Thực tế phũ phàng: Người giàu gom biệt thự rồi bỏ hoang, người nghèo chật vật không mua nổi nhà giá rẻ
Có một thực tế phũ phàng đang xảy ra, đó là người giàu sở hữu nhiều biệt thự nhưng bỏ hoang, còn người nghèo cố mãi không mua nổi nhà.
Từ lâu, bất động sản đã là một kênh đầu tư quen thuộc của người Việt, cho dù là đại gia hay nông dân cũng đều mong muốn đầu tư vào nó. Thế nhưng, không phải lúc nào ta cũng có thể lời lãi nhờ bất động sản, cũng vì thế mà có biết bao nhiêu câu chuyện "dở khóc dở cười".
Hiện tại, tình trạng hàng loạt biệt thự hạng sang, cao cấp trị giá hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang, không người ở không hề hiếm. Đó là hệ quả của giai đoạn phát triển nóng của thị trường bất động sản, khiến người ta đua nhau mua nhà, mua đất. Quanh Hà Nội, không khó tìm thấy vô số các căn biệt thự bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Chẳng hạn, tại khu vực Linh Đàm, tuy đã hoàn thiện được 20 năm nhưng vẫn có không ít căn biệt thự cao cấp mới chỉ xây xong phần khung, chưa có ai vào ở. Tại quận Tây Hồ, theo thống kê có khoảng 44 căn biệt thự xây từ năm 2016, sau 5 năm vẫn chưa hoàn thiện xong, bỏ hoang cho... chuột ở. Người qua đường, nhìn theo loạt căn biệt thự đắt đỏ xây dựng dang dở nằm cạnh hồ Tây mà không khỏi xuýt xoa.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các khu đô thị như KĐT Vân Canh, KĐT Nam An Khánh, Lideco... Tuy đã khởi công xây dựng từ cả chục năm trước, đến nay vẫn hiếm cư dân về ở. Biệt thự có nơi trở thành điểm tập kết của dân đồng nát thu gom vật liệu, cũng có khi là quán nước vỉa hè cho dân lao động tự do. La liệt các biệt thự, nhà liền kề không người ở, nhiều căn mặc dù đã hoàn thiện đầy đủ nhưng vẫn cửa đóng then cài, xuống cấp dần qua năm tháng.
Có một nghịch lý rằng, tuy biệt thự bỏ hoang rất nhiều nhưng khi dự án nào mở bán đều nhanh chóng hết sạch. Với người mua, đó là một kênh đầu tư để giữ tiền lâu dài, có lợi hơn gửi ngân hàng. Trong khi đó, với người nghèo, việc tìm mua một căn hộ giá rẻ quả thực vô cùng khó khăn. Tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến cho nhà ở bình dân trở thành một vấn đề nan giải ở các thành phố lớn.
Theo JLL Việt Nam, trong giai đoạn 2014-2018 nguồn cung nhà ở bình dân tại TP.HCM tăng trưởng rất khả quan, các yếu tố chính của nhà ở bình dân tại Việt Nam bao gồm quy mô dự án, các tiện nghi cơ bản và vị trí của dự án, đặc biệt là mức giá bán phải dưới 27 triệu đồng/m2. Thế nhưng, trong giai đoạn năm 2019-2020, nguồn cung nhà ở phân khúc này lại sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 5.000 căn.
Trong khảo sát thực hiện năm 2019 của Sở Xây dựng TP.HCM, có tới 500.000 hộ gia đình ở địa phương chưa sở hữu nhà riêng. Những hộ này đang ở nhờ nhà người thân, thuê nhà, với 94% trong số đó có nhu cầu mua nhà giá trên dưới 1 tỷ đồng. Có thể thấy, dù nhu cầu đang tăng rất cao, người nghèo vẫn đang chật vật tìm nguồn cung nhà giá rẻ.
Đây quả thực là tình cảnh "người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra". Quỹ đất luôn có hạn, chưa kể thu nhập trung bình của người dân chưa thể theo kịp giá bất động sản. Vì thế, hi vọng trong thời gian tới đây, bên cạnh việc phát triển nhà đất phân khúc cao cấp, sẽ có thêm vô số dự án nhà ở bình dân cho người có thu nhập thấp. Bớt xây biệt thự, giá nhà sẽ tăng, người giàu đương nhiên cũng được lợi. Tăng số lượng nhà giá rẻ, người nghèo có thể mua được nhà dễ dàng hơn, vấn đề "an cư lạc nghiệp" cũng vì thế sẽ dần được tháo gỡ.
Xem thêm: Người nghèo tâm niệm tiết kiệm mới giàu, chỉ kẻ có tiền mới đầu tư nhà đất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận