, phải chịu cảnh thất nghiệp, sống nhờ mã giảm giá vì kinh tế khó khăn.
Có một thực tế là, hiện nay số lượng người thất nghiệp đang "không giảm mà tăng". Nhiều người trẻ dù có học vấn cao, ra trường vẫn có thể đối diện với nguy cơ thất nghiệp.
Linh Sơn mới tốt nghiệp thạc sĩ sau 7 năm học hành, hiện đang thất nghiệp. Cô sống tạm bợ trong căn phòng trọ chỉ rộng 8m2 ở phía đông thành phố Nam Kinh, Trung Quốc.
Sau nhiều lần xin việc thất bại, cô thử chuyển sang lĩnh vực livestream bán hàng. Để có người xem, cô không ngần ngại "phô bày" cuộc sống của mình trên mạng xã hội để nhận tiền "donate". Một buổi phát sóng gần đây đã mang về cho cô hơn 20 NDT (khoảng 67.000 VNĐ). Cô liên tục nói với khán giả: "Cảm ơn vì đã cho tôi ăn. Tôi muốn mua một tô mì ăn liền. Tôi thậm chí còn dư chút tiền để thêm một ít thịt".
Chi tiêu hàng ngày của cô phụ thuộc vào các mã giảm giá. Cô săn lùng các đợt giảm giá và sử dụng phiếu giảm giá trên nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao, làm tất cả những gì có thể để kiếm thêm tiền. Linh Sơn chán nản nói: "Tôi cố gắng cắt giảm chi tiêu bằng mọi cách. "Tôi không đi giao lưu với bạn bè hay đi ăn ngoài. Tôi không nghĩ đến việc mua nhà hay kết hôn. Thứ quan trọng nhất với tôi lúc này là đồ ăn để có thể tồn tại".
Cô gái trẻ cho biết, trước kia cô theo học ngành kỹ thuật xây dựng dân dụng. Thời điểm đó, bất động sản Trung Quốc đang bùng nổ, cô kỳ vọng sau khi ra trường sẽ kiếm thật nhiều tiền. Linh Sơn nói: "Tôi muốn làm việc cho một nhà phát triển bất động sản, nhưng khi tôi tốt nghiệp, họ lần lượt phá sản".
Báo cáo được công bố bởi nền tảng tuyển dụng hàng đầu Zhilian Zhaopin và Đại học Tế Nam (Sơn Đông, Trung Quốc) cho thấy nhu cầu về công việc tự do đã tăng lên trong quý đầu tiên của năm 2023, ngay cả khi nhu cầu thị trường của những công việc như vậy đã giảm dần kể từ đỉnh điểm của đại dịch.
Ngày càng nhiều người trẻ tìm việc ở Trung Quốc, bao gồm nhiều người có bằng đại học, đang tìm kiếm “việc làm linh hoạt”. Những người tìm việc linh hoạt có nhiều khả năng ‘hạ cấp’, nghĩa là trình độ vốn nhân lực của họ cao hơn yêu cầu của vị trí họ ứng tuyển, dẫn đến tình trạng không đủ tiêu chuẩn, theo báo cáo.
Tại Việt Nam, sau 9 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm. Về lao động có việc làm, tính chung 9 tháng năm 2023, lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19 triệu người, tăng 321,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 454,3 nghìn người.
Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) quý III/2023 là 33,4 triệu người, chiếm 65% trong tổng số lao động có việc làm, tăng 43,9 nghìn người so với quý trước và tăng 355,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa cải thiện về chất lượng khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Theo Phụ nữ số, báo Nhân dân
Xem thêm; Giám đốc thất nghiệp đi làm shipper kiếm tiền, vẫn vui vẻ: Chỉ cần lương thiện, việc gì cũng quý
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận